Mối quan hệ thầy – trò phải dựa trên nền tảng tôn trọng, hợp tác
Theo cô Tô Thị Hoan - Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Chuyên viên tư vấn Tâm lý học trường Olympia, để có thể áp dụng được phương pháp kỷ luật nói trên, điều quan trọng nhất là xây dựng được bầu không khí tích cực mà trong đó mối quan hệ giáo viên - học sinh phải dựa trên nền tảng tôn trọng, hợp tác và khích lệ lẫn nhau.
Trong đó, học sinh được đưa ra các ý kiến về môi trường học tập mong đợi và cùng giáo viên thảo luận về những hành vi phù hợp tạo dựng nên môi trường đó. Đồng thời cũng cùng nhau thảo luận về những hành vi không phù hợp, phá vỡ môi trường mong đợi đã thống nhất và hệ quả tương ứng.
Ví dụ: Khi học sinh không làm bài tập về nhà thì sẽ làm bù vào giờ chơi; khi học sinh viết linh tinh lên bàn thì sẽ lau sạch cái bàn đó; khi học sinh làm hỏng đồ của bạn thì sẽ đền bù lại cho bạn; khi học sinh nói chuyện riêng nhiều lần trong giờ học (dù đã được nhắc nhở) thì tạm thời sẽ được tách khỏi hoạt động đang tham gia để tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động chung của lớp học.
“Giáo viên, thay vì chỉ chạy theo để giải quyết những rắc rối do hành vi không phù hợp của học sinh gây ra thì cần tập trung nhiều hơn vào việc ghi nhận, củng cố những hành vi tích cực của học sinh và hỗ trợ khi học sinh có các hành vi không phù hợp trước khi thực hiện một biện pháp kỷ luật nào đó. “Phạt” hay một chế tài kỷ luật nào cũng nên xuất phát từ quan điểm này” – cô Tô Thị Hoan cho hay.
Giáo viên phải hiểu mình, hiểu học sinh và hiểu tình huống
Trước bất kỳ tình huống nào xảy ra, để có thể ứng xử một cách phù hợp thì bản thân người giáo viên cần phải hiểu mình, hiểu học sinh và hiểu tình huống.
Nhấn mạnh điều này, cô Tô Thị Hoan cho rằng, xét cho cùng, tất cả các hành vi không xảy ra một cách ngẫu nhiên mà đều có mục đích và lý do. Những hành vi tiêu cực hay không phù hợp của học sinh cũng vậy.
Việc xác định được mục đích của hành vi tiêu cực ở học sinh giúp cho ta hiểu tại sao học sinh lại làm như vậy để có cách xử lý hiệu quả và phù hợp.
Một số mục đích thường gặp có thể là: Thu hút sự chú ý (ví dụ: Làm trò cười, gây ồn trong lớp), thể hiện rằng mình cũng có “quyền lực” (ví dụ: Làm ngược lại những điều giáo viên yêu cầu), trả đũa (ví dụ: Xúc phạm, làm tổn thương người đã gây khó chịu cho mình), né tránh sự thất bại/thất vọng (ví dụ: Bỏ cuộc, từ chối không tham gia, lạm dụng chất)...
Người lớn khi thấy trẻ có những hành vi không mong đợi như vậy thì có thể nảy sinh những cảm xúc khó chịu, một số người có thể có xu hướng “trừng phạt” hoặc “chịu thua”.
Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là bản thân học sinh thường không ý thức được những suy nghĩ hay niềm tin sai lệch của mình nên người lớn cần có đủ sự nhạy cảm và khách quan để nhận ra điều này, từ đó giúp các em có những hành vi phù hợp hơn.
Cô Tô Thị Hoan nêu ví dụ, một học sinh không làm nhiệm vụ và thường tự do nói ngược lại những yêu cầu của giáo viên trong lớp học khiến cho giáo viên cảm thấy rất tức giận.
Khi giáo viên nhắc nhở hoặc hoặc đưa ra hệ quả thì dẫn đến tình huống “học sinh cãi nhau tay đôi với giáo viên”.
Trong trường hợp này, có thể học sinh đang muốn thể hiện quyền lực. Việc giáo viên càng tức giận thì có thể sẽ khiến học sinh càng cảm thấy mình “mạnh” đến mức có thể điều khiển cảm xúc của người khác.