Kỳ lạ 'Chiến tranh Whisky'

GD&TĐ - 'Chiến tranh Whisky' hoặc 'Chiến tranh rượu' diễn ra trên một hòn đảo cằn cỗi, nằm giữa Canada và Greenland.

Đảo Hans ở Bắc Cực.
Đảo Hans ở Bắc Cực.

Đây là cuộc chiến thân thiện nhất trong lịch sử, không diễn ra trận đánh nào, không hề có thương vong. Hai bên chỉ luân phiên hạ cờ của nhau và mỗi lần như vậy đều để lại một chai rượu đặc trưng của nước mình.

Cuộc chiến thân thiện

Nằm ở eo biển Nares giữa điểm cực Bắc của Canada và Greenland (lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch), đảo Hans với diện tích khoảng nửa dặm vuông, không có người sinh sống, từ lâu đã được người Inuit bản địa Greenland tìm đến nghỉ ngơi khi đi săn gấu, giám sát đàn tuần lộc và theo dõi các tảng băng trôi. Họ gọi hòn đảo này là Tartupaluk. Thực tế, đảo Hans thậm chí còn không xuất hiện trên bản đồ phương Tây cho đến cuối thế kỷ 19.

Vào những năm 1870, nhà thám hiểm người Mỹ, Charles Francis Hall, chỉ huy con tàu Polaris đi qua kênh Kennedy của eo biển Nares trên đường đến Bắc Cực. Lúc đó, một người Greenland tên là Hans Hendrik làm nhiệm vụ hướng dẫn đã phát hiện hòn đảo này và được Hall lấy tên anh ta đặt cho nó để vinh danh.

Khi đảo Hans lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ vào năm 1874, nước Anh giành quyền kiểm soát Quần đảo Bắc Cực. Nhưng đến năm 1880, họ chuyển giao lãnh thổ này cho Canada. Còn chủ quyền của Đan Mạch đối với phía Bắc Greenland được thiết lập khi Hoa Kỳ không còn mặn mà với khu vực này, sau khi mua Quần đảo Virgin từ Đan Mạch vào năm 1917.

Vậy ai thực sự là chủ nhân của đảo Hans?

Mặc dù, Canada và Đan Mạch nhất trí về đường phân chia giữa eo biển Nares nhưng họ không thể thống nhất về việc ai sở hữu đảo Hans. Cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền đối với đảo này và tranh chấp đã biến thành cuộc xung đột với “Chiến tranh Whisky” kỳ lạ. Cả Đan Mạch và Canada đều đổ lỗi cho nhau là bên châm ngòi làm leo thang “cuộc chiến” trên đảo Hans.

Trong một câu chuyện khác, căng thẳng về đảo Hans gia tăng vào năm 1983, khi một nhà báo từ Greenland phát hiện một nhà khoa học từ công ty dầu mỏ của Canada đến khảo sát khu vực này. Ngay sau đó, bài báo về sự việc này đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ ở Greenland khiến Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch lập tức bay đến đảo Hans, ra lệnh cắm một lá cờ Đan Mạch và để lại một chai rượu Schnapps.

Năm sau, quân đội Canada đã đổ bộ lên đảo, hạ cờ Đan Mạch, cắm cờ Canada và để lại một chai rượu Whisky. Cứ như thế, “Chiến tranh Whisky” tiếp tục trong nhiều thập niên tiếp theo. Người Canada để lại rượu Whisky, người Đan Mạch để lại Akvavit, một loại rượu mạnh do họ sản xuất. Người Canada kéo cờ của họ lên, người Đan Mạch hạ xuống và thay bằng cờ của mình. Cho đến năm 2005, mọi thứ bắt đầu nóng lên.

ky-la-chien-tranh-whisky-2.jpg
Cuộc chiến hạ cờ và để lại rượu giữa Canada và Đan Mạch.

Giải quyết tranh chấp

Tháng 7/2005, những người lính Canada sau khi giương cờ trên đảo Hans đã xây dựng một Inukshuk, loại gò đá của người Inuit. Một tuần sau, Bộ trưởng Quốc phòng Canada đã đáp máy bay xuống đảo trong chuyến thị sát các tiền đồn quân sự ở Bắc Cực.

Nỗ lực khẳng định chủ quyền của Canada tại Bắc Cực đã không qua mắt Đan Mạch. Đại sứ Đan Mạch tại Canada đã công bố một bức thư trên tờ Ottawa Citizen tuyên bố rằng đảo Hans thuộc về Đan Mạch. Chính phủ của ông cũng phản đối động thái của Canada và gửi tàu tuần tra HDMS Tulugaq đến hòn đảo này.

Tuy nhiên, ngoài những lời đe dọa, không nước nào muốn “Chiến tranh Whisky” leo thang quá giới hạn hạ cờ hoặc để lại rượu mạnh.

“Đã đến lúc chấm dứt chiến tranh cờ”, Anders Fogh Rasmussen, Thủ tướng Đan Mạch tuyên bố vào tháng 8/2005, “Nó không có chỗ đứng trong thế giới hiện đại. Đan Mạch và Canada phải tìm ra giải pháp hòa bình trong một trường hợp như thế này”.

Tại Liên Hợp Quốc vào tháng 9 năm đó, hai nước cũng đã đưa ra tuyên bố chung khẳng định mong muốn tìm ra giải pháp ổn thỏa nhưng đều không từ bỏ hoàn toàn yêu sách của mình đối với hòn đảo. Họ chỉ hứa rằng, “các quan chức hai bên sẽ gặp lại nhau trong tương lai gần để thảo luận về cách giải quyết vấn đề”. Tuy vậy, cuộc tranh chấp về đảo Hans chỉ kết thúc 17 năm sau đó.

Năm 2018, Đan Mạch và Canada đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung để xem xét vấn đề này, trong đó có sự tham gia của đại diện người Inuit. Các cuộc đàm phán đã có kết quả. Vào ngày 14/6/2022, hai quốc gia đã đồng ý phân chia hòn đảo, Đan Mạch kiểm soát 60% và Canada kiểm soát 40% còn lại. Thỏa thuận này cũng làm hài lòng người Inuit ở Greenland và Nunavut - vùng lãnh thổ Bắc Cực của Canada.

“Người Inuit từ lâu đã sử dụng đảo Hans làm điểm dừng chân khi săn bắn”, Lori Idlout, một thành viên Quốc hội Canada đại diện cho hòn đảo này, người đã kêu gọi đảo Hans phải được biết đến với tên gọi bản địa là Tartupaluk, nhận xét, “Chúng tôi rất vui vì người Inuit đã được bảo vệ, họ có thể duy trì quyền tự do di chuyển và lối sống truyền thống của mình”.

Với điều đó, cuộc tranh chấp về đảo Hans đã kết thúc. Và để ăn mừng đường biên giới mới của họ - đường biên giới trên biển dài nhất thế giới - Canada và Đan Mạch đã cùng nhau trao đổi rượu mạnh lần cuối.

Theo Allthatsinteresting

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ