Kỹ năng sống “đẹp” từ giờ học chính khóa

GD&TĐ - Ông Nguyễn Văn Hảo - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bạc Liêu - cho rằng: Qua giờ dạy chính khóa, người dạy đã hình thành cho người học các kỹ năng học tập như nghe, nói, đọc, viết, tính toán... Trong từng kỹ năng này lại tiếp tục rèn luyện thêm một số kỹ năng sống quan trọng khác.

Kỹ năng sống “đẹp” từ giờ học chính khóa

Từ rèn đọc đến kỹ năng kiểm soát cảm xúc

Chẳng hạn như trong việc rèn luyện kỹ năng đọc thì giáo viên rèn cách đọc diễn cảm. Thông qua đọc diễn cảm hình thành nên kỹ năng kiểm soát cảm xúc, giúp cho học sinh biết xử lý cảm xúc, kiềm chế cảm xúc, làm chủ cảm xúc…

Đồng thời, giáo viên sẽ kết hợp rèn luyện kỹ năng lắng nghe tích cực bằng việc thể hiện sự tập trung chú ý đến người khác thông qua cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt, nét mặt, nụ cười…

Trong quá trình giảng dạy trên lớp, giáo viên luôn đặt ra những câu hỏi hay những bài toán yêu cầu học sinh trả lời hoặc giải đáp. Lúc này đòi hỏi học sinh phải tư duy nhạy bén và tự nhận thức về bản thân mình một cách chính xác để có cách ứng xử phù hợp như mạnh dạn đưa ra câu trả lời nhanh nhất và có hiệu quả nhất.

Từ đó hình thành nên kỹ năng tự nhận thức, tự mình biết nhìn nhận, đánh giá về bản thân.

Kỹ năng ứng phó với căng thẳng từ cách giải bài toán khó

Đối với việc giáo viên cho học sinh giải những bài toán khó, hoặc tham gia kỳ thi quan trọng, việc trước tiên giáo viên thường nhắc nhỡ học sinh phải luôn bình tĩnh, suy nghĩ kỹ trước khi làm bài, câu nào dễ thì làm trước, phân bổ thời gian hợp lý…

Đó cũng là cách rèn luyện cho học sinh kỹ năng ứng phó với căng thẳng, cũng như rèn luyện kỹ năng thể hiện sự tự tin, mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ và chính kiến của mình, quyết đoán trong việc ra quyết định và giải quyết vấn đề.

Đồng thời, đây cũng là dịp để giáo viên rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian cho học sinh nhằm sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên, biết tập trung vào việc giải quyết công việc trọng tâm trong một thời gian nhất định, giúp con người tránh được căng thẳng, có kỹ năng làm chủ bản thân, góp phần vào sự thành công của mình.

Cũng trong việc giải toán, giáo viên thường yêu cầu học sinh phải đưa ra giả thuyết và kết luận trước khi làm bài. Điều này đặt ra yêu cầu học sinh phải rèn luyện kỹ năng tìm kiếm và xử lý thông tin, biết thu thập thông tin, sắp xếp thông tin, phân tích, so sánh, đối chiếu thông tin, xem xét toàn diện, có hệ thống để đi đến xử lý thông tin, cũng như có kết luận cuối cùng.

Song song đó, giáo viên cũng rèn luyện cho học sinh kỹ năng thương lượng thông qua việc trình bày, suy nghĩ, phân tích, giải thích để thống nhất về cách suy nghĩ, cách làm.

Tư duy sáng tạo, năng động từ học Văn

Đối với những bài văn nghị luận xã hội hoặc phân tích nhân vật, giáo viên thường rèn luyện cho học sinh kỹ năng tư duy phê phán thông qua việc phân tích một cách khách quan, toàn diện các vấn đề, sự vật, hiện tượng xảy ra, thông qua việc sắp xếp thông tin có hệ thống, phân tích, so sánh, đối chiếu, lý giải các thông tin, xác định bản chất, tình huống, nhận định mặt tích cực, mặt hạn chế của vấn đề để xem xét thấu đáo, sâu sắc để từ đó đưa ra những kết luận, đánh giá phù hợp.

Song song đó, việc làm này cũng rèn luyện cho học sinh kỹ năng tư duy sáng tạo thông qua việc tạo nên khả năng nhìn nhận và giải quyết vấn đề theo một cách mới, ý tưởng mới, khám phá mới, có nhiều sáng kiến, có tư duy năng động, linh hoạt và khác biệt.

Tương hỗ từ kỹ năng làm việc nhóm

Đối với phương pháp giảng dạy làm việc theo nhóm, giáo viên đã rèn luyện cho học sinh kỹ năng hợp tác thông qua việc chung sức làm việc, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong một công việc vì mục đích chung.

Từ đó, giúp cho các em biết tôn trọng những điều đã cam kết, biết cảm thông chia sẻ với các thành viên khác, biết bày tỏ ý kiến trong nhóm, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến người khác, biết phát huy năng lực và sở trường cá nhân để hoàn thành tốt nhiệm vụ, biết cùng cả nhóm đồng cam cộng khổ, có trách nhiệm trước những thành công hay thất bại của nhóm.

Qua đó, giáo viên còn hình thành cho học sinh kỹ năng đảm nhận trách nhiệm, thể hiện sự tự tin, chủ động chia sẻ công việc với các thành viên khác cũng như tìm kiếm sự giúp đỡ cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ.

Ngoài ra, quá trình rèn luyện các kỹ năng học tập, giáo viên còn rèn luyện cho học sinh những đức tính tốt đẹp như cần cù, nhẫn nại, vượt khó, tỷ mỷ, khéo léo…

Những đức tính tốt đẹp này đã hỗ trợ tích cực trong việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh sau này.

Chính vì vậy, thông qua giờ dạy chính khóa, bản thân giáo viên cũng phải thể hiện đầy đủ những kỹ năng sống mẫu mực của người thầy thông qua những thao tác giảng dạy, thông qua cách truyền thụ kiến thức, thông qua việc liên hệ kiến thức với thực tiễn cuộc sống…

Chẳng hạn như quá trình giảng dạy trên lớp, giáo viên thể hiện cách trình bày bảng sạch, đẹp, khoa học, cũng như rèn luyện cách viết chữ đẹp là rèn luyện đức tính tỷ mỷ, khéo léo. Cách giảng giải phân tích nội dung bài giảng, bài tập thật chặt chẽ, đúng trình tự, khoa học là giáo dục đức tính cần cù, nhẫn nại, vượt khó, cũng như rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian cho học sinh.

Phong phú kỹ năng sống qua kiến thức bài dạy

Quá trình giảng dạy trên lớp còn rất nhiều nội dung giáo dục kỹ năng sống thông qua liên hệ thực tiễn của kiến thức bài dạy.

Chẳng hạn ở các môn học về Văn học, Lịch sử, Địa lý có nhiều nội dung giáo dục kỹ năng sống như kỹ năng xác định giá trị thông qua việc xác định những chuẩn mực đạo đức, định hướng suy nghĩ, hành động, lối sống, thái độ, chính kiến đối với những điều hay lẽ phải, cũng như hành vi đúng sai trong cuộc sống đời thường và việc liên hệ để rèn luyện kỹ năng sống này phải thực sự nhẹ nhàng, sâu sắc, không gượng ép thì mới đạt hiệu quả cao.

Đối với môn học đặc thù mang tính giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh như Giáo dục lễ giáo ở Mẫu giáo, môn Đạo đức ở Tiểu học và môn Giáo dục công dân ở Trung học thì việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp, hòa nhập cuộc sống cho học sinh là rất gần gũi và thiết thực.

Như việc giáo dục cho các em biết giới thiệu về bản thân, gia đình, trường lớp, bạn bè, thầy cô giáo, biết chào hỏi lễ phép, biết cảm ơn, biết xin lỗi, không nói tục chửi thề, không cãi vã đánh nhau, giáo dục lối sống giản dị, lành mạnh, tiết kiệm…

Đây là những thói quen, hành vi rất sơ đẳng, nhưng rất quan trọng để rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho học sinh và là tiền đề để hình thành nhân cách tốt đẹp sau này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.