Dân sợ mất thác nước vì thủy điện
Thác Năm Tầng (huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) có tên gọi như vậy bởi các lớp đá trên mặt thác được chia làm 5 tầng, tạo nên dải thác độc đáo, thu hút du khách và người dân địa phương.
Thế nhưng gần đây, người dân hai xã Hưng Bình và Đắk Sin lo lắng liệu việc xây dựng công trình thủy điện ngay trên thượng nguồn của dòng thác này có ảnh hưởng đến thác? Công trình do Công ty cổ phần thủy điện Đại An (Công ty Đại An) đầu tư xây dựng, với công suất chỉ 5 MWh và dự kiến xây dựng cách đỉnh thác khoảng 200 m.
Theo một số người dân tại huyện Đắk R’Lấp, trước đây ở địa phương cũng có trường hợp thác nước Diệu Thanh (xã Nhân Cơ) bị “xóa sổ” để nhường chỗ cho công trình thủy điện Đắk R’tíh. Vì vậy người dân lo lắng, việc xây dựng thủy điện đồng nghĩa với “khai tử” thác nước Năm Tầng.
Ông Nguyễn Văn Nhanh (trú thôn 6, xã Hưng Bình) cho biết, hơn một tháng nay kể từ khi máy móc và vật liệu được tập kết tại đây để chuẩn bị thi công dự án thủy điện. Là một người dân gắn bó với mảnh đất này từ khi được khai phá, ông cảm thấy tiếc nuối cho thế hệ sau nếu hôm nay không giữ lại được thác Năm Tầng.
“Nếu làm thủy điện sẽ khó giữ được thác nước, nhất là vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên của quần thể thác ở vùng núi này, nên mong chính quyền xem lại”, ông Nhanh khẩn thiết đề nghị.
Ông Bùi Văn Xướng (thôn 14, xã Đắk Sin) lo ngại, nếu công trình thủy điện đi vào hoạt động sẽ mất đi thác nước. Gia đình ông cùng nhiều hộ dân sống gần chân thác đã có đơn kiến nghị gửi tới các ngành chức năng để xem xét, phân tích, đánh giá tổng thể để việc phát triển kinh tế không ảnh hưởng đến thắng cảnh tự nhiên hiếm có tại Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Theo báo cáo của UBND huyện Đắk R’Lấp, thác Năm Tầng được người dân biết đến từ năm 1983. Hiện mỗi năm thu hút từ 4.000 – 5.000 lượt khách tham quan, vui chơi, thưởng ngoạn.
Bà Hoàng Thị Quyên, Chủ tịch UBND xã Đắk Sin cho rằng, từ vị trí đặt nhà máy thủy điện Đắk R’kéh đến thác Năm Tầng khó đảm bảo cả hai nội dung là vận hành thủy điện và khai thác điểm du lịch. UBND xã lo ngại việc xây dựng công trình thủy điện ảnh hưởng đến các hộ dân trồng lúa trên thượng nguồn.
Tái khởi động dự án đình trệ hơn 10 năm
Trước đó, tháng 5/2008 UBND tỉnh Đắk Nông cấp phép cho Công ty cổ phần thủy điện Đắk Nông nhà máy thủy điện Đắk R’kéh có công suất 5 MWh. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 130 tỷ đồng và sử dụng diện tích đất 268 ha, thời gian thực hiện trong các năm 2009 - 2011.
Sau nhiều lần gia hạn chủ trương đầu tư do gặp khó khăn về tài chính, đến tháng 10/2015, UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận Công ty Đại An làm chủ đầu tư và hạn định cho việc khởi công dự án là ngày 1/1/2017. Trong đó nêu rõ: “Quá thời hạn trên mà Công ty không khởi công theo quy định, UBND tỉnh sẽ thu hồi chủ trương đầu tư và không chịu trách nhiệm về các khoản chi phí mà Công ty bỏ ra để thực hiện dự án”.
Tuy nhiên, đến tháng 6/2018, Công ty Đại An lại được Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Nông cho phép giãn tiến độ đầu tư dự án thủy điện Đắk R’kéh sang các năm từ đầu 2019 đến cuối 2020.
Lý giải về việc xin dự án mới khi mà dự án cũ chậm tiến độ, nhiều lần gia hạn và đến nay vẫn chưa được triển khai, ông Nguyễn Đức Lưu, Phó Giám đốc Công ty Đại An cho rằng việc chậm trễ là do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và xin chủ trương điều chỉnh dự án liên quan tới nhiều ngành chức năng.
“Thời điểm thác Năm Tầng có nhiều khách tham quan, chúng tôi sẽ ưu tiên nguồn nước cho thác, buổi tối hoặc những lúc vắng khách sẽ ưu tiên phát điện. Công ty cam kết sẽ giữ được khung cảnh tự nhiên cho thác Năm Tầng, dù công trình thủy điện chỉ cách đỉnh thác khoảng 200 m”, ông Lưu hứa.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Đắk Nông, do thác Năm Tầng là điểm du lịch “mới nổi”, đến nay chưa nằm trong quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Đắk Nông, trong khi dự án thủy điện được cấp phép từ năm 2008, nên không thể loại bỏ dự án thủy điện.
Trong khi đó, ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’Lấp khẳng định, huyện đồng ý chủ trương của các ngành chức năng về việc xây dựng công trình thủy điện phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đề nghị các ngành chức năng và chủ đầu tư lưu ý vấn đề gìn giữ nguồn nước, khung cảnh tự nhiên của thác Năm Tầng và đảm bảo nguồn nước phục vụ nhu cầu tưới tiêu của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trồng lúa nước.