Thế nhưng, đằng đẵng 10 năm, người dân bấp bênh, khốn khó khi sinh sống khu tái định cư không được, về làng cũ cũng không xong.
Làng tái định cư thiếu thốn trăm bề
Chập choạng tối, anh A Tập (31 tuổi, làng Vương – Xô Luông, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, Kon Tum) từ trên rẫy trở về.
Anh A Tập kể, gia đình anh là một trong số ít nhà còn bám trụ lại khu tái định cư Vương – Xô Luông.
Trước kia, nhà anh ở làng Xô Luông. Cách đây khoảng 10 năm khi dự án thủy điện Đăk Đrinh triển khai tích nước thì anh đang đi nghĩa vụ quân sự. Khi trở về ngôi làng đã bị lòng hồ nhấn chìm. Sau đó, anh mới biết gia đình đã được chuyển lên khu tái định cư, nhường đất cho thủy điện.
Đến nơi ở mới, vợ chồng anh được cấp một căn nhà tái định cư với vài chục triệu đồng cùng 1 ha đất rẫy và 2 sào ruộng. Tuy nhiên, đất đai cằn cỗi, bạc màu, ruộng lại thiếu nước nên cây trồng chẳng thể phát triển. Khó khăn ngày càng lớn nên vợ chồng anh thường xuyên cãi vã. Ít lâu sau, vợ anh A Tập cũng bỏ đi để lại anh cùng người con trai hiện đang học lớp 6.
“Con mình đang học trường nội trú ở xã nên đầu tuần mình chở ra, cuối tuần đón về. Ngoài thời gian làm nương rẫy mình về ở với mẹ cho đỡ buồn. Chứ ở đây buồn và thiếu nước lắm. Đất rẫy thì cằn cỗi, sỏi đá nên rất khó cải tạo, đường đi thì khó khăn.
Còn đất ruộng vẫn chưa thể canh tác vì diện tích đất cấp cho người dân tái định cư lấy của làng Tu Rét. Tuy nhiên, nhà đầu tư đến nay vẫn chưa thực hiện xong việc bồi thường nên họ đòi lại đất. Nhiều lúc mình muốn về lại làng cũ nhưng nghĩ chẳng còn đất còn nhà”, A Tập tâm sự.
Ông Đinh Văn Non, cựu Bí thư Đảng ủy xã Đăk Nên, chia sẻ, năm 2009, dự án thủy điện Đăk Đrinh khởi công nên gần 200 hộ dân xã Đăk Nên nằm ở vùng lòng hồ phải di dời đến khu tái định cư.
Để có đất hỗ trợ cho người dân 2 làng Vương và Xô Luông, thủy điện này đã thu hồi đất của người dân tại làng Tu Rét. Thủy điện cũng hứa hẹn trong 5 năm sẽ đền bù hết số tiền từ diện tích đất đã thu hồi.
Đồng thời dành ra một khoản tiền để hỗ trợ nghề nghiệp cho người dân Tu Rét. Trước những lời hứa về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn, người dân tại 2 làng Vương và Xô Luông đồng ý đến nơi ở mới.
Nhà ông Non cũng nhường 15ha đất cho thủy điện. Thủy điện đền bù cho gia đình 300 triệu cùng 1 căn nhà tái định cư tít trên núi cao. Năm 2013, khu tái định cư hoàn thành cách làng cũ hơn 10 km (thượng nguồn sông Đăk Đrinh), người dân bắt đầu chuyển đến nơi ở mới tại khu tái định cư Vương – Xô Luông.
Thế nhưng, đến nay sau gần 10 năm tích nước và vận hành việc đền bù cho người dân vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Chật vật mưu sinh
Không bám trụ được ở khu tái định cư, nhiều gia đình tìm về làng cũ để sinh sống và canh tác. Từ đó, hàng chục nóc nhà ở khu tái định cư Vương – Xô Luông bị bỏ hoang, cây cối mọc um tùm.
Không những vậy, tường gạch bám đầy rêu, sàn, cửa gỗ mục nát, xiêu vẹo, phân bò, chuột vương vãi khắp nơi. Một số căn nhà đã bị tháo dỡ lấy đi mái ngói, sàn gỗ, còn bể nước khô cạn, nứt nẻ.
Trở về làng Xô Luông sau một ngày đi làm thuê, anh A Khố (32 tuổi) tâm sự, năm 2009 như những hộ gia đình khác, bố mẹ anh nhường đất cho thủy điện rồi nhận 110 triệu đồng tiền đền bù.
Đến năm 2013 khi đến nơi ở mới, anh dự tính lấy số tiền được hỗ trợ trước đó để mua sắm đồ dùng sử dụng trong gia đình. Tuy nhiên, nơi ở mới của gia đình anh lại nằm trên núi cao. Không còn cách nào khác, anh miễn cưỡng kí nhận căn nhà, còn 1ha đất rẫy và 2 sào ruộng được cấp, qua 10 năm anh vẫn chưa biết khu đất ấy ở đâu.
Tại nơi ở mới cuộc sống khó khăn, vợ chồng anh A Khố lại dắt díu nhau về làng cũ, nơi còn miếng đất của bố mẹ để xây tạm căn nhà nhỏ trú ngụ. Sau bao nhiêu năm, vợ chồng anh khai hoang được gần 1 sào lúa và 4 sào rẫy.
“Vụ vừa rồi mất mùa lại sâu bệnh hại nên nhà mình thu được gần 5 triệu đồng. Số tiền đó không đủ để lo cho 2 người con ăn học. Do đó, vợ chồng phải xin đi nhổ mì, cắt cỏ, gặt lúa... thuê, có hôm ra tận trung tâm huyện để làm phụ hồ công trình. Những hôm đi làm về sớm, mình tranh thủ ghé lòng hồ cạnh nhà kiếm con cá về kho để cải thiện bữa ăn cho các con”, anh Khố bộc bạch.
Về vấn đề này, ông Trần Thanh Minh, Chủ tịch UBND xã Đăk Nên, cho biết, năm 2013, có 72/83 hộ dân đồng ý nhận nhà tái định cư. Tuy nhiên cho đến nay, đã có 37 hộ rời khỏi khu tái định cư để quay về làng cũ.
Theo ông Minh, hiện chủ đầu tư chưa chi trả số tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Đăk Đrinh là hơn 33 tỷ đồng. Không những vậy, chưa nâng cấp, sửa chữa tuyến đường để phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân.
Còn ông Đào Duy Khánh, Bí thư Huyện ủy Kon Plông, cho hay, vấn đề đền bù cho người dân ở dự án thủy điện Đăk Đrinh đã tồn tại gần 10 năm nay.
Theo ông Khánh, huyện sẽ phối hợp cùng thủy điện tiếp tục ra Trung ương để kiến nghị giải quyết việc đền bù cho người dân. Đồng thời, địa phương sẽ rà soát lại những khó khăn của người dân để kịp thời có phương án hỗ trợ cho bà con yên tâm sinh sống.