Thành bại nghề MC: Trung tâm nở rộ như… nấm sau mưa

GD&TĐ - Nghề dẫn chương trình thu hút nhiều lao động trẻ bởi mức lương hấp dẫn, tính chất thời gian công việc linh động.

Nhiều bạn trẻ tìm tới những khóa học dẫn chương trình để thực hiện ước mơ làm MC, cải thiện kỹ năng giao tiếp. Ảnh: ITN
Nhiều bạn trẻ tìm tới những khóa học dẫn chương trình để thực hiện ước mơ làm MC, cải thiện kỹ năng giao tiếp. Ảnh: ITN

Từ đó, những cơ sở đào tạo nghề này xuất hiện ngày càng nhiều với các định hướng “có cánh” về cơ hội việc làm ngay sau khi hoàn thành khóa học.

Bùng nổ các trung tâm luyện nghề

Người dẫn chương trình được công chúng gọi thân thương là MC được viết tắt từ thuật ngữ “Master of Ceremonies”, theo nghĩa thông thường được hiểu là người hướng dẫn khán giả trong buổi trình diễn. Những MC chuyên nghiệp đã có danh tiếng và ngoại hình chỉn chu, thường nổi bật giữa công chúng, có mức thu nhập cao.

Do đó, nhiều bạn trẻ hiện nay cũng đang tìm tới những khóa học dẫn chương trình để thực hiện giấc mơ đổi đời, kiếm thêm một công việc phụ bên cạnh ngành nghề chính. Đôi khi, với nhiều bạn trẻ tìm đến với nghề đơn giản là cải thiện kỹ năng giao tiếp của bản thân.

Trong vai người đang tìm kiếm một khóa học dẫn chương trình chuyên nghiệp, phóng viên bị choáng ngợp bởi số lượng hàng trăm các trung tâm luyện nghề MC đang ngày ngày chạy quảng cáo trên Facebook và các trang mạng xã hội khác.

Thông thường, các trung tâm thường đưa ra các khóa học như: Cải thiện kỹ năng giao tiếp qua giọng nói, đào tạo MC từ cơ bản đến chuyên nghiệp. Thậm chí, nhiều cơ sở còn tổ chức các lớp dẫn chương trình cho trẻ em. Song song với đó, các trung tâm luyện nghề MC thường đánh trúng tâm lý nhóm công chúng tự ti về giao tiếp, nhóm muốn gia nhập thị trường giải trí, nhóm muốn có thu nhập cao… để tung các chiêu tuyển sinh. Thường là họ lấy dẫn chứng về một số người nổi tiếng, hoa hậu để quảng cáo uy tín.

Mỗi khóa học giao tiếp cơ bản thường được các trung tâm mời chào với mức giá từ 10 triệu đồng. Khóa này được cam kết là sẽ cải thiện giọng nói và kỹ năng nói chuyện. Còn đối với các khóa đào tạo dẫn chương trình có học phí từ 30 đến 50 triệu đồng.

Nguyễn Nhật An (20 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) sinh viên năm 2 của ngành văn học đã chi hơn 70 triệu đồng để theo học các khóa từ giao tiếp cơ bản tới dẫn chương trình chuyên nghiệp. Nhật An mong muốn có thêm thu nhập và trải nghiệm. Kết thúc khóa học, Nhật An cũng đã phải chật vật tìm kiếm “sân khấu” cho mình. Nhật An mới chỉ tham gia những sự kiện nhỏ trong trường, hiếm khi nhận được lời mời dẫn sự kiện bên ngoài.

“Dù bỏ ra một số tiền lớn để học MC, nhưng khoản thu nhập từ nghề này vẫn chưa ổn định như em nghĩ trước đó. Hiện nay rất nhiều người đăng ký khóa học làm MC. Vì thế, nghề này cũng trở thành đại trà. Bản thân em không thể cạnh tranh với những anh chị đã làm nghề lâu năm hơn”, Nhật An chia sẻ.

Không chỉ các bạn trẻ, nhiều phụ huynh cũng tranh thủ khoảng thời gian nghỉ hè để đầu tư cho con của mình một khóa học MC dành cho trẻ em. Chị Phạm Thanh Hà (34 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) đã chi 12 triệu đồng cho 2 tháng học MC cho con gái 7 tuổi.

Trung tâm tư vấn khóa học MC nhí thuyết phục chị Hà bằng những lời mời chào hấp dẫn như: Con được trang bị kỹ năng mềm rèn luyện sự tự tin, khả năng nói, sẽ thành công trong đường đời.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Tìm hiểu kỹ để không… “tiền mất, tật mang”

Đối với nhiều khóa học MC nhí, các bậc phụ huynh đều mong muốn con được rèn luyện thêm kỹ năng mềm về giao tiếp, từ đó tự tin thể hiện bản thân và nói chuyện trước đám đông. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, các cơ sở luyện nghề MC dành cho trẻ em chủ yếu mang tính tự phát như một dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách hàng, chưa có hệ thống và tính định danh chuẩn hóa về giáo trình. Thực tế, đến thời điểm hiện tại chưa có một tổ chức nào đánh giá chất lượng về đào tạo nghề dẫn chương trình cho trẻ em.

Thời điểm cuối năm 2023, nhiều phụ huynh đã sập bẫy lừa đảo, mất hàng chục tới hàng trăm triệu đồng khi cho con tham gia “đào tạo MC nhí”. Nhận thấy con có khả năng giao tiếp, chị Phạm Thị H. tìm hiểu thông tin trên mạng để con theo học khóa đào tạo MC nhí. Chị H. được tư vấn, được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Sau đó, chị H. bị dẫn dắt vào một nhóm trên ứng dụng Telegram. Tại nhóm này chị được mời chào mua máy ảnh, máy quay từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.

Bị dẫn dắt chuyển khoản, hoàn tiền và nhận ưu đãi chương trình học miễn phí… chị H. đã chuyển khoản hơn 12 triệu đồng. Chỉ đến khi không được hoàn tiền và nhận “gói học bổng” chị H. mới nhận ra là bị lừa.

Chiêu thức lừa đảo tinh vi, đánh trúng vào tâm lý phụ huynh như: Tư vấn nhanh, nhiệt tình, tặng các gói học bổng, được đào tạo nguồn học sinh tài năng. Cách nhận biết đối với trang page lừa đảo đào tạo MC nhí, tuyển mẫu nhí hay đào tạo kỹ năng sống là: Chạy quảng cáo rất rầm rộ, đăng tải hoạt động của các chương trình trên sóng truyền hình, sử dụng hình ảnh người nổi tiếng trái phép.

Không thể phủ nhận nghề dẫn chương trình có cơ hội được tiếp cận, mở rộng kiến thức đa dạng, triển vọng cơ hội việc làm cao. Các tổ chức, doanh nghiệp có nhiều loại sự kiện cần tổ chức như: Ra mắt sản phẩm mới, công bố thông tin mới, chương trình khuyến mãi/ kích cầu mua sắm, tri ân khách hàng, tổng kết…

Do đó, khi lựa chọn học nghề này, người học cần lựa chọn các cơ sở đào tạo nghề uy tín, có giáo trình và chương trình đào tạo chuẩn. Từ đó sẽ được đào tạo các kỹ năng sâu, tốt nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hướng dẫn đọc sách online hiệu quảTìm hiểu overthinking là gì