Huyện Ngọc Hồi, Kon Tum: Lập khống tài sản thiệt hại cần hỗ trợ do thiên tai?

GD&TĐ - Mặc dù có tên trong danh sách nhận hỗ trợ do thiệt hại bởi thiên tai, nhưng một số người dân cho rằng, họ không có tài sản như đã thống kê. Danh sách được lập 2 năm nhưng người dân không biết về khoản hỗ trợ này

Bà Y Hdin cho hay, năm 2018 đã lập danh sách thiệt hại do thiên tai báo lên xã nhưng đến nay người dân vẫn chưa được nhận hỗ trợ.
Bà Y Hdin cho hay, năm 2018 đã lập danh sách thiệt hại do thiên tai báo lên xã nhưng đến nay người dân vẫn chưa được nhận hỗ trợ.

Nhận hỗ trợ thiệt hại bò dù nhà dân không nuôi

Theo phản ánh của người dân xã Đắk Ang (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum), nhiều năm qua trên địa bàn xảy ra thiên tai, hạn hán. Mặc dù, người dân kê khai thiệt hại nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hỗ trợ.

Qua tìm hiểu, trong năm 2018, hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Ngọc Hồi bị thiệt hại do thiên tai. Ngay sau đó, UBND huyện Ngọc Hồi đã cấp hơn 530 triệu đồng để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, kinh tế. Sau đó, Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện đã làm thủ tục chuyển số tiền này về các xã. 

UBND huyện yêu cầu các xã thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, đúng mức quy định cho các hộ dân bị thiệt hại. Trong đó, xã Đắk Ang được UBND huyện phê duyệt cấp 170 triệu đồng. Tuy nhiên, tại thôn Long Dôn người dân cho biết chưa nhận được bất kì khoản hỗ trợ nào trong những năm gần đây.

Bà Y Hdin, trưởng thôn Long Dôn cho biết, vào năm 2018 sau khi cơn bão đi qua, UBND xã đã yêu cầu bà thống kê thiệt hại của người dân. Sau đó, bà đã thống kê và gửi danh sách thiệt hại lên UBND xã. Tuy nhiên đến nay, người dân trong thôn vẫn chưa được nhận bất kì khoản hỗ trợ nào.

“Chúng tôi nghĩ lập danh sách lên xã, huyện nắm. Còn việc hỗ trợ kinh phí do thiệt hại thì chúng tôi không hay biết. Nhiều năm qua, người dân trong thôn cũng không được nhận bất kì hỗ trợ nào do thiệt hại từ bão lũ”, bà Y Hdin nói.

Trong danh sách được nhận hỗ trợ, nhiều gia đình không bị thiệt hại nhưng có tên. Tuy nhiên, số tiền theo danh sách hỗ trợ, người dân cũng không hay biết.

Trong danh sách, gia đình bà Y Đan (thôn Long Dôn) được nhận hỗ trợ 6 triệu đồng do mất 1 con bò trong thiên tai. Tuy nhiên, bà Y Đan cho biết, năm 2017 gia đình bà có nuôi 2 con bò nhưng đã bán để trả nợ ngân hàng. Đến năm 2018 nhà bà không còn nuôi bò nên chắc chắn không bị thiệt hại do thiên tai.

“Trước đây, tôi chưa từng biết gia đình có tên trong danh sách nhận hỗ trợ 6 triệu đồng do mất bò trong thiên tai. Tôi không có bò nên không thể nào bị thiệt hại. Số tiền hỗ trợ này tôi cũng chưa nghe nói và không nhận được”, bà Y Đan nói.

Tương tự, bà Y Dủ (thôn Long Dôn) cũng cho rằng, gia đình không hề có bò. Không hiểu vì lý do gì, nhà bà lại “đi lạc” vào danh sách nhận hỗ trợ 6 triệu đồng vì mất bò do thiên tai. Những năm gần đây, bà cũng không nhận được bất kì hỗ trợ nào từ xã.

Bà Y Đan khá bất ngờ khi gia đình mình lại “lạc” vào danh sách được nhận hỗ trợ do mất bò trong thiên tai.
Bà Y Đan khá bất ngờ khi gia đình mình lại “lạc” vào danh sách được nhận hỗ trợ do mất bò 
trong thiên tai.

Người chuyển công tác, kẻ “trốn biệt tăm”

Ông Nguyễn Ngọc Thất, Chủ tịch UBND xã Đắk Ang cho biết, đối với danh sách các hộ bị thiệt hại do thiên tai năm 2018 cán bộ xã và thôn đi thực tế xác minh và thống kê. Sau đó, ông đã ký và trình lên cấp trên. Tuy nhiên, về việc người dân không bị thiệt hại mà vẫn có tên trong danh sách là trách nhiệm của cán bộ phụ trách và ban ngành đoàn thể của thôn.

Vị chủ tịch xã cũng cho hay, ông mới giữ chức Chủ tịch UBND xã nên không nắm được việc đã chi trả tiền hỗ trợ hay không. Việc này trước đây do chủ tịch cũ và kế toán nắm. Riêng bà Lê Thị Việt, kế toán phụ trách việc chi trả đã không đi làm 1 tháng qua. Đơn vị có mời lên làm việc nhưng người này không đến.

Liên quan đến vụ việc trên, ông A Dư, cán bộ trực tiếp xác minh, tổng hợp danh sách cho hay, vào năm 2018 ông mới bắt đầu phụ trách công việc này. Khi đó, cấp trên yêu cầu thống kê gấp nên ông đã lấy danh sách bị thiệt hại của thôn rồi tổng hợp trình lên.

Ông Dư cho hay, theo danh sách ông có đi kiểm tra một vài hộ thì thấy thiệt hại như thôn báo lên. Ông Dư cũng thừa nhận việc làm như vậy là có thiếu sót, nhưng nếu đi kiểm tra hết từng hộ thì sẽ không có thời gian.

Ông A Pháo, nguyên Chủ tịch UBND xã Đắk Ang cho hay, ông đã chuyển sang làm Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND được 6 tháng nay nên phải liên hệ với kế toán để kiểm tra xem đã cấp tiền thiệt hại về cho dân chưa.

Ông Nguyễn Chí Tường, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) cho biết, đơn vị sẽ chỉ đạo thanh tra toàn diện các vấn đề tại xã Đắk Ang. Trong đó sẽ tập trung làm rõ có hay không việc chậm chi trả tiền hỗ trợ thiên tai cho người dân bị ảnh hưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ