Số lượng của DN tư nhân chưa gắn với sự đột phá về chất lượng phát triển

GD&TĐ - Đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế tại Hội thảo quốc tế “Tài chính - kế toán thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững” do Trường ĐH Tài chính- Maketing vừa tổ chức.

 TS Hoàng Đức Long- Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính- Marketing phát biểu tại Hội thảo
TS Hoàng Đức Long- Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính- Marketing phát biểu tại Hội thảo

Số lượng DN tư nhân vẫn tăng trưởng tốt

Hội thảo được tổ chức trực tuyến cùng lúc tại nhiều đầu cầu ở Học viện Tài chính, Trường ĐH Tài chính Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Tài chính kế toán Anh và đầu cầu tại Australia (Keynote speaker).

Với hơn 140 tham luận cùng hàng trăm ý kiến đóg góp trực tiếp tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia tài chính đã cùng nhau bóc tách nhiều góc cạnh về thực trạng vai trò, đóng góp của kinh tế tư nhân (KTTN) đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nền kinh tế tư nhân trong bối cảnh hội nhập và cách mạng 4.0, tham gia các Hiệp định thương mại tư do. Điều kiện, giải pháp, định hướng phát triển kinh tế tư nhân, những nhân tố ảnh hưởng đến phát triển KTTN.

Đặc biệt các chính sách pháp lý và tài chính - kế toán và vai trò Nhà nước trong cải cách tài chính công, cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng hỗ trợ KTTN đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển; chuyển giao công nghệ tiên tiến…được các đại biểu tiệm cận ở góc nhìn trực diện nhất.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS Nguyễn Minh Phong- Học viện Tài chính cho biết: Số lượng doanh nghiệp trong khu vực KTTN cả nước gia tăng mạnh từ 655.000 năm 2017 lên 730.000 vào năm 2018 và đạt hơn 750 nghìn DN vào cuối năm 2019. Phong trào khởi nghiệp nở rộ, với khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo năm 2018. Quy mô của nhiều doanh nghiệp ngày càng mở rộng, một số doanh nghiệp đạt tổng tài sản đến hàng trăm nghìn tỉ đồng và sử dụng hàng chục nghìn lao động.

Chuyên gia quốc tế tại một điểm cầu đang chia sẻ góc nhìn về KTTN tại Việt Nam
Chuyên gia quốc tế tại một điểm cầu đang chia sẻ góc nhìn về KTTN tại Việt Nam

Trong vài năm gần đây, nhóm doanh nghiệp tư nhân có giá trị sản lượng chiếm khoảng 8% GDP cả nước, trong khi nhóm kinh tế hộ gia đình, cá thể chiếm khoảng 30%. Khu vực KTTN và khu vực kinh tế tập thể chiếm 26% giá trị xuất khẩu, 34% giá trị nhập khẩu, đóng góp 38,20% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2018.

Tuy nhiên, trên thực tế, dù số lượng doanh nghiệp tư nhân thành lập nhiều nhưng khả năng trụ vững và phát triển hiệu quả còn thấp: Sự gia tăng số lượng của doanh nghiệp tư nhân chưa gắn với sự đột phá về chất lượng phát triển.

“Khu vực KTTN đang bị phân cực, với 97% doanh nghiệp tư nhân là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (khoảng 70% số doanh nghiệp đăng ký có quy mô dưới 10 lao động và vốn đăng ký dưới năm tỉ đồng). Các doanh nghiệp có quy mô trung bình còn ít gây khó cho tích lũy vốn và công nghệ, cải thiện chuyên môn hóa, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh; cũng như tạo chuỗi liên kết giá trị lan tỏa, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và tăng trưởng.

Khu vực này vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản cả về nhận thức lẫn khung khổ pháp luật, cơ chế, chính sách và thực thi cơ chế, chính sách cũng như môi trường kinh doanh mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn chậm, nhiều bất cập; chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương, chưa thực chất trên một số lĩnh vực cũng như năng lực nội tại chưa cao của chính khu vực này.

Đa số các doanh nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn và hạn chế về điều kiện đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh, về nguồn vốn và tín dụng, về năng lực đổi mới và cơ hội tiếp thụ khoa học công nghệ, về thông tin và thị trường, về đăng ký thương hiệu, bản quyền và bảo đảm chất lượng hàng hóa, cũng như về áp lực tâm lý xã hội và thủ tục quản lý nhà nước.

Sự phân tầng trình độ công nghệ đang diễn ra trong từng ngành và trong nhiều DN; công nghệ lạc hậu, trung bình và tiên tiến cùng đan xen tồn tại; công nghệ tiên tiến, hiện đại chỉ tập trung ở một số ít DNTN, ở một số ít lĩnh vực khiến sự phát triển của khối KTTN chưa đồng bộ” – TS Phong nói.

Cần nhiều chính sách tháo gỡ tầm vĩ mô

Đồng tình với những nhận định của TS Nguyễn Minh Phong, các đại biểu tại hội thảo cho rằng Nhà nước cần có các chính sách để sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở khu vực KTTN trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Đại diện cho Trường ĐH Tài chính Quản trị kinh doanh cho rằng: Nhà nước cần có nhiều đột phá mới, táo bạo, tháo gỡ, giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập, bức xúc đang tồn tại hoặc sẽ phát sinh trong thực tiễn. Quản lý nhà nước đối với khu vực KTTN cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tự do kinh doanh theo pháp luật, bình đẳng, cùng có lợi; coi trọng định hướng, hỗ trợ, kiểm tra, kiểm soát đối với KTTN bằng chính sách, thông tin thị trường và khuyến khích quá trình tái cơ cấu kinh tế.

“Chúng ta cần thực sự đẩy mạnh cải cách nền hành chính quốc gia, sàng lọc, kiểm soát và trừng trị những kẻ nhũng nhiễu, vô trách nhiệm, sợ trách nhiệm đối với KTTN. Song song đó là kiện toàn tổ chức, nâng cao vai trò, năng lực, trách nhiệm của các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp trong bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người lao động.

Để từ đó tạo sự đồng thuận, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh trên cơ sở pháp luật và truyền thống dân tộc; giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc và trách nhiệm xã hội, bản lĩnh kinh doanh cho doanh nhân và người lao động; xây dựng một số thương hiệu chủ lực quốc gia và địa phương”- vị này nói.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS Hoàng Đức Long- Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính- Marketing cho biết: Theo chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, thì nước ta phấn đấu đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và có ít nhất 2 triệu DN vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng của KTTN cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTN đạt khoảng 55% GDP (năm 2025); 60 - 65% GDP (năm 2030). và 65 - 70% GDP (năm 2040)

Với định hướng chiến lược phát triển kinh tế ấy của Đảng và nhà nước trong thời gian qua, đã làm cho khu vực KTTN có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển năng động của nền kinh tế, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, kinh tế tư nhân đã mạnh dạn đột phá và đi đầu trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới.

Cụ thể, KTTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động. Đóng góp của khu vực KTTN trong cơ cấu GDP luôn ở mức trên 43% (so với khu vực kinh tế nhà nước 28,9% và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 18% GDP).

Tuy nhiên, KTTN chưa thực sự trở thành vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế như kỳ vọng; vẫn còn một số tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển của KTTN ở nước ta hiện nay, cụ thể: môi trường pháp lý đối với khu vực KTTN chưa hoàn thiện, nhiều quy định chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, thiếu nhất quán và chồng chéo, các DNTN còn bị đối xử chưa công bằng so với các loại hình DN khác. Một số chính sách quy định chỉ đề cập đến DN nhà nước (DNNN) mà chưa đề cập đến DNTN. Nhiều DNTN phải trả các chi phí “không chính thức” để giải quyết công việc.

Quang cảnh hội thảo quốc tế Tài chính - kế toán thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững
Quang cảnh hội thảo quốc tế Tài chính - kế toán thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững

“Những bất cập này càng khiến cho khu vực KTTN đã nhỏ lại kém phát triển. Ngoài ra năng lực sản xuất công nghiệp của khu vực KTTN còn yếu, mới chỉ ở giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển. Phần lớn sản xuất công nghiệp của các DNTN là gia công lắp ráp, sử dụng máy móc, thiết bị và nguyên liệu nhập khẩu. Các công đoạn sản xuất đưa lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, tạo kiểu dáng, marketing... phần lớn được thực hiện bởi đối tác nước ngoài.

Sự phân tầng trình độ công nghệ đang diễn ra trong từng ngành và trong nhiều DN; công nghệ lạc hậu, trung bình và tiên tiến cùng đan xen tồn tại; công nghệ tiên tiến, hiện đại chỉ tập trung ở một số ít DNTN, ở một số ít lĩnh vực. Do trình độ công nghệ thấp, các DNTN không có khả năng kết nối cũng như tham gia ngành công nghiệp hỗ trợ cho các DN lớn, nhất là không thể tận dụng được hiệu ứng lan tỏa từ các DN FDI đang tăng trưởng nhanh.

Những hạn chế này cần được Nhà nước nhanh chóng tháo gỡ bằng những chính sách cụ thể để thúc đẩy sự phát triển của khu vực này”- TS Hoàng Đức Long nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...