(GD&TĐ) - Trong hành trình khám phá vùng đất thiêng dọc dòng sông Mã hùng vĩ, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cả khu mộ đá cổ tại xã Trung Thành (Quan Hóa).
Dùng đá đánh dấu mộ
Theo quan sát, thì mộ đá ở đây được nhận biết với những dấu hiệu như: các tảng đá lớn, phẳng dựng ở phần đầu và cuối mộ. Ở phần đầu mộ, bao giờ phiến đá cũng rộng, cao hơn ở phần cuối mộ. Những phiến đá được xếp theo trật tự này cũng là dấu hiệu nhận biết còn lại duy nhất ở những khu mộ đá ở xã Trung Thành. Phần thân mộ, không có những ụ đất nổi lên như những ngôi mộ hiện nay, mà hiện trạng chỉ còn là những thân đất bằng phẳng.
Ngày nay, những câu chuyện tâm linh về các khu mộ đá cổ ở các bản như Trung Thắng, Trung Lập, Phai... thuộc xã Trung Thành vẫn được cư dân địa phương truyền tai nhau như chuyện người xưa hiện về trong các rừng cây để bảo vệ trẻ em, hay chuyện người xưa trừng phạt những kẻ đập phá vùng đất thiêng...
Rất nhiều mộ đá ở Trung Thành |
Tại một số khu mộ đá cổ, người dân sử dụng để chôn xen kẽ với người mới chết. Còn một số khu vực mộ đá cổ khác thì nằm xen trong khu dân cư như đường giao thông, hoặc thuộc khu vực của nhà dân. Theo lý giải của các cụ cao niên trong xã thì đá đánh dấu mộ ở khu mộ đá cổ này rất to, phẳng, không thể có ở các dãy núi ở vùng này và các vùng lân cận. Trong khi đó, một số ngôi mộ bị các đối tượng đi tìm cổ vật lén lút đào lên, có phát hiện ra than củi ở dưới cho thấy đây là dấu hiệu của hình thức chôn cất người Thái cổ. Song, những ngôi mộ được táng ở đây là cư dân ở vùng nào, di chuyển đến vùng này để chôn cất theo hình thức nào thì vẫn chưa có một lý giải nào từ các nhà khoa học.
Tại khu vườn của gia đình anh Hà Minh Tâm, ở bản Phai, còn lại một số mộ đá, có mộ trong tình trạng đang bị đào bới dở dang. Ngoài ra, mộ đá còn tập trung ở khu vực suối Tàu, thuộc bản Phai. Tuy nhiên, thực trạng chung của các khu mộ này hiện nay là đã bị đập phá đi nhiều. Nhiều phiến đá đã bị người dân đập đi để dựng thành lối đi, kè nhà sàn, hoặc các công trình phụ khác. Đặc biệt, có những ngôi mộ có chữ Hán đỏ trên các phiến đá mà người dân địa phương nhìn thấy trước đây đã bị đập đi, không còn dấu tích.
Nhà khoa học Pháp từng vào khu mộ đá cổ
Tại thời điểm chúng tôi tìm hiểu vùng mộ đá cổ ở Quan Hóa, trao đổi với báo chí, PGS.TS Trình Năng Chung (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho rằng, đây là một trong di tích văn hóa cự thạch (Megalithic culture) của Việt Nam, là đối tượng nghiên cứu của ngành khảo cổ.
PGS.TS Trình Năng Chung cung cấp thêm thông tin: Năm 1935, một nhà khảo cổ học người Pháp là bà Madeleine Colani (1866– 1943) đã công bố những khám phá ban đầu về di tích văn hóa cự thạch của vùng Thanh Hóa, giáp Hòa Bình, vùng thượng nguồn sông Mã (bằng tiếng Pháp). Bà M. Colani đã để lại hai bức ảnh đen trắng về khu vực này. Và một tấm bản đồ sơ lược, tỉ lệ 1: 1.700.000 đánh dấu khu vực có những cự thạch bên hai bên bờ sông Mã, cho thấy các di tích nằm tập trung trên một nền đất rộng của hai xã Trung Thành, Trung Sơn (Quan Hóa) hiện nay. Trên cơ sở những bức ảnh của nhà khảo cổ học người Pháp và quan sát thực tế thì những hình ảnh này có nhiều tương đồng với các ngôi mộ đá tại bản Phai (xã Trung Thành) và bản Co Me (xã Trung Sơn).
Từ những tư liệu trên cho thấy, những rừng mộ đá cổ ở Quan Hóa dẫu đã có những bước đầu khám phá, nhưng vẫn còn lưu giữ rất nhiều bí mật. Trong bối cảnh vùng đất này đang trong quy hoạch thành vùng lòng hồ thủy điện Trung Sơn, nếu ngành chức năng Thanh Hóa không sớm có những nghiên cứu, đánh giá và đưa ra những biện pháp lưu giữ, bảo tồn thiết thực, rất khó đảm bảo rằng, trong tương lai gần, chúng ta còn được chứng kiến sự hiện diện của những ngôi mộ đá cổ độc đáo này.
Nguyễn Quỳnh