Một người dẫn chương trình không chỉ cần hoạt ngôn mà đòi hỏi phải có vốn kiến thức rộng, đa lĩnh vực. Ngoài vững về chuyên môn, người MC cần trau dồi kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Kinh tế, chính trị và văn hóa... để bổ trợ cho công việc.
Nghề của sáng tạo, linh hoạt
Thuật ngữ “Master of Ceremonies” - người dẫn chương trình hay còn gọi là MC lâu nay đã không còn xa lạ. MC là bộ phận không thể thiếu trong mỗi chương trình, sự kiện. Họ là người điều phối, dẫn dắt nội dung chương trình cho khán thính giả trong một sự kiện, một buổi trình diễn hay một chương trình nghệ thuật giải trí nào đó.
MC có thể góp mặt ở rất nhiều sự kiện ngoài đời thực và cả trên truyền hình với quy mô lớn, nhỏ như: Các chương trình tri ân, từ thiện, đám cưới hoặc ra mắt sản phẩm… Một sự kiện thành hay bại cũng phụ thuộc rất nhiều vào tài năng của người dẫn chương trình.
Chị Nguyễn Hoàng Linh Chi (25 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) hiện đang theo đuổi công việc MC tự do. Chị Linh Chi cho biết, trên thực tế, tùy vào nội dung và mục đích của chương trình mà một MC dẫn dắt sẽ được gọi với những cái tên khác nhau. Cụ thể, điều phối viên là người hướng dẫn các hoạt động mang tính lễ nghi; hoạt náo viên chỉ người dẫn dắt và tổ chức chương trình theo phong cách sôi nổi, tưng bừng.
Việc truyền đạt lại nội dung của một chương trình đã có kịch bản sẵn là công việc của một phát thanh viên hoặc xướng ngôn viên. Host là người chủ trì một cuộc thi trên truyền hình, trò chơi truyền hình, truyền hình thực tế hoặc talk show. VJ (viết tắt của Video jockey hoặc Veejay) là người giới thiệu các bài hát, video clip trên show truyền hình ca nhạc…
Chị Nguyễn Giang Hà Phương (26 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) hiện là trợ giảng tại một trung tâm đào tạo MC cho biết, nhiều người vẫn nghĩ công việc của một MC chỉ là nhận kịch bản, lên sân khấu và dẫn theo kịch bản. Trên thực tế, công việc này không đơn giản như vậy. Thông thường trong các sự kiện, MC chính là người viết kịch bản dựa theo nội dung chương trình. Đối với những chương trình có quy mô lớn, MC sẽ được chương trình chuẩn bị kịch bản, song vẫn phải biên tập lại sao cho phù hợp, chỉn chu.
“Để dẫn chương trình hay và chuyên nghiệp, người dẫn bắt buộc phải học thuộc kịch bản, bởi sẽ chẳng khán giả nào hứng thú với một MC cầm kịch bản và đọc như một cái máy. Không nhất thiết phải học thuộc lòng tất cả, song buộc phải nắm được kịch bản để tương tác. Điều cấm kỵ nhất của người dẫn chương trình là đọc sai tên đại biểu, khách mời. Chính vì vậy, MC sẽ phải là người hết sức cẩn trọng, chăm chút từng chi tiết nhỏ. Sau đó, MC sẽ phải tập dượt nhiều lần để tổng duyệt trước khi chương trình diễn ra”, chị Hà Phương giải thích.
Thông thường, đối với MC mới vào nghề, chưa có nhiều kinh nghiệm như Linh Chi thì một buổi dẫn khoảng 2 - 4 tiếng tại các sự kiện nhỏ, không cần nhiều kỹ năng, được trả cát-xê khoảng 800.000 - 1.000.000 đồng.
“Nếu có những yêu cầu cao hơn về trang phục, trang điểm thì thường chúng tôi sẽ lấy giá nhỉnh hơn một chút để hỗ trợ chi phí, nhưng không vượt quá 1.500.000 đồng. Nếu chăm chỉ, chịu khó “chạy show” thì thu nhập đến từ công việc này của tôi cũng tương đối ổn. Tuy nhiên trong tương lai, tôi dự định sẽ đầu tư thêm cho mình một số khoá học bổ trợ để trau dồi kỹ năng nhằm nâng giá cát-xê”, cô bạn khẳng định.
Ảnh minh họa ITN. |
Ngoại hình, ngoại ngữ là lợi thế
Gắn bó với công việc MC cho các chương trình, sự kiện lớn được gần 5 năm, chị Nguyễn Giang Hà Phương (26 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) tiết lộ, nguồn thu nhập đến từ công việc dẫn chương trình còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Quy mô sự kiện, kinh nghiệm, kỹ năng và ngoại hình của người dẫn...
Đơn cử, đối với những sự kiện quy mô vừa như: Lễ khai mạc, khai trương thì cát-xê MC nhận được sẽ từ 2.000.000 - 5.000.000 đồng. Tuy nhiên, không đơn giản để nhận được mức cát-xê này, người dẫn phải đáp ứng được những yêu cầu của phía tổ chức như: Ngoại hình sáng, được đào tạo qua trường, lớp hoặc các khoá đào tạo MC, có kinh nghiệm đi dẫn các chương trình với quy mô tương đương…
Theo chị Hà Phương, đây là điều kiện cần, bởi lẽ đối với những sự kiện có sự góp mặt của rất nhiều người, thì MC phải thật sự linh hoạt để kết nối, tạo hứng thú cho mọi người và xử lý tình huống. Đối với những sự kiện như chương trình thời trang, các sự kiện vui chơi giải trí lớn, bên cạnh yếu tố kỹ năng và kinh nghiệm, ban tổ chức thường đưa ra yêu cầu đặc biệt cao về ngoại hình.
Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập, một loại hình MC đang rất “hot” là dẫn chương trình song ngữ. Ở Việt Nam hiện nay, MC song ngữ như Việt - Anh, Việt - Nhật, Việt - Hàn, Việt - Pháp đều đang rất được săn đón tại những sự kiện ngoại giao, sự kiện văn hoá du lịch, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng…
Lê Việt Phương (28 tuổi, Đà Nẵng) tốt nghiệp đại học Khoa Ngôn ngữ Nhật. Trong thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường, Việt Phương đã tham gia câu lạc bộ MC của trường. Từ đó, Phương đã trở thành gương mặt thân quen trong những sự kiện của khoa, của trường. Trong đó, nhiều sự kiện Phương tham gia với vai trò MC song ngữ Việt - Nhật. Lấy đó làm tiền đề, Phương thường tham gia các hội nhóm tìm kiếm, trao đổi kinh nghiệm để tìm kiếm cơ hội việc làm. Đến nay, Việt Phương đã có kinh nghiệm làm MC song ngữ được hơn 5 năm.
“Thu nhập mỗi show dẫn của tôi thường giao động từ 5.000.000 - 8.000.000 đồng, cao hơn so với dẫn chương trình thông thường. Công việc này không chỉ mang lại cho tôi thu nhập cao mà còn cả sự rèn luyện về kỹ năng, ngoại ngữ và xây dựng được nhiều mối quan hệ, từ đó nắm bắt được nhiều cơ hội việc làm”, Việt Phương chia sẻ.