Kỹ năng ứng xử cần dạy con để tránh 'muối mặt' ngày Tết

GD&TĐ - Ngày Tết không chỉ là dịp để trẻ cùng gia đình và bạn bè vui chơi, nghỉ ngơi mà còn là dịp để cha mẹ dạy con cách cư xử đúng mực.

Cha mẹ cần dạy trẻ cách chúc Tết ông bà, người lớn. Ảnh minh họa.
Cha mẹ cần dạy trẻ cách chúc Tết ông bà, người lớn. Ảnh minh họa.

Bởi, đây là thời điểm bé học được nhiều điều mới vì thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ với mọi người. Phụ huynh nên dạy trẻ một số câu chúc Tết, cũng như cách cảm ơn khi được người lớn cho thứ gì. Cha mẹ có thể giáo dục trẻ thông qua trò chơi hằng ngày.

“Thỏa thuận” với trẻ

Để tránh tình trạng bị “muối mặt” vì con thiếu lễ phép, không lịch sự… cha mẹ nên lưu ý dạy trẻ những quy tắc ứng xử Tết. Theo ông Phan Duẩn - Học viện Thanh thiếu niên miền Nam, cần dạy trẻ biết giữ im lặng khi cha mẹ tiếp khách. Khoảng 3 - 4 tuổi trở lên, bé đã biết ngồi ngoan trong khi cha mẹ trò chuyện. Muốn nói gì, bé biết cách ra dấu hoặc nói nhỏ với mẹ mà không cắt ngang.

Tuy nhiên, nếu phụ huynh cho rằng, con còn nhỏ, không hướng dẫn, thì trẻ sẽ không tự hiểu được. Bởi, các bé chưa hề ý thức được việc cắt ngang người lớn hay quấy trong lúc cha mẹ đang nói chuyện là không tốt.

Do đó, phụ huynh cần thỏa thuận một ký hiệu với trẻ. Sau đó, hướng dẫn con ra dấu với mẹ trước khi muốn nói điều gì. Cho trẻ “thực tập” bằng cách tham gia bữa cơm của gia đình, hoặc những buổi nói chuyện của cha mẹ.

Phụ huynh cần cho con biết khi nào bé nên chơi yên lặng, không quấy khi nhà đang có khách. Có thể ban đầu, việc này khá khó khăn. Tuy nhiên, nếu phối hợp cùng giáo viên để rèn cho trẻ, bé sẽ ý thức được lúc nào nên giữ im lặng.

Một quy tắc ứng xử khác mà trẻ cần biết trong ngày lễ là học cách cảm ơn. Trong dịp Tết, trẻ sẽ được nhận quà bánh, lì xì từ khách. Tuy nhiên, cha mẹ không nên đợi đến lúc đó mới hối hả giục con: “Cảm ơn đi con!”, “Chúc Tết đi con!”. Bởi, thực tế, trẻ chỉ có thể làm tốt những việc này nếu cha mẹ thật sự xem đó là một kỹ năng và rèn luyện nghiêm túc cho con.

Phụ huynh cũng nên dạy trẻ một số câu chúc Tết, cũng như cách cảm ơn khi được người lớn cho thứ gì. Cha mẹ có thể giáo dục trẻ thông qua trò chơi hằng ngày.

Ví dụ, có thể tạo ra trò chơi cảm ơn. Khi trẻ đưa cho cha mẹ thứ gì đó, phụ huynh sẽ cầm và nói: “Mẹ cảm ơn con!”. Sau đó, hãy thử làm tương tự với trẻ. Phụ huynh nên tạo cho trẻ có thói quen này, cũng như luôn nhận đồ vật bằng hai tay, nói cảm ơn. Bằng cách này, trẻ sẽ không ngỡ ngàng khi sang nhà người khác.

Trẻ cần biết cách ứng xử khi được nhận lì xì. Ảnh minh họa.

Trẻ cần biết cách ứng xử khi được nhận lì xì. Ảnh minh họa.

Nhận lì xì là một phần không thể thiếu trong dịp Tết của trẻ. Tuy nhiên, không ít phụ huynh “muối mặt” khi con vội vàng mở phong bao lì xì ngay trước mặt khách. Vì vậy, cha mẹ cần dạy trẻ không xem ngay bao lì xì. Hãy giải thích với trẻ rằng, phong bao lì xì là để chúc con may mắn, hay ăn chóng lớn. Do đó, trẻ không nên mở ra xem ngay lúc ấy, cũng không nên đưa ra lời khen - chê, hay nhiều - ít về giá trị bên trong.

Cách tốt nhất là trẻ nên chúc Tết mọi người, cảm ơn và cất bao lì xì vào túi. Để thuận tiện cho trẻ, phụ huynh có thể tặng cho bé một chiếc ví, hoặc để trẻ mặc áo có túi để cất bao lì xì của riêng mình.

Bên cạnh đó, cha mẹ không thể bỏ qua việc dạy con chúc Tết mọi người. Bởi, chúc Tết là một trong những phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa của người Việt Nam mỗi dịp Xuân về. Những lời chúc là sự bày tỏ lòng hiếu thảo, tình thương yêu, “uống nước nhớ nguồn” của mọi người trong gia đình, với niềm mong ước và cầu chúc một năm mới an vui, may mắn và hạnh phúc.

Tuy nhiên, không phải bạn nhỏ nào cũng hiểu và biết cách chúc Tết. Nhiều trẻ khi đi chúc Tết cùng cha mẹ chỉ biết chào. Trẻ cũng không biết cách chúc Tết sao cho lịch sự mà vẫn ấm áp. Do đó, trước thềm năm mới, cha mẹ cần trang bị kỹ năng sống này cho trẻ.

Hãy từ từ hướng dẫn con để trẻ dần quen với phản xạ giao tiếp khi gặp người lớn và biết cách nói lời chúc Tết. Hãy cho trẻ biết những lời chúc tuy chỉ đơn giản và ngắn gọn, nhưng lại như “một món quà yêu thương” đối với người nhận.

Phụ huynh cũng cần hướng dẫn trẻ không tự ý sử dụng đồ của người khác khi chưa xin phép. Hãy nói với trẻ rằng, việc tùy tiện sử dụng đồ mà chưa nhận được sự đồng ý của chủ nhân là một hành động bất lịch sự. Thậm chí, hành động này của trẻ có thể khiến người khác hiểu nhầm là trộm đồ. Nếu trẻ muốn sử dụng hoặc tò mò về bất cứ thứ gì của ai đó, con cần phải xin phép. Ngoài ra, khi sang nhà người khác chơi vào dịp Tết, bé cũng cần biết nhường nhịn các bạn khác.

Tình trạng trẻ “chí chóe”, gây gổ với nhau sẽ không xảy ra nếu phụ huynh có thể “huấn luyện” con biết nhường nhịn các bạn.

Cha mẹ có thể kể cho con nghe những câu chuyện ngụ ngôn như “Hai con dê cùng qua một chiếc cầu”. Sau đó, đưa ra những tình huống để bé suy nghĩ và học được cách “nhường”. Khi có bạn muốn giành một món đồ chơi, cha mẹ hãy gợi ý cho trẻ chơi sang món khác, hoặc nói với bạn là: “Chúng mình chơi cùng nhau nhé!”.

Việc hướng dẫn trẻ kỹ năng này sẽ tương đối khó trong thời gian đầu, nhất là với các bé còn nhỏ. Tuy nhiên, nếu cha mẹ tìm cách giám sát trẻ lúc chơi, khéo léo can thiệp đúng lúc, cũng như tập cho con nhường nhịn nhiều lần, thì tình trạng khó xử sẽ không xảy ra.

Cha mẹ cần trang bị trước cho trẻ kiến thức tối thiểu về cách ứng xử trong đám đông. Ảnh minh họa

Cha mẹ cần trang bị trước cho trẻ kiến thức tối thiểu về cách ứng xử trong đám đông. Ảnh minh họa

Chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi du Xuân

Trong khi đó, theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh - Trung tâm Rồng Việt, với những gia đình có điều kiện thì có thể sẽ dành thời gian cho những chuyến đi chơi xa, điểm du lịch trong và ngoài nước… trong thời gian nghỉ Tết. Trong khi đó, những gia đình ít điều kiện về tài chính và thời gian thì cũng có thể tham gia vào những lễ hội, địa điểm du Xuân. Tuy nhiên, dù đi chơi xa hay gần, các gia đình có trẻ em đều cần có sự chuẩn bị.

“Chúng ta đừng nghĩ là chỉ cần mang theo tiền là đủ. Bên cạnh việc chuẩn bị các vật dụng như máy ảnh, nước uống, các loại trái cây, hay bánh kẹo hợp vệ sinh, khăn giấy… thì việc chuẩn bị tinh thần cho trẻ với những lời dặn dò để tránh chuyện vòi vĩnh, hay quá ham chơi mà đi lạc… cũng như phân chia thời gian, đi trong bao lâu, khi nào đi khi nào về... cũng là điều không thừa”, chuyên gia cho biết.

Bên cạnh đó, phụ huynh được khuyến khích nên trang bị trước cho trẻ kiến thức tối thiểu về cách ứng xử trong đám đông, với người lạ hay cách tự bảo vệ mình. Đặc biệt, đối với các trẻ nhỏ, cha mẹ cần có những biện pháp để giữ an toàn cho con. Một trong số đó bao gồm ghi tên cha mẹ và số điện thoại rồi để vào túi của trẻ.

“Vui Tết với trẻ em không chỉ là ăn uống, vui chơi, mà còn phải có sự nghỉ ngơi hợp lý cùng các hoạt động hằng ngày và cả thời gian để ngó nghiêng đến sách vở. Có thể chỉ là một giờ trong ngày, các em cũng cần có sự động não xem lại bài, hay đọc các sách tham khảo hỗ trợ kiến thức. Đặc biệt, trẻ nên có hoạt động cùng với cha mẹ vào những ngày trước và trong Tết tại gia đình.

Ông Lê Khanh cho rằng, không có dịp nào tốt hơn là thời điểm chuẩn bị đón Tết, cũng như ngày đầu năm. Đây là những thời điểm gia đình có nhiều hoạt động cùng nhau trong việc sắp xếp, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ…

Ngoài ra, các thành viên cũng sẽ quây quần bên nhau trong mâm cơm, trò chuyện thân tình. Chính những hoạt động này mới là điều cha mẹ và trẻ cần phải quan tâm. Bởi, đó là những hoạt động nâng cao giá trị của những ngày nghỉ Tết, chứ không phải cuộc vui chơi mà “mạnh ai nấy chơi”. Thậm chí, ngày nay, không ít trẻ thường dành thời gian nghỉ Tết để chơi điện tử.

“Chúng ta cần có một sự sắp xếp các hoạt động chuẩn bị đón Tết và vui Xuân, cho cả cha mẹ lẫn con. Tuy không quá cứng nhắc, nhưng cũng phải có sự bố trí hợp lý giữa nghỉ ngơi, giải trí và ăn uống, học tập, làm việc cùng nhau… Bên cạnh đó, việc đi chơi Xuân, hay đến thăm họ hàng cũng cần có sự cân nhắc và chuẩn bị chu đáo cho lộ trình, những vật mang theo.

Ngoài ra, các thành viên trong gia đình cũng cần chuẩn bị trước về những điều cần trao đổi, từ câu chúc ông bà, cô chú, cho đến việc nhận tiền lì xì.

Chuyên gia này nhấn mạnh, lì xì là một nét đẹp văn hóa. Tuy nhiên, nếu cha mẹ không khéo dạy, cách ứng xử của trẻ có thể khiến phụ huynh “đứng hình”. Ông Lê Khanh chia sẻ, nếu biết cách tổ chức, sắp xếp, chuẩn bị trước các nội dung cần thiết để trẻ có thể vui vẻ nghỉ ngơi trong ngày đầu năm, Tết sẽ là khoảng thời gian vô cùng đáng quý của các thành viên trong gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.