Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII: Không nên phân biệt các loại hình đào tạo trong tuyển dụng

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII: Không nên phân biệt các loại hình đào tạo trong tuyển dụng

(GD&TĐ)- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, trong phiên làm việc sáng 19/6) Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận dự án Luật Việc làm. Bước vào phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể xem xét, biểu quyết thông qua 4 dự án Luật về giáo dục quốc phòng - an ninh, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai.

Đại biểu ấn nút thông qua các dự án Luật
Đại biểu ấn nút thông qua các dự án Luật

Dự thảo Luật Việc làm có 7 Chương, 61 Điều. Luật điều chỉnh các quan hệ về việc làm bao gồm 5 nội dung chính: Hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp.

Hiện cả nước mới có 30% người lao động làm công ăn lương. Vì vậy, hầu hết ý kiến góp ý của đại biểu cho rằng cần thiết phải ban hành Luật Việc làm nhằm tạo điều kiện về cơ sở pháp lý để điều chỉnh các quan hệ xã hội của lao động và việc làm của gần 70% lực lượng lao động còn lại của xã hội…

Liên quan đến đối tượng điều chỉnh của dự thảo luật, đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) đề nghị rà soát lại để tránh chồng chéo. Cụ thể, đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, các chức danh tư pháp (khoảng 33% thị trường lao động) đã được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật khác nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Trong khi đó, đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) cho rằng dự thảo luật chưa dành được nhiều ưu tiên cho khu vực phi chính thức như mong muốn. Theo đại biểu, cần phải quan tâm đến công tác hỗ trợ tạo việc làm cho lao động chưa có tay nghề ở khu vực thành thị, lao động di cư tự do...

Không tán thành một số trường hợp kỳ thị những người tốt nghiệp các hệ đào tạo tại chức, đào tạo từ xa trong quá trình tuyển dụng, đại biểu Phạm Thị Trung (đoàn Kon Tum) cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung nguyên tắc không phân biệt loại hình đào tạo. Bà Trung lý giải, thay vì phân biệt ngay từ đầu theo kiểu “vơ đũa cả nắm” thì nhà tuyển dụng cần xây dựng được cơ chế, giải pháp để lựa chọn được nhân lực đáp ứng được nhu cầu của mình.

Vấn đề bảo hiểm thất nghiệp được khá nhiều đại biểu quan tâm, với đa số ý kiến tán thành việc chuyển nội dung quy định về bảo hiểm thất nghiệp từ Luật Bảo hiểm xã hội sang Luật Việc làm và tán thành cao việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhằm tăng tính bền vững của việc làm.

Trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 4 dự án luật. Đó là các dự án luật: Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai. Các dự luật này đã được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua trong phiên làm việc chiều ngày 19/6.                  

 Khánh Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...