Bão đi qua, cầu biến mất
Hơn 1 tháng qua, kể từ khi cây cầu treo bị cơn bão số 9 xé toạc, người dân tại các thôn Đắk Giá, Đắk Rờ Me (xã Đắk Ang) và thôn Nông Nội, Tà Pook, Kà Nhảy (xã Đắk Nông) tự chế cáp treo để đu qua sông.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hai bên bờ sông người dân đóng những trụ gỗ xuống đất rồi cột dây cáp vào. Dây cáp được cố định 2 bên bờ, sau đó người dân dùng ròng rọc để đu người trên cáp treo di chuyển qua lại.
Anh A Thắt (trú thôn Tà Pook, xã Đắk Nông) cho hay, hơn 1 tháng qua sau khi cây cầu treo nối 2 bên bờ sông Pô Kô bị bão đánh sập người dân không thể di chuyển qua lại. Nếu muốn qua xã Đắk Ang canh tác, người dân phải đi đường vòng gần 20 km. “Cái khó ló cái khôn”, gia đình anh A Thắt cùng một số hộ dân góp tiền lại để làm cáp treo đu qua sông. Bên cạnh đó, mỗi nhà tự sắm một cái ròng rọc với giá 300.000 – 400.000 đồng để đu cáp treo.
“Nhà mình có 7 sào đất trồng mì và cà phê ở bên kia sông nên mỗi ngày phải đu cáp 5 - 6 lần qua lại. Ban đầu mới đu mình sợ rơi xuống sông, nhưng không qua thì chẳng ai làm rẫy. Nhiều hôm đu đến giữa dòng, ròng rọc bị mắc kẹt mình treo lơ lửng giữa dòng. Mình phải gọi nhờ người hỗ trợ để đưa vào bờ. Biết là nguy hiểm, nhưng nếu không đu cáp treo thì nương rẫy không ai làm, gia đình không có cái ăn”, anh A Thắt tâm sự.
Cũng theo anh A Thắt, không chỉ gia đình anh mà bên kia bờ sông là nơi canh tác của người dân 2 xã Đắk Ang và xã Đắk Nông nên mỗi ngày có cả trăm lượt người đu cáp qua lại.
“Mình là đàn ông, có sức khỏe nên đu cáp qua lại không vất vả lắm. Nhưng các chị em phụ nữ mỗi khi đu cáp thì rất khó khăn và nguy hiểm. Có người con nhỏ, ở nhà không ai trông nên phải địu con theo đu cáp qua sông để đi làm”, anh A Thắt nói.
Không chỉ tại thôn Tà Pook và Kà Nhảy, ở thôn Nông Nội cũng có 2 cái cáp treo phục vụ người dân và vận chuyển nông sản qua lại sông Pô Kô.
Chị Nguyễn Thị Hường (thôn Đắk Giá 1, xã Đắk Ang) cho biết, cơn bão số 9 vừa qua đã cuốn trôi cây cầu treo bắc qua sông Pô Kô nối xã Đắk Ang và Đắk Nông. Không có cầu để di chuyển qua lại nên người dân góp tiền để làm cáp treo, đu tạm qua sông.
Theo chị Hường, chị có 3 người con, trong đó 2 cháu đang đi học bên xã Đắk Nông. Chính vì vậy, chị phải gửi con qua bên xã Đắk Nông, nhờ ông bà nội đưa đi học. Bởi mỗi lần đu cáp vượt sông là một lần khó khăn, nguy hiểm.
“Nhà mình may mắn còn có ông bà nội bên này sông nên có thể gửi các con để thuận tiện việc đi học. Một số gia đình có nhà bên Đắk Ang, con lại học bên xã Đắk Nông nên ngày nào cũng phải ôm con đu cáp qua sông. Hai bên bờ sông cách nhau cả trăm mét nên rất nguy hiểm. Mình người lớn còn thấy hãi hùng mỗi khi đu dây nói gì mấy cháu nhỏ”, chị Hường nói.
Đu cáp đưa con đến trường
Với khoảng cách hai bên bờ là 200m, sau 15 giây đu cáp treo vượt sông, anh Nguyễn Văn Đại (32 tuổi, trú thôn Đắk Giá, xã Đắk Ang) cũng thở phào nhẹ nhõm vì đã tiếp đất an toàn.
Anh Đại cho hay, sáng nào cũng vậy, anh ôm con đu cáp từ xã Đắk Ang vượt sông qua xã Đắk Nông để cho con đến lớp. Sau đó, anh lại đu cáp về để thu hoạch cà phê đang chín rộ. Theo anh Đại, sau khi cầu sập gần chục hộ dân đã góp tiền mua gần 400m dây để làm cáp treo. Cáp treo này không chỉ phục vụ việc đi lại của người dân 2 bên bờ sông mà còn dùng để vận chuyển nông sản.
“Hai bên bờ sông cách nhau khoảng 200m, nhưng đu cáp chỉ khoảng mất 15 giây. Những ngày đầu mới đi, ròng rọc chạy nhanh tôi chưa quen nên không dám mở mắt ra. Đến khi tiếp đất tôi mới hoàn hồn vì chưa bị rơi xuống sông. Hiện tại cũng đang vào vụ thu hoạch cà phê nên gia đình sử dụng cáp treo để vận chuyển nông sản.
Có hôm, bao cà phê đi được nửa đường thì cáp lật rơi thẳng xuống sông, nước cuốn trôi đi mất. Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, sớm xây dựng cây cầu để đảm bảo an toàn cho người dân khi đi lại và vận chuyển nông sản”, anh Đại chia sẻ.
Ông Phan Thanh Tùng, Chánh Văn phòng UBND huyện Ngọc Hồi cho biết, cơn bão số 9 vừa qua đã đánh sập, làm hư hỏng 6 cây cầu treo trên địa bàn xã. Trong đó, 2 cây cầu treo tại thôn Nông Nội và thôn Tà Pook (xã Đắk Nông) bị cuốn trôi.
Cũng theo ông Tùng, hiện tại đang vào mùa thu hoạch cà phê, mì nếu người dân chờ xây dựng cầu thì nông sản sẽ hư hỏng. Do đó, người dân làm bè để qua sông. Còn bên trên người dân sử dụng cáp treo để vận chuyển nông sản.
Vị Chánh Văn phòng UBND huyện cho hay, địa phương cũng khuyến cáo, cảnh báo người dân không được đi lại bằng cáp treo vì rất nguy hiểm.
“Hiện tại, UBND huyện đã báo cáo, đề xuất lên UBND tỉnh có kế hoạch bố trí nguồn vốn xây dựng lại cây cầu ở xã Đắk Nông để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân”, ông Tùng nói.