Ghi nhận sự tăng trưởng của nền kinh tế, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng nêu lên một số tồn tại trong thời gian qua.
Cần phương án ứng phó với suy thoái toàn cầu
Là người phát biểu đầu tiên, ĐBQH Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi) nhận định, năm 2019, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế đất nước tiếp tục đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Đây là năm thứ hai có tốc độ tăng trưởng khá, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra.
Kinh tế ở mức ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP ước đạt 6,8%, vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu đề ra. Năng lực cạnh tranh tăng 10 bậc. Đây là những kết quả đáng mừng, quan trọng, góp phần thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, tạo tiền đề vững mạnh cho kỳ phát triển mới.
Đồng quan điểm, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) nêu ý kiến: 2019 là năm đầu tiên động lực tăng trưởng đã đến từ khu vực chế biến, chế tạo. Tỷ trọng xuất khẩu và đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước cũng tăng lên.
Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ASEAN và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở châu Á. Đó là thành quả rất quan trọng và không dễ dàng.
Tuy nhiên, theo đại biểu, xét về tầm nhìn năm 2020 và những năm tiếp theo thì chúng ta chưa thể yên tâm. Mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% là rất gian nan, trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đang giảm tốc.
Theo dự báo có thể tới ngưỡng suy thoái toàn cầu, mức tăng trưởng 6,8% của nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài và vào xuất khẩu như nước ta thì liệu có khả thi không? Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần chuẩn bị một phương án chủ động để ứng phó với tình trạng này.
Chống lãng phí còn nhiều bức xúc
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu cho rằng, thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề mà cử tri và nhân dân bức xúc như: Tham nhũng, lãng phí; quản lý đất đai... Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho hay: Cử tri và nhân dân rất phấn khởi trước những kết quả chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta đã và đang tiến hành. Nhiều vụ việc được phát hiện và xử lý nghiêm minh, kể cả những cán bộ cao cấp.
Tuy nhiên, theo đại biểu, cử tri còn băn khoăn chống tham nhũng đang được tiến hành mạnh mẽ, khẩn trương và đạt được nhiều kết quả nhưng trong chống lãng phí còn nhiều điều bức xúc.
Nhiều dự án đầu tư hàng chục, hàng trăm tỉ đồng nhưng không đem lại hiệu quả như mong đợi hoặc dở dang kéo dài, xuống cấp nghiêm trọng, tình trạng đội vốn vẫn diễn ra. “Một số liệu cho thấy cả nước đưa vào khai thác 30.000 dự án đầu tư công nhưng có tới 245 dự án không hiệu quả. Nếu số liệu này là đúng thì quả là sự lãng phí đáng kể” - đại biểu Tô Văn Tám đặt vấn đề.
Cũng theo đại biểu, công thổ quốc gia là nguồn tài nguyên lớn nhất và cũng là nguồn lực quan trọng, có tính chiến lược lâu dài, nhưng việc quản lý, sử dụng vẫn còn xảy ra thất thoát, lãng phí.
Nhiều cuộc thanh tra của Thanh tra Chính phủ, kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra những sai phạm với nhiều diện tích đất được giao cho nhà đầu tư làm lỗ của Nhà nước nhiều tỷ đồng. Việc thu hồi đất của dân cho các dự án với giá đền bù bất hợp lý và kế sinh nhai của người dân chưa được đảm bảo chắc chắn.
Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát các dự án đầu tư kém hiệu quả, không hiệu quả trong cả nước để xử lý, trong đó có quy trách nhiệm cá nhân rõ ràng và siết chặt quản lý sử dụng đầu tư công thuộc quốc gia trong tất cả các giai đoạn của quá trình đầu tư cũng như trong tất cả các giai đoạn của quá trình thu hồi đất.
Cũng liên quan đến vấn đề đất đai, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) cho biết: Thời gian qua, tình trạng lừa đảo bán nhà, bán đất tại các dự án không có thật đã diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương khác nhau. Điều này đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi cần được giải đáp, nhất là hiệu quả trong phát triển nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp…
Ngoài ra, mâu thuẫn cơ bản giữa người mua, nhà đầu tư về diện tích sử dụng chung, các công trình phục vụ công cộng... Đây là những vấn đề xuất hiện từ lâu, đã có nhiều giải pháp được đưa ra trong thời gian vừa qua, nhưng hiệu quả của những giải pháp này thì cần phải đánh giá lại một cách tổng thể để kịp thời điều chỉnh trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng nêu lên một vấn đề đang “sốt lên” trong thời gian qua là tình trạng đầu cơ đất đai, thổi giá để hưởng chênh lệch, mà giá trị thực còn thấp hơn nhiều lần giá trị chuyển nhượng tại các địa phương có nền kinh tế trọng điểm khu đô thị.
Do vậy, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp kiểm soát để tránh gây đổ vỡ nền kinh tế theo hướng domino, nếu thị trường bất động sản có biến động lớn như cách đây nhiều năm đã từng xuất hiện bởi phần lớn nguồn tiền đầu tư đến từ nguồn vay của các tổ chức tín dụng.
Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư theo tiến độ
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, do nhiều công trình tập trung chuẩn bị đầu tư, cuối năm mới đi vào khởi công nên nhiều dự án mới giải ngân các khoản xây lắp, giải phóng mặt bằng. Liên quan đến vốn ODA, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay một số dự án được giao mới, một số dự án vướng thủ tục, điều chỉnh nên giải ngân vốn chậm. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết từ nay đến cuối năm, sẽ quyết tâm giải ngân bảo đảm bằng mặt bằng chung của cả nước, với mức giải ngân từ 90% - 95%.