Từ chuyện 231 cái tát học sinh: Đừng làm giáo viên nếu không có tình yêu!

GD&TĐ - Cô giáo cho phép bạn học tát 231 cái vào cậu học sinh vi phạm nội quy khiến em phải nhập viện thực sự là câu chuyện đáng buồn, khiến những người làm thầy cô chân chính không khỏi đau lòng.

Từ chuyện 231 cái tát học sinh: Đừng làm giáo viên nếu không có tình yêu!

Chưa dám bàn tới thực hư của câu chuyện ra sao, nhưng đọc thông tin trên hàng loạt các trang báo, tôi  thực sự đau lòng khi nghĩ đến một đứa bé mới bước lên lớp 6 được nửa học kì, chỉ vì một câu nói tục, mà trở thành đối tượng để cả lớp sỉ nhục và bôi nhọ.

Mà việc làm của các bạn trong lớp ấy, lại được chính cô giáo chủ nhiệm, người đáng ra sẽ thay mặt bố mẹ chịu trách nhiệm, chăm lo cho các em khi ở trường, ra lệnh cho các bạn khác làm với bạn mình.

Tôi không hưởng ứng việc nói tục của học sinh, và cực kì nghiêm khắc với những học sinh không tuân thủ nội quy. Tôi là một giáo viên được xếp vào diện những giáo viên nghiêm khắc trong nhà trường, nhưng bàn tay tôi, chưa bao giờ đặt lên má bất kì em học sinh nào.

Cái tát đối với tôi, giống như sự sỉ nhục, chà đạp lên nhân cách của người khác.

Đừng làm giáo viên nếu không có tình yêu!

Một giáo viên làm sao có thể dạy những đứa trẻ từ thực tâm nếu trái tim họ không có tình yêu. Câu chuyện “yêu cho roi cho vọt” xưa rồi, đừng biến nó thành thứ bình phong che đậy cho sự bất lực của những phương pháp giáo dục bạn đã sử dụng.

Tôi kể một câu chuyện về học sinh lớp tôi cách đây 4 năm. Đứa bé đó vừa về thăm tôi hôm 19.11 vừa rồi.

Khi tôi dạy, nó học lớp 5. Thằng bé bị bắt quả tang một lần lục cặp lấy tiền của em lớp dưới. Lúc tôi biết chuyện là khi đồng nghiệp của tôi chạy vào lớp, xin phép gọi thằng bé ra và tra hỏi. Cô giáo sừng sộ tra xét và dọa nạt nó giống như đã nhìn thấy nó lấy số tiền đó.

Tôi không đồng ý và mời cô về lớp. Trước mặt các bạn, tôi không muốn nó mang danh đứa lấy cắp, dù chỉ nhìn ánh mắt nó, tôi biết, điều đồng nghiệp mình nói không sai.

Bước chân xuống phòng hội đồng, nghe tiếng nói oang oang của cô bạn đồng nghiệp, tôi không khỏi ngạc nhiên, tại sao bạn mình lại làm như thế.

- Phải cho nó lên trước toàn trường, phải cho nó biết.

- Chị có nghĩ đến chuyện, cháu sẽ mang tiếng một kẻ ăn cắp đến suốt cuộc đời hoặc chí ít hết những năm cấp hai không? Chị có nghĩ đến chuyện, chút sĩ diện của đứa bé sẽ mất đi, khi chị đem nó ra bêu riếu trước mặt toàn trường không?

Chị đồng nghiệp nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi chạy sang báo cáo Hiệu trưởng. Nhưng cuối cùng thì họ không nêu tên thằng bé.

Thằng bé chỉ khóc dấm dứt kể cho tôi nghe về gia đình nó. Nhà có ba mẹ con, cái gì cũng tằn tiện, nhìn thấy bạn có tiền mua bánh mì ăn sáng, nó thèm lắm. Tôi chỉ biết an ủi, dùng những lời động viên và khuyên nhủ đối với nó. Nhưng từ sau dạo đó, nó không có lần nào tái phạm nữa cả.

Đó là một câu chuyện có thật trong đời dạy học của tôi. Nhưng thứ tôi muốn chia sẻ với bạn là cách để bạn làm thế nào để kỉ luật, phê bình hay trách phạt đứa nhỏ trong lớp học của bạn mà không phải ứng xử bằng bạo lực.

Lời nói bạo lực, hay hành vi bạo lực đều là những việc bạn không nên làm, nói cho đúng là không được làm.

Nguyên tắc thứ nhất: Làm bạn

Khi bạn bắt đầu nhận lớp chủ nhiệm, việc đầu tiên bạn cần làm là hãy xem cho kĩ hồ sơ của học sinh. Mỗi đứa trẻ của bạn đều có những ưu hay khuyết điểm riêng mà giáo viên trước đã lưu lại trong hồ sơ của em đó. Bạn có thể tìm hiểu thêm và các em qua lời kể của đồng nghiệp khác đã từng dạy em.

Hoàn cảnh gia đình học sinh, môi trường gia đình, môi trường lớp học chính là một trong những yếu tố hình thành nên tính cách của các em.

Nếu bạn hiểu được một phần suy nghĩ của chúng và biết cách làm việc chung với chúng, bạn sẽ chiếm lĩnh được niềm tin và trở thành người bạn đồng hành với các em. Khi đã được tin tưởng, cảm thấy bạn đủ sự tin cậy, lời nói của bạn chắc chắn sẽ có trọng lượng với chúng.

Nguyên tắc thứ hai: Tạo môi trường làm việc thân thiện

Học trò thường có kiểu chia bè phái trong lớp học. Nếu lớp học của bạn không đoàn kết, chắc chắn bạn sẽ rất khó lãnh đạo các em đi theo mình. Hãy tạo ra một lớp học với nhiều hoạt động tập thể.

Bạn đừng đợi những kì cuộc của nhà trường, hãy tự xây dựng cho lớp mình những hoạt động độc đáo để tạo dấu ấn riêng. Một trò chơi lớn sẽ kéo cô trò lại gần nhau.

Khi tiếng cười vang lên và những đứa trẻ không còn cái nguýt nhau đanh đá hay không còn những lời xì xào bàn tán nhau trong lớp, đó là lúc bạn bảo chúng sẽ nghe lời. Đừng cố đem khuôn thước vào các giờ dạy một cách thái quá.

Nguyên tắc thứ ba: Trò được nói, đủ tin tưởng để nói

Cô giáo hãy thử làm cảnh sát ngầm khi có sự việc gì đó. Hãy tìm cách để đứa trẻ bày tỏ. Bạn cần tránh việc để cho trẻ cãi nhau trong quá trình trình bày những việc tranh chấp của chúng, hãy đề nghị chúng nói lần lượt.

Khi đứa này nói, đứa kia cần im lặng và không phải nói một lần, hãy cho các con trình bày theo trình tự sự việc, một cách nguyên tắc, nhẹ nhàng.

Thỉnh thoảng hãy ngược lại hỏi những câu hỏi cần thiết. Nhưng giáo viên cần lắng nghe hết để phát hiện ra những điểm quan trọng để xử lí vấn đề. Nhớ, đừng dọa nạt hay chửi rủa và xúc phạm.

Đứa trẻ ngoan hay hư cũng cần được nói và tôn trọng trong quá trình bày tỏ. Đừng lấn át chúng bằng câu mắng mỏ, bạn sẽ chẳng thể tìm được câu trả lời chính xác cho mình.

Nguyên tắc thứ tư: Xử lí sự việc trên nguyên tắc tôn trọng thân thể và danh dự của các em

Cô giáo hoàn toàn có thể phê bình, có thể phạt học sinh một cách nghiêm khắc. Nguyên tắc kỉ luật là:

- Học sinh ở trường, cần được đảm bảo giờ học.

- Học sinh ở trường, cần được đảm bảo an toàn.

- Học sinh là con người, cần được tôn trọng.

Hãy đưa ra quy định từ đầu năm, xây dựng trên cơ sở cả lớp thống nhất và tiêu chí phù hợp với những nguyên tắc trên. Khi một đứa bé của bạn vô tình vi phạm nó, hay cố tình vi phạm nó, hãy lắng nghe con nói bằng trái tim của người mẹ, bằng sự sáng suốt của quan tòa, bằng sự tận tâm của người thầy, bằng tư cách của người bạn.

Đừng nghĩ mình là thầy, là quan tòa, là cảnh sát, hãy nghĩ rằng, lúc mình còn nhỏ, mình cũng giống như đứa trẻ này, và khi đó, bạn sẽ ứng xử được hợp lí với các em.

Có lẽ, những chia sẻ này của cá nhân tôi, ở khía cạnh nào đó, chưa thể đem lại cho bạn cái nhìn hoàn hảo để tìm ra con đường giáo dục cho những đứa trẻ của mình, nhưng đó là cách tôi đã làm, để trở thành một giáo viên được các em tin yêu.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em thường học các chuẩn mực và đặc điểm tính cách từ cha mẹ. (Ảnh: ITN).

Dạy con hiểu giá trị của gia đình

GD&TĐ - Nhiều bậc cha mẹ thấm nhuần giá trị tốt đẹp của gia đình vào con cái để giúp con phát triển thành những công dân tốt, có trách nhiệm.