Nhiều địa phương thu hồi dự án “treo niêu – giữ đất”

GD&TĐ - Luật Xây dựng sửa đổi 2020 chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2021. Nhiều chính quyền đã căn cứ vào đó, quyết liệt trong việc thu hồi các dự án chậm triển khai.

Người dân sống tại khu quy hoạch ga Bình Triệu (quận Thủ Đức). Dự án vẫn treo 14 năm qua.
Người dân sống tại khu quy hoạch ga Bình Triệu (quận Thủ Đức). Dự án vẫn treo 14 năm qua.

Việc này được kỳ vọng sẽ chấm dứt nỗi khổ “dự án treo” cho người dân. 

Nhiều địa phương thu hồi dự án treo

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TPHCM cho biết, năm 2020 đã rà soát 2.822 dự án. Phát hiện có tới 180 dự án (813 ha đất) không thực hiện kế hoạch sử dụng đất trong 3 năm, nên buộc phải thu hồi.

Nhiều dự án thu hồi thuộc dạng khủng, bị ngâm rất lâu, địa thế đắc địa. Có thể kể như dự án 235B, Nguyễn Văn Cừ, Quận 5 của Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật, Bộ Công an rộng 1,5 ha. Dự án cao ốc văn phòng, Trung tâm mua sắm rộng 0,98 ha tại số 64 Đồng Khởi, Quận 1. Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, Quận Bình Thạnh bị “treo” suốt 26 năm...

Tương tự, trong các năm 2019, 2020, TP Hà Nội cũng đã tiến hành thu hồi hơn 30 “dự án treo” trong tổng số hơn 300 dự án chậm triển khai kế hoạch sử dụng đất. Đơn cử, Sở KH&ĐT Hà Nội vừa ban hành quyết định chấm dứt hoạt động của dự án khu nhà ở để bán tại thôn Mễ Trì Thượng, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm (nay là phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Đây là dự án được UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư tháng 6/2008 cho Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Việt Nam.

Trước đó, Sở KH&ĐT Hà Nội cũng đã ký quyết định chấm dứt hoạt động đầu tư dự án nhà ở thương mại tại ô đất D2-CT1, khu vực Bắc Cổ Nhuế - Chèm, quận Bắc Từ Liêm do Công ty CP quốc tế Sơn Hà làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch trong, năm 2021, TP Hà Nội sẽ rà soát lại một lần nữa kế hoạch sử dụng đất tại hơn 300 dự án trên và sẽ quyết liệt thu hồi.

Đồng Nai cũng là địa phương có quyết định thu hồi “dự án treo” đứng đầu trong các địa phương. UBND tỉnh này đã quyết định hủy bỏ, thu hồi 326 dự án chậm triển khai sử dụng đất hơn 3 năm. Trong đó, TP Biên Hòa có số dự án bị đề nghị hủy bỏ nhiều nhất, lên tới 89, chiếm tỷ trọng 27%. Huyện Xuân Lộc và TP Long Khánh có lượng lớn dự án bị đề nghị hủy bỏ, lần lượt là 48 và 43 dự án.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chấm dứt khoảng 179 dự án chậm triển khai, tính từ năm 2014 đến nay. Tỉnh này cũng chấm dứt hiệu lực pháp lý 69 văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó có 45 dự án du lịch do nhà đầu tư không thực hiện theo quy định.

Theo ông Trần Phương Long - Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng Sao Việt, TPHCM, các “dự án treo” lâu năm phần lớn đều do vướng trong thủ tục đầu tư, hết thời gian sử dụng đất. Công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, khó khăn trong huy động vốn, chưa thu hút được nhà đầu tư.

Một số dự án chưa nộp tiền thuê đất và san lấp mặt bằng. Nhà đầu tư chưa tập trung triển khai dự án. Một số nhà đầu tư không có khả năng thực hiện dự án. Một số dự án gặp khó khăn về giao thông kết nối.

“Trong quá trình rà soát, xem xét, các địa phương cần khách quan. Tạo điều kiện cho những DN mong muốn làm dự án thật sự, có tiềm lực tài chính nhưng gặp khó khăn. Ngược lại, với những DN không đủ năng lực, cố tình ôm đất thì cần kiên quyết thu hồi, tránh tình trạng lãng phí” - ông Long nói.

Kiên quyết với dự án chậm, “treo”

Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ TN&MT phối hợp với các địa phương rà soát, quyết liệt thu hồi “dự án treo” lâu năm theo Nghị quyết 82/2019, nhất là khi Luật Xây dựng sửa đổi 2020 chính thức có hiệu lực vào năm 2021.

Thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Bộ TN&MT, tháng 12/2020, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã công bố chấm dứt hiệu lực thực hiện nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đề xuất đầu tư 296 dự án khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp tại địa phương. Phần lớn các dự án này được chấp thuận chủ trương khảo sát, chủ trương đầu tư thuộc giai đoạn 2015 - 2020.

Danh mục dự án có nhiều khu dân cư, khu đô thị như khu dân cư Trà Bồng (chủ đầu tư Cienco 5); khu dân cư phía Bắc đường Hồ Quý Ly (liên danh công ty 179 và Nhà Thủ Đức); khu dân cư Kỳ Xuyên Bắc (Black Soil Việt Nam); khu dân cư Hiền Lương (Đất Xanh Đà Nẵng)…

“Để tiếp tục xử lý tình trạng quy hoạch treo, các địa phương phải có lộ trình cụ thể. Lập kế hoạch đầu tư phải bố trí đủ nguồn lực. Bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến quy hoạch, thực hiện đầy đủ lấy ý kiến người dân, chuyên gia trong quá trình lập quy hoạch, tăng cường giám sát thực hiện…

Việc TPHCM quyết liệt thu hồi 180 dự án treo hơn 3 năm hay như Đồng Nai thu hồi hơn 320 dự án, Đà Nẵng chấm dứt pháp lý đầu tư 201 dự án… cho thấy rõ định hướng và sự quyết liệt trong việc chấm dứt tình trạng “dự án treo” của Thủ tướng” - Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nói.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), việc các địa phương có hàng trăm “dự án treo” hàng chục năm không thể triển khai gây lãng phí quỹ đất, ngân sách. Nguyên nhân chủ yếu do năng lực tài chính của chủ đầu tư không đủ mạnh.

Hoặc chủ đầu tư gặp khó về thủ tục pháp lý, công tác đền bù giải phóng mặt bằng… Tuy nhiên, không thể phủ nhận nhiều trường hợp cố tình chây ì không triển khai dự án. Ôm đất để chờ sang nhượng lại dự án khi giá đất lên chứ không có chủ tâm và mục tiêu thực hiện.

“Thực tế, liên quan tới việc xử lý dự án “treo”, quy hoạch “treo”, Quốc hội có ban hành Nghị quyết 82/2019 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Nghị quyết nêu rõ Chính phủ yêu cầu các địa phương kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với những dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ, đã bị chấm dứt chủ trương đầu tư, sử dụng đất sai mục đích...

Nếu các địa phương làm nghiêm và quyết liệt chắc chắn tình trạng “treo niêu - giữ đất” sẽ không thể tồn tại. Tuy nhiên, trong thực tế không ít địa phương vẫn còn tình trạng nể nang, thiếu quyết liệt với “dự án treo” lâu năm” - ông Châu nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ