Đây cũng là nội dung được chuyên gia giáo dục quốc tế Stevent Foster trao đổi tại chương trình Tọa đàm “Kỷ luật trẻ - Đâu là giới hạn?” do Trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway và Trường Mầm non Quốc tế Sakura Montessori phối hợp tổ chức tối 7/8/2018
Bạo hành trẻ vẫn diễn ra âm thầm trong nhiều gia đình
Theo ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội): Trên thế giới có khoảng 300 triệu trẻ em từ 2 đến 4 tuổi thường xuyên bị cha mẹ áp dụng các hình thức kỷ luật về thể chất hoặc tâm lý. Trên toàn cầu, khoảng 1,1 tỷ người chăm sóc trẻ cho rằng: trừng phạt về thể chất là phương pháp cần thiết để giáo dục trẻ.
Còn tại Việt Nam, 68,4% trẻ em từ 1- 14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt về thể chất hoặc tinh thần từ các thành viên trong gia đình.
Tuy nhiên, những con số trên đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Thực trạng bạo hành trẻ xuất phát từ các hành vi kỉ luật thô bạo vẫn diễn ra âm thầm trong nhiều gia đình. Những tổn thương về mặt thể chất, tinh thần của trẻ đang bị bỏ ngỏ. Và câu chuyện về sự mâu thuẫn trong phương pháp giáo dục con đã khiến nhiều cha mẹ rơi vào bế tắc.
Bàn về nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, chuyên gia giáo dục quốc tế Steven Foster cho rằng, hầu hết những người có hành vi lạm dụng trẻ em thực sự yêu con cái của họ, nhưng vấn đề ở chỗ họ không có kiến thức, kỹ năng để yêu thương con đúng cách.
Đồng quan điểm với chuyên gia Steven Foster, chuyên gia giáo dục Nguyễn Bảo Trọng – Giám đốc học thuật Trường MNQT Sakura Montessori chia sẻ: Sáu năm đầu đời được xem như nền tảng, tạo dựng nền móng cho cấu trúc về nhân cách sau này của đứa trẻ. Trong giai đoạn này trẻ cần phát triển cảm giác tin tưởng bản thân mình, tin tưởng người khác và tin tưởng thế giới xung quanh.
Tuy nhiên, người lớn thường có xu hướng kiểm soát thái quá, khi chúng ta không có khả năng điều chỉnh trẻ, chúng ta thường làm trẻ cảm thấy xấu hổ về những hành vi của chúng, khiến chúng có xu hướng nghi ngờ bản thân. Chúng ta cũng thường có xu hướng xét nét những lỗi sai của trẻ theo cách tiêu cực và làm thay cho trẻ những gì chúng có thể làm được.
Chia sẻ tại Toạ đàm, chuyên gia giáo dục Hoàng Anh Đức – Giám đốc học thuật trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway cho rằng: Giáo dục” là một quá trình, và “dạy” là một thao tác. Nhiều khi, phụ huynh và giáo viên đều nôn nóng, muốn quá trình “giáo dục” được diễn ra nhanh gọn như thao tác “dạy”. Đó chính là lý do khiến người lớn thường cảm thấy thất vọng về trẻ và ngày càng có những hành vi thúc ép trẻ thay đổi nhanh hơn. Và lạm dụng trẻ sẽ tất yếu xảy ra nếu đứa trẻ không thực hiện đúng như kỳ vọng của người lớn.
“Điều phụ huynh nên làm là trở thành một người bạn và đồng hành cùng với trẻ” – Chuyên gia Đức gợi ý.
Chuyên gia giáo dục quốc tế Steven Foster (giữa ảnh) |
Khóa học miễn phí cho các bậc cha mẹ
“Bố mẹ nào cũng yêu thương con, nhưng để yêu con đúng cách cần phải học” – Chuyên gia Steven khẳng định.
Đó chính là lý do, trong tháng 8/2018, Trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway và Trường mầm non Quốc tế Sakura Montessori tổ chức 2 Chương trình đào tạo HLV quốc tế về phương pháp kỷ luật tích cực miễn phí dành riêng cho giáo viên và phụ huynh trong trường với mong muốn nhà trường và gia đình cùng được trang bị kiến thức tốt nhất để đồng hành trong việc giáo dục con.
Đây là khóa học lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, do chuyên gia quốc tế hàng đầu STEVEN FOSTER – chuyên gia 20 năm kinh nghiệm đào tạo kỷ luật tích cực và giáo dục sớm tại Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới làm diễn giả. Khóa học được các chuyên gia khuyên phụ huynh ít nhất phải học 1 lần trong đời.
Khóa học Kỷ luật tích cực sẽ cung cấp cho phụ huynh phương pháp làm thế nào để kỷ luật con đúng cách, không trừng phạt nhưng cũng không thỏa hiệp, làm thế nào để giáo dục con bằng tình yêu thương.
Sau khi đào tạo miễn phí cho giáo viên và phụ huynh trong trường, Gateway và Sakura Montessori sẽ thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo về phương pháp Kỷ luật tích cực miễn phí cho các bậc phụ huynh bên ngoài để cùng lan tỏa những tri thức nuôi dạy con khoa học tới những phụ huynh khác.