Học trò nghỉ trưa tại Trường MN Tư thục Yến Linh, một trong những trường MN tư thục ở địa bàn KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ |
(GD&TĐ) - Công nhân lao động trong các KCN, KCX đang cần nơi để con em họ có thể được vui chơi, an toàn và được học hành một cách đúng nghĩa. Có “an cư” như thế họ mới “lạc nghiệp” và chú tâm vào công việc, đảm bảo cuộc sống và cống hiến sức lao động...
Để công nhân yên tâm
Đang là công nhân nhà máy chế biến thủy sản ở khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ, hai vợ chồng anh Thống và chị Ngoan ở nhà trọ gần công ty và sinh con được hơn 5 tháng tuổi. Điều làm vợ chồng anh Thống lo lắng nhất là tìm nơi gửi con để chuẩn bị cho vợ đi làm trở lại sau thời gian nghỉ hộ sản.
“Hiện nay thời gian nghỉ hộ sản tăng lên được 6 tháng, mẹ con có thời gian gần nhau hơn tuy nhiên đến tháng thứ 7 thì cũng phải gửi ở điểm giữ trẻ để tiếp tục đi làm. Nhà trẻ công lập và tư thục thường nhận giữ trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên, trong khi thời gian nghỉ hộ sản chỉ 6 tháng, vậy thời gian 12 tháng còn lại công nhân phải gửi con ở đâu?...”, anh Thống cho biết.
Đây là câu hỏi cũng là nỗi lo lắng của nhiều cặp vợ chồng công nhân hiện đang làm việc tại các KCX, KCN. Chính vì gặp khó trong việc gửi con nhỏ mà nhiều công nhân đành bấm bụng gửi con ở các điểm giữ trẻ tự phát và điểm giữ trẻ gia đình. Tuy nhiên việc đảm bảo an toàn cho trẻ trong các điểm giữ trẻ như thế này thì không ai dám đảm bảo.
Theo Công đoàn các KCX&CN TP Cần Thơ, gửi con em ở các điểm giữ trẻ tự phát, điểm giữ trẻ gia đình thì ít nhiều công nhân phải lo lắng và không ít người phải làm việc trong tâm trạng thấp thỏm với nỗi lo về sự an nguy của con mình… Không có nơi giữ trẻ đảm bảo an toàn đôi khi gây ảnh hưởng đến việc làm của các công nhân. Nhiều chị em phải bỏ ca giữa chừng để về nhà trông nom con, làm giảm năng suất công việc, đồng lương cũng theo đó mà bấp bênh, cuộc sống thêm khó khăn…
“Con của mình sinh ra thì thương nhưng đối với người khác thì đâu biết được thế nào. Khi con tôi vừa đủ 18 tháng tuổi thì đem gửi nhà trẻ, từ đó vợ chồng tôi mới yên tâm làm việc.
Trước đó tôi hết thời gian nghỉ hậu sản, phải làm việc trở lại nhưng con chưa đủ tuổi gửi nhà trẻ nên phải gửi con tại điểm giữ trẻ tự phát gần nhà trọ. Mỗi ngày tôi làm việc mà luôn thấp thỏm lo âu, nhất là khi xem báo đài thấy thông tin về các cháu nhỏ bị các bảo mẫu đánh đập..”, chị Đào Thị Thu Thảo, công nhân công ty may KCN Trà Nóc cho biết.
Nhu cầu cấp thiết
Mở thêm các điểm giữ trẻ và các trường mầm non tại các KCN là nhu cầu cấp thiết hiện nay |
Theo số liệu của Công đoàn các KCX&CN TP Cần Thơ, toàn thành phố hiện có trên 32 ngàn công nhân của 6 KCX, KCN. Trong đó lao động nữ chiếm khoảng 70%, hầu hết đều nằm trong độ tuổi sinh sản. Đặc biệt KCN Trà Nóc 1 và 2 (thuộc quận Bình Thủy và Ô Môn) có số lượng công nhân đông nhất, hơn 20.000 người.
Số lượng công nhân tập trung đông đúc như thế nhưng hiện tại trên địa bàn hai KCN này số trường mầm non công lập và tư thục còn ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu gửi con của công nhân, đặc biệt là trẻ dưới 18 tháng tuổi.
Chúng tôi tìm đến Trường MN Tư thục Yến Linh, một trong những trường MN tư thục ở địa bàn KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ. Đây là trường MN tư thục được cấp phép hoạt động hơn 4 năm qua. Trường hiện có 130 cháu từ 18 tháng đến 5 tuổi, đa số là con em của công nhân lao động.
Tuy nhiên trường hiện nay vẫn chưa tổ chức giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi. Cô Phạm Thị Đào, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường đang chuẩn bị các điều kiện để giữ nhóm trẻ ở độ tuổi này. “Hiện trường chưa đủ điều kiện để giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi.
Trường đang xây dựng phòng mới để mở lớp giữ trẻ độ tuổi này và đang làm công tác chuẩn bị. Đặc biệt là lựa chọn GV phải hơn 40 tuổi, vừa có nghiệp vụ, vừa có kinh nghiệm trông giữ trẻ nhỏ mới đáp ứng được…”, cô Đào cho biết.
Theo ông Huỳnh Hữu Thông - Chủ tịch Công đoàn các KCX&CN TP Cần Thơ, hiện nay ở địa bàn KCN Trà Nóc chỉ có Trường MN Hoa Hồng, trường quy mô nhỏ nên cũng quá tải. Còn lại một số trường mầm non tư thục khác cũng nhỏ trong khi nhu cầu gửi con em của công nhân là rất lớn.
“Ở KCN này các công ty quy mô vừa và nhỏ, chỉ hơn 1000 công nhân nên việc mở trường, lớp trong KCN như những nơi khác là chưa có. Trước khó khăn này, chúng tôi đã có đề xuất UBND TP Cần Thơ, Ban Quản lý KCN có quy hoạch đất để có khu vui chơi cho con em công nhân, thứ hai là các nhà trẻ cho con em công nhân.
Hiện nay thành phố đang xúc tiến xây dựng nhà trẻ ở KCN Thốt Nốt, trước mắt giải quyết theo lộ trình chứ không giải quyết ngay được. Nhà trẻ này xây dựng xong đáp ứng nhu cầu cho khoảng 200 cháu. Đã có quy hoạch và thuê tư vấn, thiết kế để tiến hành xây dựng...”, ông Thông cho biết.
Trước mắt, chúng ta cần khuyến khích mở thêm các điểm giữ trẻ tư thục và phải đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định để đáp ứng kịp thời nhu cầu gửi con em của công nhân. Đặc biệt nên khuyến khích các doanh nghiệp dành một phần diện tích để tổ chức giữ con của công nhân.
Chỉ cần một phòng rộng rãi, đủ điều kiện theo quy định và thuê các bảo mẫu đã qua đào tạo về nghiệp vụ đến trông nom các cháu.
Đối với các công nhân, khi họ muốn thăm con em mình cũng thuận lợi hơn và chắc chắn họ sẽ yên tâm để làm việc, cống hiến. Còn phía doanh nghiệp cũng quản lý được việc chăm nom các cháu của các bảo mẫu và đảm bảo an toàn các cháu nhỏ là con em của công nhân công ty… ông Thông đề xuất.
Nguyễn Quốc Ngữ
TIN LIÊN QUAN |
---|