Bộ vest vũ trụ
Các nhà du hành vũ trụ trong tương lai cần có khả năng linh hoạt để thực hiện nhiều hoạt động, như thu nhặt các mẫu đất đá, hay đào xới bề nhằm khám phá bề mặt hành tinh mà họ tiếp cận.
Những bộ quần áo vũ trụ hiện nay rất hạn chế về cử động và ít linh hoạt. Bộ quần áo vũ trụ trong tương lai của MIT sẽ ôm sát người mặc, đóng vai trò như một bức tường linh hoạt bảo vệ cho cơ thể; được bổ sung các cuộn dây cơ phía trong để có thể co giãn; hoàn toàn phù hợp với hoạt động của phi hành gia, đồng thời bổ sung cho các cử động thêm linh hoạt.
Điều quan trọng nhất là các cuộn dây này cũng tăng áp lực lên bộ áo cho phù hợp, thay thế cho công nghệ hiện nay phải dùng khí gas, khiến người mặc giống như trái bóng căng phồng.
Khi không sử dụng gas, các bộ quần áo vũ trụ không cần phải có những khoang chứa khí để bảo vệ các phi hành gia trong vũ trụ với trạng thái gần như chân không. Như vậy, chúng không nhất thiết phải có hình dạng to lớn cồng kềnh nữa.
Vật liệu để “may” bộ áo vũ trụ này phản ứng với nhiệt độ cơ thể và sẽ tự “tắt đi” khi không sử dụng. Bản thân các cuộn dây được chế tạo bằng hợp kim nikel và titanium, có khả năng ghi nhớ hình khối - một loại vật liệu linh hoạt, dẻo dai và có khả năng tự phục hồi hình dạng, hoặc tái tạo hình khối trước đó.
Nhờ thế mà các nhà du hành vũ trụ có thể cởi hoặc mặc áo dễ dàng. Thêm vào đó, hình thức của bộ quần áo này cũng không quá tệ.
Trồng cây trên sao Hỏa và Mặt trăng
Một vấn đề cho ước vọng “di dân” lên sao Hỏa hay Mặt trăng trong tương lai là thực phẩm. Việc thiết lập địa điểm sinh sống mới của loài người trong vũ trụ, dường như còn dễ dàng hơn việc tiếp vận thực phẩm từ Trái đất cho những “cư dân vũ trụ” này.
Vì vậy, lựa chọn thiết thực hơn sẽ là nơi cư trú mới của loài người phải có khả năng tự cung tự cấp. Một nhóm các nhà khoa học đã triển khai nghiên cứu một giải pháp khả thi: Trồng cây trên các loại “đất” ngoài Trái đất.
Họ được NASA cung cấp các loại “đất vũ trụ”, được thu thập với nhiều dạng khác nhau, từ các miệng núi lửa trên Trái đất có sự tương đồng về cấu tạo với “đất” lấy từ Mặt trăng và sao Hỏa. Điểm khác duy nhất của các mẫu này với “đất” từ các thiên thể là dấu vết của ammonium và nitrate, có khả năng cải thiện độ màu mỡ của đất trồng.
Nhóm nghiên cứu này đã cấy nhiều loại cây giống trong đất này, trong đó có lúa mỳ, cà rốt, cà chua và mù tạt. Họ cũng trồng nhiều loài cây có khả năng chuyển nitrogen từ không khí vào “thức ăn” của chúng, vì các loài cây đều cần nitrogen làm chất dinh dưỡng.
Nhóm đã phát hiện ra rằng một số loại cây đã chấp nhận loại “đất” lạ, ngay cả khi không cần dinh dưỡng bổ sung. “Đất” sao Hỏa có lẽ là sự lựa chọn tốt nhất, trong khi “đất” từ Mặt trăng có vẻ không được các loài cây “ưa thích” bằng.
Điều thú vị là cây trồng trên “đất” sao Hỏa còn tốt tươi hơn cả cây tương tự được trồng bằng đất lấy từ lòng sông. Mặc dù thế, vẫn còn nhiều câu hỏi tồn đọng, bởi việc trồng cây trong môi trường với trọng lực cực nhỏ sẽ có những khác biệt rất lớn.
Việc giữ được nước trong “đất trồng” cũng là một vấn đề, bởi hiện nay, cây thử nghiệm đều được trồng trong chậu.
(Còn tiếp)