Kon Tum: Cán bộ trả tiền sau hai năm… “quên”?

GD&TĐ - Sau khi Báo Giáo dục và Thời đại có bài “2 năm vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ thiên tai”, cán bộ xã Đắk Ang (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) đã tức tốc đến từng nhà dân để trả tiền.

Thôn Long Dôn, nơi xảy ra vụ việc sau 2 năm thiệt hại do thiên tai người dân mới nhận được hỗ trợ.
Thôn Long Dôn, nơi xảy ra vụ việc sau 2 năm thiệt hại do thiên tai người dân mới nhận được hỗ trợ.

Liên quan đến vụ việc tiền hỗ trợ thiên tai, sau 2 năm vẫn chưa đến tay người dân mà Báo GD&TĐ đã đăng tải. Ngày 27/11, chúng tôi đã quay trở lại thôn Long Dôn (xã Đắk Ang).

Theo một số người dân có tài sản bị thiệt hại do thiên tai vào năm 2018, họ mới được nhận tiền hỗ trợ từ cán bộ xã cách đây khoảng 1 tuần.

Bà Y Đan (thôn Long Dôn) cho biết, trước đó bà có phản ánh, năm 2017 gia đình bà có nuôi 2 con bò nhưng đã bán để trả nợ ngân hàng. Đến năm 2018, nhà bà hết nuôi nên không bị thiệt hại do thiên tai.

Tuy nhiên, sau khi hỏi lại chồng, bà Y Đan được biết trong khoảng thời gian bà đi học xa nhà, chồng bà đã xin bò của bố để nuôi. Do mưa bão nên con bò này bị chết, chồng bà có thông báo cho chính quyền địa phương, nhưng bà không hề hay biết. Do đó, mới có sự nhầm lẫn về việc bà cho rằng gia đình không có tài sản bị thiệt hại trong năm 2018.

Cũng theo bà Y Đan, sau khi bà cung cấp thông tin cho báo chí, ít ngày sau ông A Thâm, cán bộ xã đã mang 6 triệu đồng xuống đưa cho gia đình và nói đây là tiền hỗ trợ do bị mất bò vào năm 2018.

Bà Y Đan cho hay, gia đình mới nhận được 6 triệu đồng tiền hỗ trợ do chết bò trong thiên tai năm 2018.
 Bà Y Đan cho hay, gia đình mới nhận được 6 triệu đồng tiền hỗ trợ do chết bò trong thiên tai năm 2018.

Tương tự, ông A Thôi (thôn Long Dôn) cho biết, năm 2018, gia đình ông bị thiệt hại 1 sào mì do thiên tai. Cách đây hơn 1 tuần, ông A Thâm, cán bộ tài chính xã đến nhà đưa cho ông 330.000 đồng và yêu cầu ông Thôi kí nhận. Khi ông A Thôi hỏi là tiền gì thì nhận được câu trả lời là tiền hỗ trợ lũ lụt năm 2018.

Không chỉ gia đình bà Y Đan, ông A Thôi mà một số hộ dân khác tại thôn Long Dôn cũng được ông A Thâm đến tận nhà để đưa tiền hỗ trợ do thiên tai, chết bò năm 2018.

Về vấn đề này, bà Y Hdin, trưởng thôn Long Dôn cho hay, xã thực hiện chi trả tiền hỗ trợ khi nào bà không biết, cũngkhông được UBND xã thông báo.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thất, Chủ tịch UBND xã Đắk Ang, việc cán bộ xã đi trao tiền cho người dân khi nào, trao bao nhiêu và ai chỉ đạo thì ông không nắm bắt được.

Trước đó, Báo GD&TĐ đã phản ánh, nhiều năm qua trên địa bàn xã Đắk Ang (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) xảy ra thiên tai, hạn hán. Mặc dù, người dân kê khai thiệt hại nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hỗ trợ.

Qua tìm hiểu, trong năm 2018, hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Ngọc Hồi bị thiệt hại do thiên tai. Ngay sau đó, UBND huyện Ngọc Hồi đã cấp hơn 530 triệu đồng để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, kinh tế. Sau đó, Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện đã làm thủ tục chuyển số tiền này về các xã. 

UBND huyện yêu cầu các xã thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, đúng mức quy định cho các hộ dân bị thiệt hại. Trong đó, xã Đắk Ang được UBND huyện phê duyệt cấp 170 triệu đồng.    

UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Ngọc Hồi kiểm tra thông tin báo nêu. Nếu phát hiện các hành vi sai phạm phải xử lý nghiêm theo quy định, đúng thẩm quyền và báo cáo kết quả về UBND tỉnh Kon Tum trước ngày 10/12.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.