Kỳ 2: 'Nghề tiếp viên hàng không' - nỗi niềm người trong cuộc

GD&TĐ - Với nhiều người, tiếp viên hàng không là một nghề đáng mơ ước vì thu nhập cao, được khám phá nhiều vùng đất mới trên thế giới.

Để làm tốt nhiệm vụ, tiếp viên cần phải đầu tư thời gian, tâm huyết, làm việc với tiêu chí 3T: Tận tâm - tận lực - tận tình.
Để làm tốt nhiệm vụ, tiếp viên cần phải đầu tư thời gian, tâm huyết, làm việc với tiêu chí 3T: Tận tâm - tận lực - tận tình.

Song đằng sau vẻ hào nhoáng, nghề tiếp viên cũng có nhiều khó khăn và cả những cạm bẫy mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu.

Việc nhẹ lương cao?

Làm việc cho một trong những hãng hàng không lớn nhất tại Việt Nam, Nguyễn Thị Thuỳ Anh (27 tuổi, quê Bắc Ninh) khẳng định, không có chuyện tiếp viên hàng không “việc nhẹ lương cao” như nhiều người vẫn thường hình dung.

Theo Thuỳ Anh, hàng không không chỉ là cái ghế biết bay và tiếp viên chỉ biết cầm khay phục vụ. Bên cạnh việc đem lại những dịch vụ làm hài lòng hành khách, tổ bay còn phải bảo đảm an toàn, an ninh và chăm sóc sức khỏe cho khách trên mỗi hành trình.

“Để có thể chính thức được làm việc, chúng tôi phải trải qua các vòng thi khá nghiêm ngặt, đáp ứng yêu cầu về ngoại hình và sức khoẻ. Sau khi qua vòng sơ tuyển, chúng tôi tiếp tục trải qua một khoá đào tạo 3 tháng, trau dồi các môn nghiệp vụ khách hàng, nghiệp vụ an toàn, an ninh và sơ cứu. Tiếp viên được đào tạo theo từng loại máy bay, trải qua những khóa rèn luyện thể lực như: Võ Aikido, yoga, bơi lội... Cùng với đó là các khóa học xây dựng tinh thần làm việc tập thể, hợp tác đồng đội”, cô tiếp viên trẻ tâm sự.

Ông Lê Văn Tám, 56 tuổi, từng là tiếp viên trưởng của một hãng hàng không tại Việt Nam cho biết, không ít bạn trẻ vào nghề được 5 - 6 năm đã bắt đầu cảm nhận được sức khoẻ bị ảnh hưởng. Các tiếp viên thường bị một số bệnh về da, cột sống, xương khớp. Họ cũng đôi khi lâm vào tình trạng đãng trí tạm thời. Lý do, tiếp viên phải làm việc trong môi trường và điều kiện đặc thù.

Lịch bay của các tiếp viên hàng không khá dày, tối đa 28 ngày liên tục là 100 giờ bay. Khi bay xong, tiếp viên được nghỉ bằng tổng thời gian làm nhiệm vụ trước đó. Thời gian bay một ngày tùy giai đoạn và lần cất/hạ cánh (từ 10 - 13 giờ/ngày, nếu có khoảng thời gian nghỉ xen giữa thì được tăng tối đa lên 18 giờ/ngày). Ông Tám bộc bạch, đến độ tuổi trung niên, nhiều tiếp viên lựa chọn thay đổi. Họ không tiếp tục gắn bó với bầu trời mà xin chuyển sang bộ phận dưới mặt đất có áp lực công việc ít hơn.

Nguyễn Thị Thuỳ Anh chia sẻ, thời gian đầu mới bắt đầu bay quốc tế thường xuyên mất ngủ (do sự chênh lệch múi giờ). Sau khi hạ cánh, các đồng nghiệp rủ nhau đi tham quan, khám phá vùng đất mới. Thùy Anh chỉ mong nhanh về khách sạn để nghỉ ngơi vì quá mệt với những chuyến bay dài. Tuy công việc không phải lúc nào cũng “màu hồng”, song chị Thùy Anh luôn trân trọng từng khoảnh khắc được làm việc.

nghe tiep vien hang khong2.jpg
Ảnh minh họa ITN.

“Bí kíp” chinh phục bầu trời

Bà Đào Thuỷ (43 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) là người trực tiếp hướng dẫn các tiếp viên hàng không thực tập cho biết: Từ khâu tuyển dụng, những người đi trước cũng định hướng cho học viên về đặc thù công việc để hiểu rằng nghề này không chỉ có “màu hồng”, được tung tăng bay nhảy, du lịch miễn phí.

“Nghề tạo cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hóa thật đấy. Nhưng chúng tôi cũng phải giúp các ứng viên thấy cả thực tế phía sau vẻ hào nhoáng mà ai cũng nhầm tưởng. Đó là phải xa gia đình trong những ngày lễ, Tết, áp lực công việc cao, phục vụ hành khách ốm đau, bệnh tật. Tiếp viên phải biết chấp nhận việc xắn tay áo dọn phòng vệ sinh khi khách sử dụng không đúng cách, dọn bãi nôn của khách say máy bay… Thực tế, nhiều tiếp viên trẻ tuổi đã bị “sốc” khi mới bắt đầu công việc. Đơn giản nó không “như là mơ”, bà Đào Thuỷ nói.

Bà Thuỷ nhận định, chọn ngành hàng không thật sự là một quyết định không dễ dàng. Bởi nghề tiếp viên vất vả, đòi hỏi sức khỏe tốt, tinh thần vượt khó, chịu được áp lực về thay đổi thời tiết, chênh lệch múi giờ. Người làm nghề cũng phải chịu áp lực từ những hành khách có nền tảng văn hóa, tính cách, thói quen rất khác nhau trên các đường bay khác nhau. Tuy nhiên bù lại, các tiếp viên cũng nhận được mức lương xứng đáng.

Theo thống kê, Đoàn Tiếp viên của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam hiện có khoảng 3.000 người, trong đó có 2.200 tiếp viên nữ (chiếm khoảng 70%). Lương bình quân tháng cho tiếp viên hạng phổ thông nếu bay đủ thời gian giao động từ 20 - 25 triệu đồng/tháng. Tiếp viên hạng C từ 28 - 33 triệu đồng/tháng. Tiếp viên trưởng từ 37 - 45 triệu đồng/tháng.

“Để làm tốt nhiệm vụ, tiếp viên cần phải đầu tư thời gian, tâm huyết, làm việc với tiêu chí 3T: Tận tâm - tận lực - tận tình. Ngoài ra các bạn trẻ cần có được sự định hướng nghề nghiệp đúng đắn cũng như không ngừng trang bị, nâng cao các kiến thức, kỹ năng cần thiết để đáp ứng được các nhu cầu và mong đợi cao hơn, nhiều thay đổi mỗi ngày của hành khách”, bà Đào Thủy đưa ra lời khuyên.

Kỳ 1: Nghề tiếp viên hàng không: 'Thỏi nam châm' hút người trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ