Để làm rõ những thông tin trong đoạn clip, PV Báo GD&TĐ đã liên hệ với chủ tài khoản này là bà Nguyễn Thị Nga (đại diện hội cha mẹ học sinh điểm trường Tiên Lý - Trường Mầm non Đồn Xá, huyện Bình Lục).
Phụ huynh chờ lời giải thích về thực phẩm “bẩn”
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Nga cho biết: “Ngày 3/12 khi đưa con đi học (tại điểm trường Tiên Lý), tôi thấy thực phẩm không an toàn. Cụ thể, hai cây bắp cải vừa sâu, vừa thối; rổ tôm đã ươn và chiếc chân giò lợn còn đầy lông, dính phân ở móng".
Bà Nga cho biết, khi thấy hiện tượng trên, bà Nga đã cùng các phụ huynh khác xem, đồng thời mời cô hiệu trưởng xuống yêu cầu giải thích. Nhưng chờ đợi cả tiếng đồng hồ không thấy, các phụ huynh mang chỗ thực phẩm đó lên phòng GD&ĐT để phản ánh.
Bà Nga cho biết: “Chúng tôi yêu cầu cô hiệu trưởng giải thích nhưng cả cán bộ xã, cán bộ huyện tại các buổi gặp cũng không có lời giải thích nào về việc này. Sang đến ngày tận ngày 5/12 (ngày phóng viên liên hệ với bà Nga) cũng chưa nhận được lời giải thích từ nhà trường và nhà cung cấp thực phẩm”.
Cũng theo phản ánh của bà Nga, trong buổi chiều 3/12, phụ huynh tiếp xúc với hiệu trưởng tại Trường Mầm non Đồn Xá thì hiệu trưởng nói việc này mình không có sai và không có lỗi, đây là trách nhiệm của nhà cung cấp và người nhận thực phẩm… còn các phụ huynh thì cho rằng: Là người kí kết, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm”.
“Trước đó mấy hôm, thứ Sáu ngày 29/11, có một phụ huynh khác đón trẻ, khi đi ngang qua bếp thấy đĩa dưa hấu thối, nhưng chỉ nghĩ là sự không may nên sẽ nhắc nhở…” Bà Nga cho rằng: qua hai lần như vậy thì thấy thực phẩm quá “bẩn”.
Chúng tôi tiếp xúc với lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện Bình Lục thì được bà Nguyễn Thị Oanh – Trưởng phòng cho biết: Sau khi vụ việc xảy ra, Phòng GD&ĐT đã sớm yêu cầu BGH Trường mầm non Đồn Xá có báo cáo, tường trình.
Theo báo cáo của nhà trường, ngày 29/11 đại diện phụ huynh yêu cầu nhà trường xuống điểm trường Tiên Lý để thống nhất mức ăn cho trẻ, trường đã cử cô Nguyễn Thị Quỳ - Phó hiệu trưởng cùng một Phó hiệu trưởng khác nữa xuống làm việc theo yêu cầu của phụ huynh.
Điểm trường mầm non Tiền Lý, nơi phụ huynh tố trường sử dụng thực phẩm "bẩn" |
Tại buổi làm việc, cùng với việc thống nhất rút mức tiền ăn từ 12.000 đồng/trẻ xuống mức 10.000 đồng, phụ huynh yêu cầu nhà trường thay đổi nhà cung cấp thực phẩm tại điểm trường Tiên Lý. Đại diện phụ huynh cũng đồng thời chỉ định người cung cấp thực phẩm tại chợ.
Nhà trường đã đáp ứng tất cả các yêu cầu, nhưng cá nhân được chỉ định cung cấp thực phẩm tại chợ đã từ chối ký hợp đồng với nhà trường theo mong muốn của các phụ huynh với lý do cá nhân này không có giấy chứng nhận ATTP.
Vì lý do nêu trên mà nhà trường vẫn phải nhờ Công ty Ngôi Sao Xanh tiếp tục cung ứng thực phẩm tại đây.
Được biết, thời điểm mà các phụ huynh học sinh quay đoạn video clip là vào lúc 8 giờ ngày 3/12. Lúc đó có 8 người chứng kiến, trong đó có bà Nguyễn Thị Nga - người quay clip đã kiểm tra thực phẩm khi cô Quỳ phó hiệu trưởng đang giao nhận thực phẩm. Phụ huynh cho rằng thực phẩm của nhà trường không đảm bảo nên đã mang tất cả thực phẩm ra khỏi trường để cung cấp cho phòng GD&ĐT trước sự chứng kiến của những người liên quan lúc đó. Tuy nhiên, việc thu giữ và đưa số thực phẩm nêu trên ra ngoài không được lập biên bản vụ việc và mô tả rõ hiện trạng thực phẩm.
Cũng theo báo cáo của nhà trường: Đến chiều cùng ngày, phụ huynh mang toàn bộ thực phẩm đến văn phòng trường mầm non Đồn Xá đòi hiệu trưởng giải thích. Buổi làm việc diễn ra hết sức lộn xộn, gây khó dễ cho BGH trong quá trình giải thích. Nhà trường phải mời sự can thiệp của UBND xã mà trực tiếp là ông Nguyễn Hồng Trường – Bí thư Đảng ủy, ông Đỗ Việt Dũng – Chủ tịch UBND xã và Công an xã can thiệp thì phụ huynh mới ra về.
Lời giải thích từ nhà cung cấp
Giải thích về số thực phẩm được quay trong clip với phóng viên, cô Trần Thị Uyên – Hiệu trưởng cho biết: thực phẩm đang trong quá trình giao nhận, người trực tiếp giao nhận là cô Quỳ - Phó Hiệu trưởng đang phân loại thực phẩm thì phụ huynh đã mang đi.
Trên thực tế, thực phẩm gồm tôm, thịt chân giò và rau cải bắp, nếu bình thường kiểm tra thấy loại nào không đạt, nhà trường yêu cầu đổi trả, phía công ty cung cấp thực phẩm sẽ trực tiếp đến trường đổi trả để kịp nấu ăn cho trẻ.
Đây là điều được quy định rõ trong hợp đồng cung cấp thực phẩm giữa nhà trường và Công ty Ngôi Sao Xanh. Thực tế đã có nhiều lần đã có việc đổi trả thực phẩm giữa hai bên nếu chất lượng không được phía nhà trường chấp nhận.
Ảnh cắt từ clip đăng tải trên tài khoản facebook Nga Nguyễn |
Trao đổi với đại diện Ngôi Sao Xanh, chúng tôi được biết, yêu cầu của nhà trường đều được phía công ty đáp ứng. Thực phẩm cung cấp cho ngày 3/12 có món rau cải bắp, vì là đầu mùa nên phía công ty đã báo trước cho nhà trường là rau sẽ đắt và hay bị sương, hỏng.
Nhìn mắt thường không phân biệt được, có chiếc cải bắp bổ ra mới thấy sương nám một số lá rau, nếu bình thường phải đổi lại. Nhưng phụ huynh lại cho rằng nhà trường cùng đơn vị cung cấp cố tình cung ứng thực phẩm thối, “bẩn” cho bếp ăn.
Thực phẩm có thực sự “bẩn” ?
Để làm rõ vấn đề có đúng số thực phẩm mà phía nhà trường đã nhận là thực phẩm bẩn, PV Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với ông Trần Tất Thắng - Trưởng Khoa Vệ sinh ATTP Trung tâm y tế huyện Bình Lục.
Vừa xem clip mà cô Nga cung cấp, ông Trần Tất Thắng vừa phân tích và giải thích rõ về cách nhận biết số thực phẩm được ghi hình trong đó.
Ông Thắng cho biết: “Để đảm bảo ATTP bếp ăn tập thể tại trường, phải đảm bảo 3 bước. Thứ nhất là phải lựa chọn đối tác cung cấp thực phẩm uy tín, chất lượng, có pháp nhân. Thứ hai, khi giao nhận thực phẩm, người giao nhận bằng cảm quan, kinh nghiệm mà đánh giá thực phẩm tươi, sạch. Các bước tiếp theo là chế biến và lưu mẫu nhằm kiểm tra sau quá trình sử dụng. Thịt tươi hồng như trong video clip như thế là đảm bảo chất lượng để sử dụng nấu ăn.”
Theo ông Trần Tất Thắng, sự việc ở đây đang là bước lựa chọn nguyên liệu đầu vào. Không có cơ quan nào có chức năng đủ người và phương tiện để ngày nào cũng xét nghiệm, đánh giá thực phẩm tại bếp cả, việc lựa chọn phải bằng cảm quan và căn cứ vào nguồn gốc thực phẩm.
Cụ thể trong trường hợp này, việc đánh giá mẫu thực phẩm có đảm bảo ATTP hay là thực phẩm “bẩn” phải đánh giá ngay tại lúc giao nhận. Việc phụ huynh học sinh đã mang ra khỏi điểm trường Tiên Lý từ sáng đến chiều mà không bảo quản, làm thịt ôi, rau dập nát thì không đủ điều kiện để đánh giá mẫu thực phẩm, phụ huynh tố thực phẩm “bẩn” là chủ quan, vô căn cứ”.
Nhận xét về thực phẩm trong các Video clip, ông Thắng khẳng định: “Bằng cảm quan, từ sáng đến chiều, thực phẩm như vậy cũng còn khá tốt về chất lượng, thịt chân giò vẫn tươi ngon, rau bắp cải cũng tươi nhưng phải loại bỏ lá sâu, lá hỏng bên trong hoặc thay thế rau khác khi chế biến. Những clip khác có thể thấy thực có đổi màu, nhưng là do không được bảo quản, rau bị dập nát do va đập trong quá trình vận chuyển”.
Báo Giáo dục và Thời sẽ tiếp tục điều tra, phản ánh về vụ việc?
Kỳ 2: Có hay không sự buông lỏng quản lý ATTP trong trường học?