Kom Tum: Vụ trục vớt cây gỗ dưới ruộng, khiếu nại quyết định xử phạt

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Sau quyết định xử phạt về hành vi “chiếm giữ tài sản của người khác” người đào cây gỗ dưới ruộng đã làm đơn khiếu nại vì cho rằng, bản thân đã làm đơn xin trục vớt và tận dụng nên đã đưa số gỗ này vào xưởng sử dụng.

Cây gỗ ông Nam trục vớt được dưới ruộng.
Cây gỗ ông Nam trục vớt được dưới ruộng.

Xử phạt 4 triệu đồng

Ngày 19/7, Công an huyện Sa Thầy (Kon Tum) đã có văn bản trả lời một số nội dung liên quan đến việc xử phạt hành chính đối với ông Lê Quang Nam (44 tuổi, trú tại thị trấn Sa Thầy - người đào được cây gỗ dưới ruộng).

Cụ thể, vào ngày 30/3, Công an huyện Sa Thầy nhận được tin báo về việc có người đang tổ chức đào, trục vớt cây gỗ phát hiện được trong lòng đất tại khu vực rẫy thuộc thôn Sơn An (xã Sa Sơn). Khi đến hiện trường, cơ quan công an phát hiện ông Nam đang sử dụng máy đào để trục vớt cây gỗ.

Tuy nhiên, do trời mưa ảnh hưởng đến việc kiểm tra, xác minh nên tổ công tác đề nghị ông Nam giữ nguyên hiện trạng đợi ngừng mưa sẽ xử lý theo quy định.

Đến tối cùng ngày, ông Nam đã đưa người và phương tiện vào đào, vận chuyển cây gỗ trên. Đến khoảng 1 giờ 30 phút ngày 31/3, Công an huyện đã tiến hành lập biên bản kiểm tra và mời ông Nam về trụ sở làm việc. Tại đây, ông Nam đồng ý sẽ bảo quản, giữ nguyên hiện trạng số gỗ trên.

Sau đó, ông Nam đã có đơn gửi đến UBND xã Sa Sơn nhằm hợp thức hóa các giấy tờ liên quan đến việc trục vớt gỗ. Đến ngày 7/4, ông Nam dùng máy đào để trục vớt, vận chuyển cây gỗ trên về rẫy cao su gần đó. Khi công an huyện đến kiểm tra thì ông Nam xuất trình giấy tờ do UBND xã Sa Sơn xác nhận về việc đào, trục vớt gỗ.

Văn bản này thể hiện yêu cầu ông Nam khi trục vớt cây gỗ lên phải báo cáo về UBND xã để cử lực lượng chức năng xuống kiểm tra và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. Đồng thời nghiêm cấm khi trục vớt xong không được buôn bán, trao đổi thương mại.

Ngày 20/5, ông Nam đã cưa xẻ, vận chuyển số gỗ trục vớt được đến Xưởng đồ gỗ nội thất để gia công thì Công an huyện đã phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện Sa Thầy tiến hành kiểm tra. Tổ công tác đã thống nhất tiến hành tạm giữ toàn bộ số gỗ do ông Nam trục vớt được về bảo quản tại Công an huyện Sa Thầy để tiến hành xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định.

Theo Công an huyện Sa Thầy, sau khi trục vớt được số gỗ, ông Nam đã tự ý cưa xẻ và rao bán với số tiền là 170 triệu đồng. Tuy nhiên, giá cao, không bán được nên ông Nam đã vận chuyển đến xưởng đồ gỗ nội thất để gia công.

Công an huyện Sa Thầy cũng đã trưng cầu giám định chủng loại đối với bốn hộp gỗ xẻ và xác định toàn bộ số gỗ trên đều là chủng loại phay, thuộc nhóm 6. Hội đồng định giá tài sản xác định bốn hộp gỗ xẻ, có tổng khối lượng là 4,289 m3 trị giá trên 68 triệu đồng.

Công an xác định ông Nam đã tự ý cưa, xẻ, rao bán và vận chuyển gỗ trục vớt mà chưa được cơ quan chức năng cho phép là xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của Nhà nước. Sau khi trục vớt gỗ, ông Nam không thông báo, giao nộp cho cơ quan chức năng nên không được thưởng theo giá trị tài sản tìm thấy.

Công an huyện Sa Thầy xác định ông Nam đã có hành vi “chiếm giữ tài sản của người khác” nên đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 4 triệu đồng. Đồng thời buộc trả lại tài sản là 4 hộp gỗ xẻ đã chiếm giữ trái phép theo quy định.

Ông Nam cho biết, đã làm đơn khiếu nại do không đồng ý với quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “chiếm giữ tài sản của người khác”.

Ông Nam cho biết, đã làm đơn khiếu nại do không đồng ý với quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “chiếm giữ tài sản của người khác”.

Không được hưởng quyền lợi

Thượng tá Phan Tiến Dũng, Trưởng Công an huyện Sa Thầy cho biết, theo quy định của pháp luật, người phát hiện được gỗ nếu giá trị dưới 10 mức lương cơ bản thì sẽ thuộc cá nhân này (trường hợp gỗ không phải di sản lịch sử quốc gia). Nhưng trong trường hợp này công an định giá gỗ hơn 10 mức lương cơ bản thì thuộc sở hữu toàn dân và đại diện người sở hữu hợp pháp là Nhà nước.

Theo Thượng tá Dũng, nếu người phát hiện tự nguyện nộp và báo cáo chính quyền và được sự cho phép thì mới được hưởng quyền lợi theo quy định pháp luật. Đồng thời, nếu như chưa báo cáo chính quyền do năng lực hiểu biết thì có thể xem xét. Nhưng ở trường hợp này, cơ quan chức năng đã can thiệp, nhắc nhở nhiều lần nhưng không được nên ông Nam là người sai.

Về vấn đề này, ông Nam cho biết, đã làm đơn khiếu nại do không đồng ý với quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “chiếm giữ tài sản của người khác” của Công an huyện Sa Thầy. Theo ông, sau khi vớt gỗ đã gọi điện báo cho UBND xã Sa Sơn. Bên cạnh đó, sau 42 ngày trông coi không có cơ quan chức năng nào đến giải quyết nên mới đưa về xưởng để xử lý, làm đồ gia dụng.

Trước đó, như đã đưa tin, khi cải tạo đất ruộng thuê cho người dân xã Sa Sơn (huyện Sa Thầy) thì ông Nam phát hiện 1 cây gỗ bị vùi lấp dưới lòng đất. Ngay sau đó, ông Nam đã đến UBND xã Sa Sơn trình báo sự việc và xin phép được đào cây gỗ lên để mang về làm đồ gia dụng.

Theo ông Nam, sau đó UBND xã Sa Sơn đã đến hiện trường xác minh và lập biên bản xác định nơi phát hiện cây gỗ trên. Trong biên bản cũng nêu, sau khi trục vớt hoàn thành thì ông Nam báo cáo về UBND xã để cử lực lượng chức năng xuống kiểm tra, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Lúc này, ông Nam đã thuê nhân công, phương tiện với chi phí khoảng 90 triệu đồng để trục vớt gỗ. Đến ngày 8/4 khi cây gỗ đã được trục vớt xong ông Nam có thông báo cho UBND xã Sa Sơn biết.

Tuy nhiên, đến ngày 20/5, không thấy cơ quan chức năng đến xử lý nên ông Nam vận chuyển về một xưởng gỗ để cưa xẻ làm đồ gia dụng. Nhưng sau đó, Công an huyện Sa Thầy đã lập biên bản tạm giữ cây gỗ trên vì hồ sơ, nguồn gốc lâm sản không đầy đủ, chưa rõ ràng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ