Tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em

GD&TĐ - Ủy ban Quốc gia về trẻ em vừa có công văn về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em.

Tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em

Mới đây, hôm 28/2, cháu bé N.P.H (sinh năm 2018) tự trèo lên lan can của ban công và sau đó bị rơi tự do từ tầng 12A chung cư thuộc phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội và được người dân kịp thời cứu giúp.

Rất may, cháu bé sống sót thần kỳ sau vụ tai nạn. Theo chia sẻ của Bệnh viện Nhi Trung ương, sức khoẻ của cháu bé ngã từ tầng 12A chung cư hiện đã tạm ổn định. Các bác sĩ mới phát hiện bé trật khớp háng, kết quả siêu âm, XQ ổ bụng cùng các xét nghiệm cận lâm sàng chưa thấy dấu hiệu bất thường.

Sự việc trên khiến nhiều người phải giật mình, bởi đây không phải là lần đầu xảy ra trường hợp trẻ con rơi từ tầng cao của các tòa nhà chung cư, mà trong thời gian dài vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thương tâm.

Vào cuối tháng 8/2020, cũng trên địa bàn Hà Nội, một bé gái 6 tuổi tử vong do rơi từ tầng 12 của toà chung cư ở phường Trung Hoà (Cầu Giấy) xuống đất.

Trước đó 1 năm, trong khi bố mẹ không có nhà, bé gái 4 tuổi sống tại tầng 25 của tòa chung cư Star Tower số 283 phố Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) đã rơi từ ban công xuống đất và tử vong trên mái che tầng 1.

Còn trong tháng 3/2019, một bé trai 4 tuổi đang chơi đùa ngoài khu vực ban công tầng 3, tòa nhà Rice City, khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) thì bất ngờ rơi xuống đất và tử vong trên đường đi cấp cứu…

Dù đã có rất nhiều cảnh báo về các vụ tai nạn thương tâm do trẻ nhỏ rơi từ nhà cao tầng, chung cư ở nhiều địa phương nhưng những vụ việc tương tự vẫn còn xảy ra, gây ám ảnh và xót xa đối với cộng đồng.

Trước tình hình trên, Bộ LĐ-TB&XH - Cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về trẻ em vừa có công văn gửi các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, TP về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.

Theo đó, yêu cầu các bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em, phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng.

Đồng thời, các đơn vị rà soát các quy định và việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học và các công trình xây dựng, khu chung cư, nhà cao tầng; Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em; Chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc khiến trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích.

Các đơn vị đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục về phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em; Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ, hộ gia đình, thôn, bản, xóm, ấp, tổ dân phố, khu dân cư, trường học, lớp học để bảo đảm an toàn cho trẻ em và thực hiện việc cải tạo, sửa chữa các vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích trẻ em;

Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã tại các khu chung cư, nhà cao tầng; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh báo, gia cố các khu vực có nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.