Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận, cho ý kiến 2 dự án Luật

GD&TĐ - Ngày 28/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) và dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Toàn cảnh phiên thảo luận 2 dự án Luật ngày 28/10. Ảnh: Quang Khánh
Toàn cảnh phiên thảo luận 2 dự án Luật ngày 28/10. Ảnh: Quang Khánh

Buổi sáng, thảo luận tại hội trường dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 8 chương, 50 điều, quy định về nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với dân quân tự vệ.

Đa số các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội đều tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng dự thảo đã nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội. Các đại biểu cũng đánh giá cao các nội dung của dự thảo Luật đã được rà soát, bảo đảm đồng bộ thống nhất.

Các quy định của dự thảo Luật bám sát nguyên tắc dân quân tự vệ với bản chất là lực lượng vũ trang quần chúng, không thoát ly sản xuất, vững mạnh, rộng khắp, tinh gọn trong tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hiệu quả, bám sát tình hình, xu hướng công tác quân sự, quốc phòng, đặc thù trong xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.

Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị làm rõ thêm về vị trí, chức năng, độ tuổi của dân quân tự vệ; về tổ chức, vũ khí, biên chế; về tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp; đề nghị làm rõ hơn các quy định về Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã; công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện dân quân tự vệ; các hoạt động của dân quân tự vệ; điều động dân quân tự vệ; chế độ chính sách, phụ cấp, chi ngân sách tiếp tục rà soát chỉnh lý để bảo đảm tính khả thi thống nhất.

Một số ý kiến góp ý cụ thể vào kỹ thuật lập pháp, sử dụng từ ngữ, bố cục các chương, điều đề nghị rà soát chỉnh sửa để bảo đảm chặt chẽ, thống nhất.

Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Dự thảo Luật gồm 8 chương, 52 điều (xin ý kiến 6 chương, 40 điều), quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ý kiến của các đại biểu bày tỏ sự tán thành với báo cáo nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Các ý kiến thảo luận xoay quanh các vấn đề: Đối tượng cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh; về thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh; quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam bảo đảm tính kết nối, liên thông, tránh trùng lặp; về trách nhiệm quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam...

Kết luận các phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, các ý kiến của đại biểu Quốc hội được ghi chép, tổng hợp đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện chỉnh lý dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ