Triển khai các gói hỗ trợ chưa đạt như kỳ vọng

GD&TĐ - Theo nhiều chuyên gia, gói an sinh mà Bộ LĐ-TB&XH đang thực hiện để hỗ trợ đối tượng ảnh hưởng do Covid-19 còn chậm. Việc giải ngân cần đúng đối tượng, không phô trương, hình thức và có giám sát chặt chẽ.

Nhiều lao động vẫn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ. Ảnh minh họa
Nhiều lao động vẫn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ. Ảnh minh họa

Khẩn trương là cần thiết nhưng phải đúng đối tượng

Theo bà Vũ Thị Lưu Mai - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khóa XIV, với gói 62 nghìn tỷ đồng, việc thực hiện chưa kịp thời.

Kết quả mới chỉ thực hiện được tương đương 36% tổng mức dự kiến. Rút kinh nghiệm ở gói cứu trợ này, gói 26 nghìn tỷ được xây dựng trên tinh thần hết sức thông thoáng.

Tuy nhiên, bà Mai cho rằng: “Đổi mới là điều hết sức trân trọng, nhưng nếu không thận trọng sẽ chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Tôi muốn nói rằng khẩn trương là cần thiết nhưng nhất định phải đúng đối tượng, không phô trương, không hình thức”.

Bà Vũ Thị Lưu Mai cũng nêu quan điểm, cần cân nhắc áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với gói cứu trợ. Bởi, trên thực tế đối với một số lĩnh vực như thuế, hải quan đã áp dụng cơ chế hậu kiểm, trong trường hợp kê khai không đúng thì sẽ truy thu, xuất toán. Nhưng đối với gói cứu trợ thì hoàn toàn khác. Vì vậy, cần cân nhắc tính hợp lý, bởi vì, khi kê khai thì người dân chỉ biết nộp hồ sơ.

Việc xác nhận tính đúng đắn đó là trách nhiệm quản lý Nhà nước, của cơ quan công quyền trong thi hành công vụ. Khi đã xuất tiền cho người dân thì mặc nhiên là công nhận tính đúng đắn.

Cũng theo bà Mai, chính sách hỗ trợ là thể hiện tính nhân văn cao cả, là hình ảnh của Chính phủ đưa bàn tay để cùng người dân đi qua khó khăn. Do vậy, việc hành xử cũng cần hết sức nhân văn.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mai Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV cho rằng: Quốc hội khóa XIV đã ban hành được rất nhiều những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai rất chậm.

Thậm chí có những chính sách chưa được triển khai do không có hướng dẫn cụ thể hoặc chưa sát với thực tiễn. Điều này vừa gây lãng phí, không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và làm giảm sút niềm tin và tính nghiêm minh của pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần tập trung tiếp tục rà soát, hướng dẫn việc thực hiện văn bản pháp luật các chính sách. Đặc biệt là những luật và chính sách mới được ban hành để đảm bảo việc thực hiện được thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, kịp thời.

Đồng thời cần khẩn trương soạn thảo, ban hành hoặc trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành những văn bản còn nợ đọng, văn bản cần sửa đổi, ban hành mới.

“Phải xác định rõ phạm vi điều chỉnh cũng như thời gian thực hiện. Đồng thời phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện” – bà Nguyễn Thị Mai Phương nhấn mạnh.

Ông Trịnh Xuân An, Thư ký Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần tập trung giải ngân các gói hỗ trợ bảo đảm đúng, đủ cho các đối tượng thụ hưởng. Nhất là đối với các đối tượng công nhân, người lao động bị mất việc làm, thu nhập. Đến nay số liệu cho thấy giải ngân của gói 26 nghìn tỷ là rất thấp. Có những nội dung chỉ đạt có 0,26%. 

Tránh lãng phí, trục lợi

Ông Nguyễn Như So - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam cho biết: Trong 6 tháng đầu năm bình quân mỗi ngày có 400 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường, tăng 2,49% trong cùng kỳ năm 2020. “Sức khỏe” của doanh nghiệp yếu đi đồng nghĩa với việc động lực cho tăng trưởng suy giảm. Vấn đề đặt ra làm thế nào để chiến thắng cả hai mặt trận Y tế và Kinh tế.

Bên cạnh những hạn chế dịch bệnh, cần có giải pháp nhằm tăng cường “sức đề kháng” của nền kinh tế, chuẩn bị đủ năng lực ứng phó dịch bệnh kéo dài. Từ đó tăng cường tiềm lực để phục hồi kinh tế ngay khi dịch bệnh được khống chế, không để nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Theo ông Nguyễn Như So, cần phải rà soát, đánh giá, nâng cao hiệu quả của gói hỗ trợ thông qua việc lựa chọn đúng trọng tâm, đúng đối tượng, phân loại ngành nghề, quy mô có điều kiện, tiêu chí. Điều này tránh lãng phí, trục lợi chính sách hỗ trợ, rủi ro về đạo đức.

“Thời gian qua, Chính phủ có rất nhiều nỗ lực trong gói kích thích kinh tế, các gói hỗ trợ, nhưng kết quả còn khiêm tốn. Các đối tượng khó tiếp cận đầy đủ các tiêu chí vì nguồn vốn hỗ trợ thì rườm rà. Đơn cử như gói hỗ trợ tiền mặt chỉ đạt 37%. Gói hỗ trợ người sử dụng vay trả lương chỉ giải ngân được 0,26% là 41 tỷ. Gói hỗ trợ thông qua chính sách tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí và tử tuất thì giải ngân được 12,1% là 786 tỷ đồng” – ông Nguyễn Như So nói.

Nói về các gói hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2020, Nghị quyết 42 triển khai gói 62 nghìn tỷ là gói hỗ trợ chưa có tiền lệ. Triển khai trong thời gian gấp, tuy chưa được như mong muốn, nhưng qua ngân sách Nhà nước và các chính sách đã hỗ trợ gần 39 nghìn tỷ cho 14,4 triệu người. Trong đó riêng về ngân sách, tiền mặt hỗ trợ trực tiếp là 13 nghìn tỷ.

Với đợt dịch thứ 4, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐ-TBXH phối hợp với các ngành chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền. Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội kịp thời ban hành Nghị quyết 68 và Quyết định 23 hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

“Qua triển khai đến nay đúng 15 ngày cho thấy, việc ban hành 12 chính sách trong Nghị quyết 68 và Quyết định 23 là kịp thời, đúng và trúng đối tượng. Gói hỗ trợ lần hai thông thoáng về hồ sơ, thủ tục được rút ngắn về thời gian. Nhìn chung cho thấy giảm 2/3 thủ tục và rút ngắn 2/3 thời gian so với Nghị quyết 42” – Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ