Quần đảo hải tặc Libertalia
Cuối thế kỷ 17, nơi đây trở thành một thuộc địa vô chính phủ, nơi quần tụ của những tên cướp biển, được gọi là “quần đảo hải tặc”. Ngoài James Misson, những người sáng lập khác của cộng đồng cướp biển này là Henry Avery và Thomas Tew, người sau này là đô đốc hải đoàn Libertalia.
Chưa ai trả lời được câu hỏi Libertatia có thật sự tồn tại hay không, nhưng miền đất này được thuyền trưởng Charles Johnson (còn có bút danh là Daniel Defoe) miêu tả trong cuốn Lịch sử chung của hải tặc. Theo mô tả của Johnson, Libertalia đã tồn tại trong khoảng thời gian khoảng 25 năm, vị trí chính xác chưa được xác định. Tuy nhiên, hầu hết các nguồn tin cho rằng nó kéo dài từ vịnh Antongil đến Manajary, Fianarantsoa, bao gồm đảo Sainte - Maria và Mahavelona.
Cơ chế chính trị của hòn đảo này dựa trên tính công bằng và khá dân chủ: Lương thực và các nguồn lực đều được chia sẻ, mọi ý kiến đều được lắng nghe, pháp luật do những người trong cộng đồng đóng góp ý kiến mà thành.
Cộng đồng cướp biển này tuân thủ phương châm “Vì Thiên chúa và tự do”, thường phất cao một lá cờ trắng để đối nghịch với Jolly Roger vốn ưa bạo lực. Các hải tặc Libertalia chống lại chế độ nô lệ và sẵn sàng giải phóng bất kỳ nô lệ nào mà họ gặp, đối xử với người được cứu công bằng và chấp nhận cho họ tham gia cộng đồng.
Trên “lãnh thổ hải tặc” này có một pháo đài, một khu chợ và nhà ở. Cộng đồng này cũng phát triển mạnh mẽ ở đất liền, xây dựng nhiều tòa nhà, bao gồm các hội trường lớn, các điểm thờ cúng và quán rượu.
Theo nhà nghiên cứu Charles Johnson, các hải tặc đều từ bỏ quốc tịch của mình, tự gọi là các Liberi và tạo ra một ngôn ngữ mới. Johnson cũng cho rằng, Avery đã quyết về khu định cư cho cộng đồng hải tặc này ngay khi lần đầu nhìn thấy vịnh, bởi đó là một trong những vùng đất màu mỡ, có nước ngọt và người dân bản địa thân thiện.
Sinh ra ở Provence (Pháp), James Misson từng ở trong thủy thủ đoàn của chiến hạm Victoire. Người thủy thủ này đã mất niềm tin và kinh tởm vì sự suy đồi của tòa án Papal. Khi tàu Victoire đến Rome, Misson đã gặp gỡ linh mục Caraccioli.
Sau một cuộc hành trình dài cùng nhau, vị linh mục này đã làm Misson hoàn toàn thay đổi. Misson tin rằng mỗi con người đều sinh ra được tự do và có những quyền nhất định. Ông cũng tin rằng không có sự khác biệt quá lớn giữa con người với con người, bất kể giàu nghèo.
Khi bắt đầu “sự nghiệp” hải tặc, bằng cách nào đó, Misson đã thuyết phục được cả đoàn thủy thủ của tàu Victoire. 200 thủy thủ nhất trí bầu Misson làm thuyền trưởng của con tàu cướp biển tương lai. Mọi quyết định sẽ phải được mọi người biểu quyết thông qua.
Nhóm thủy thủ bắt giữ một tàu Hà Lan chở nô lệ và giải phóng số nô lệ này. Từ đó, đoàn thủy thủ tàu Victoire và những người nô lệ được giải phóng bắt đầu một hành trình mới mang tên “Cuộc sống tự do” và cùng nhau xây dựng nên “xứ sở cướp biển”.
Xứ sở cướp biển này sụp đổ khi Tew đã không hiệu quả trong việc đánh chặn những kẻ tấn công. Misson và 45 người khác đã trốn thoát, nhưng họ không bao giờ quay lại Libertalia nữa.
(Còn tiếp)