Kinh tế tư nhân: Bao giờ phát huy được tiềm năng?

GD&TĐ - “Tại sao cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đã và đang được Đảng, Chính phủ quan tâm khuyến khích phát triển hết mức, đặc biệt là phong trào khởi nghiệp, mà thực tế không được như mong muốn, nguyên nhân tại đâu?” – đó là câu hỏi không dễ giải đáp, ngay cả đối với các chuyên gia và những nhà hoạch định kinh tế.

Phần lớn DN tư nhân vẫn chưa tận dụng được các ưu đãi cũng như cơ hội thị trường để vươn mình phát triển
Phần lớn DN tư nhân vẫn chưa tận dụng được các ưu đãi cũng như cơ hội thị trường để vươn mình phát triển

Khó vốn, khó cả đất đai

Người nêu ra câu hỏi trên là ông Nguyễn Quang Vĩnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) huyện Kiến Xương (Thái Bình), trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân vừa diễn ra tại Hà Nội, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức, mang chủ đề “Thực hiện Nghị quyết số 10 NQ/TW tiếp tục hoàn thiện môi trường phát triển kinh tế tư nhân”.

Để bổ sung thêm cho câu hỏi của mình, ông Nguyễn Quang Vĩnh đã nêu lên thực trạng bức tranh không mấy sáng sủa của phong trào khởi nghiệp tại địa phương, trước khi đi vào phân tích:

“Để cộng đồng DN phát triển tốt, phong trào khởi nghiệp đi vào cuộc sống, kinh tế tư nhân phát triển cần phải có vốn. Song tình trạng trên là một nghịch lý đang hiện hữu vừa gây khó khăn cho DN và càng gây khó khăn cho Quỹ Tín dụng nhân dân. Trong khi quỹ này cũng là loại hình DN hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ thì cũng không giúp gì được DN, mà bản thân quỹ thì cũng không thể mở rộng phát triển vì những vướng mắc trong khuôn khổ pháp lý khiến họ không giải ngân cho vay DN được”.

Từ thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Giải pháp Công nghệ CNC (CNC Tech) cho rằng, DN tư nhân thiếu cơ hội tiếp cận đất đai. “Hầu hết các DN tư nhân hiện nay đều thực sự rất khó khăn, thậm chí là không có khả năng và cơ hội trong tiếp cận ưu đãi về đất đai của Nhà nước.

Trong khi ở chiều ngược lại, nhiều DN Nhà nước và khu vực DN FDI lại được ưu tiên nhiều hơn là một bất cập rất lớn khiến khu vực DN tư nhân trong nước vốn đã yếu thế và kém cạnh tranh lại càng khó có cơ hội để vươn lên phát triển được” - ông Nguyễn Văn Hùng nói.

Không thể đổ lỗi cho cơ chế

Cũng bày tỏ sự băn khoăn về hạn chế phát triển của cộng đồng DN tư nhân, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Nghiên cứu, đến từ Công ty Nghiên cứu thị trường

VietAnalytics lấy dẫn chứng kết quả nghiên cứu gần đây về các rào cản đối với khu vực DN tư nhân của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân vẫn tiếp tục gặp nhiều rào cản gia nhập ngành, khó tiếp cận vốn ngân hàng và gặp nhiều khó khăn liên quan đến các thủ tục thuế và hải quan.

Cụ thể, xác suất hồ sơ xin vay vốn được chấp nhận giải ngân sẽ bị giảm khoảng 23,7 đến 26 điểm phần trăm nếu DN nộp hồ sơ thuộc DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, sẽ tăng khoảng từ 2,3 đến 2,8 điểm phần trăm nếu đó là DN thuộc sở hữu Nhà nước.

Tính toán từ mẫu điều tra 699 DN của Báo cáo cho thấy, khu vực tư nhân phải tiêu tốn nhiều thời gian cho các thủ tục này nhiều hơn so với khu vực DN Nhà nước. Có tới 34,1% DN khu vực tư nhân phản ánh phải bỏ ra trên 20% thời gian trong một tháng để giải quyết các thủ tục thuế và hải quan, trong khi con số này ở khu vực DN Nhà nước chỉ là 14,7%.

Ngoài ra, theo ông Minh, khu vực KTTN cũng gặp phải những thách thức tương tự như các DN khác trong nước như về vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, chi phí lương và bảo hiểm ngày càng cao, chi phí logistics lớn... “Đây là những thách thức cần phải giải quyết để giúp DN tư nhân Việt Nam cạnh tranh được với các DN trên thế giới” - chuyên gia Đinh Tuấn Minh nhấn mạnh.

Tham luận tại diễn đàn nêu trên, TS Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cũng cho rằng, sau hơn 3 thập niên đổi mới, kinh tế tư nhân Việt Nam đã có sự phát triển đáng khích lệ, nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì vẫn còn nhiều hạn chế, và nếu so với các nước trong khu vực thì vẫn chưa có nhiều đột phá.

Bên cạnh yếu tố quản lý Nhà nước, có nguyên nhân quan trọng là bản thân nhiều DN Việt chưa đáp ứng được 5 yếu tố quyết định của DN, bao gồm chiến lược kinh doanh, quản trị DN, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý lao động và đào tạo nguồn nhân lực.

“Dù Chính phủ có tạo điều kiện lớn đến đâu đi chăng nữa, nếu bản thân các doanh nhân, DN không tự làm mới mình thì cũng rất khó để chúng ta chứng kiến bước đột phá trong ngắn và trung hạn” - TS Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm.

Trên thực tế, môi trường kinh doanh còn chưa thực sự thuận lợi, nhiều rào cản vướng mắc từ thực tiễn sản xuất kinh doanh, cơ hội tiếp cận với tư liệu sản xuất là vốn và đất đai hầu như rất thấp… là những thách thức lớn cản trở sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, khiến khu vực này dù đặt nhiều kỳ vọng về tiềm năng phát triển song mãi vẫn chưa thể lớn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ