“Đà Nẵng sẽ tăng tốc, sớm khẳng định vị thế ở miền Trung”

GD&TĐ - Ngày 7/12, HĐND TP Đà Nẵng tổ chức kỳ họp thứ 16 HĐND TP khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021. Tại kỳ họp các đại biểu HĐND thành phố sẽ biểu quyết thông qua nhiều nghị quyết quan trọng.

 Ông Nguyễn Nho Trung – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu khai mạc kỳ họp.
Ông Nguyễn Nho Trung – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu khai mạc kỳ họp.

Đặc biệt, các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng cũng bỏ phiếu miễn nhiệm và bầu một số lãnh đạo chủ chốt của thành phố.

Tăng trưởng âm 9,77%

Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Nguyễn Nho Trung – Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho hay, kỳ họp chúng ta diễn ra trong thời điểm kết thúc giai đoạn 2015-2020. Tuy nhiên, cũng là thời điểm thành phố đối diện với những hậu quả vô cùng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai bão lụt…đã tác động rất lớn đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà chúng ta đã đặt ra.

“Có thể nói trong bối cảnh đó, thành phố đã thực sự bản lĩnh vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và thiên tai bão lụt vừa nỗ lực duy trì sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, giữ vững an ninh trật tự, từng bước khôi phục kinh tế - xã hội.

Mặc dù nhiều chỉ tiêu năm 2020 không đạt kế hoạch nhưng chúng ta vẫn vững tin với nền tảng đã được tạo dựng, Đà Nẵng chúng ta sẽ tăng tốc, sớm khẳng định được vị thế của mình đối với khu vực miền Trung và cả nước”, ông Trung nhấn mạnh.

Ông Trung cho hay, với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm trước cử tri thành phố, nhất là qua đại dịch và thiên tai chúng ta cũng nhận thức sâu sắc những tồn tại, bất cập trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố theo đó lần đầu tiên tăng trưởng âm 9,77%, thu ngân sách đạt 70%, một số chủ trương lớn chưa được triển khai hiệu quả, việc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm, giải ngân đầu tư công dù đã rất nỗ lực nhưng con số đến thời điểm này còn khá khiêm tốn so với kế hoạch…;

Các bức xúc kéo dài trên một số lĩnh vực đời sống xã hội như: ô nhiễm môi trường, an ninh nguồn nước, ùn tắc giao thông…chưa được xử lý dứt điểm, trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp; tinh thần trách nhiệm, tâm huyết vì sự phát triển của thành phố trong một số cán bộ, công chức chưa cao…

3 kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2021

Du khách tham quan tại Sun World Ba Na Hills (TP Đà Nẵng). Ảnh tư liệu.
Du khách tham quan tại Sun World Ba Na Hills (TP Đà Nẵng). Ảnh tư liệu.

Trình bày báo cáo kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, năm 2020, bên cạnh những khó khăn, thách thức, thành phố Đà Nẵng có thuận lợi cơ bản để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian đến. Theo đó, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND thành phố đã đề ra 3 kịch bản tăng trưởng năm 2021.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, đối với kịch bản 1, ngay từ đầu năm 2021, kinh tế thành phố phục hồi nhanh, tốc độ tăng GRDP năm 2021 đạt 8,5-9%, phấn đấu tổng giá trị tăng thêm của các khu vực: dịch vụ, công nghiệp và xây dựng tương đương với kết quả năm 2019. Tốc độ tăng của dịch vụ là 7-8%; công nghiệp và xây dựng là 8-9%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là 3-4%.

Trong đó, một số ngành sẽ phải tăng mạnh ở mức trên 20% như: vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú, ăn uống và trên 10% như: hoạt động dịch vụ khác và một số ngành công nghiệp khác do đã giảm khá sâu trong năm 2020. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8-9%; số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ đạt khoảng 7,5-8 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa khoảng 4,5-5 triệu lượt; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành tăng trên 150% so với năm 2020; tổng vốn đầu tư phát triển tăng 8,5-9%, trong đó vốn đầu tư công do địa phương quản lý đạt khoảng 9.600 tỷ đồng.

Về kịch bản 2, trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế thành phố phục hồi chậm và bắt đầu tăng tốc từ quý 3 năm 2021. Tốc độ tăng GRDP năm 2021 đạt trên khoảng 5-6%, tổng giá trị tăng thêm của các khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng đạt thấp hơn năm 2019 và cao hơn năm 2018.

Tốc độ tăng của dịch vụ là 4-5%; công nghiệp và xây dựng là 7-8%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là 3-4%. Trong đó, một số ngành sẽ phải tăng mạnh ở mức khoảng 10% như: vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động dịch vụ khác do đã giảm khá sâu trong năm 2020.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7-8%; số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ đạt khoảng 5 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa khoảng 4 triệu lượt; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành tăng trên 70% so với năm 2020. Tổng vốn đầu tư phát triển tăng khoảng 6%, trong đó vốn đầu tư công do địa phương quản lý đạt khoảng 9.240 tỷ đồng.

Đối với kịch bản 3: năm 2021, kinh tế thành phố vẫn phục hồi chậm, chỉ có thể tăng tốc từ quý 4 năm 2021. Tốc độ tăng GRDP năm 2021 đạt khoảng 3-3,5%, tổng giá trị tăng thêm của các khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng đạt xấp xỉ năm 2018. Tốc độ tăng của dịch vụ là 2-3%; công nghiệp và xây dựng là 5-6%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là 3-4%.

Trong đó, hầu hết các ngành đều tăng trưởng ở mức thấp, một số ngành có thể tiếp tục tăng trưởng âm do chưa thể phục hồi và tiếp tục nhận tác động tiêu cực từ Covid-19. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 6-7%; số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ đạt khoảng 3 triệu lượt khách, trong đó hầu hết là khách nội địa; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành tăng 7-10% so với năm 2020. Tổng vốn đầu tư phát triển tăng 3-4%, trong đó vốn đầu tư công do địa phương quản lý đạt khoảng 9.000 tỷ đồng. 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho rằng, xu hướng chung là các quốc gia đều mong muốn kiểm soát được dịch bệnh, tuy nhiên tại nhiều quốc gia, các quyết định đều được xem xét, cân nhắc một cách rất thận trọng vì việc bãi bỏ những biện pháp hạn chế rủi ro quá sớm có thể kéo theo một đợt bùng phát dịch mới. Kịch bản 1 là lý tưởng, song hiện vẫn có 400-500 ngàn người mắc bệnh và 6-7 ngàn người tử vong mỗi ngày nên kịch bản 3 cũng hoàn toàn có thể xảy ra.

Vì vậy, kịch bản 2 là lựa chọn phù hợp; đồng thời khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, thành phố sẽ phấn đấu để đạt các chỉ tiêu tăng trưởng theo kịch bản 1.

“Đặt ra chỉ tiêu nhiệm vụ cho sát với thực tế”

Đà Nẵng cũng đề ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2021. Ảnh tư liệu.
Đà Nẵng cũng đề ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2021. Ảnh tư liệu.

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai nghị quyết đại hội Đảng bộ lần thứ 22 với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cấp, các ngành cần phải tập trung cao đô, khẩn trương thực hiện quyết liệt các giải pháp, thúc đẩy kinh doanh, nhanh chóng khôi phục tăng trưởng kinh tế.

“Vừa qua, hội nghị Thành ủy lần thứ 2 (nhiệm kỳ 2020 – 2025), đã bàn mục tiêu tăng trưởng của chúng ta cố gắng phấn đấu trên 6%. Và nếu mục tiêu này đạt được thì chúng ta cũng chỉ phát triển bằng năm 2018.

Như vậy. chúng ta tụt giảm khoảng 3 năm. Đây là một khó khăn rất lớn nhưng cũng là mốc cần có sự phấn đấu với quyết tâm cao mới đạt được. Vì vậy, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, nhìn thấy khó khăn thách thức để chúng ta đặt ra chỉ tiêu nhiệm vụ cho sát với thực tế”-  Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói.

Ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị các đại biểu HĐND TP cần tập trung phân tích kỹ, đánh giá toàn diện những mặt đạt được, chỉ ra những nguyên nhân các hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ trong năm 2020. Từ đó, đề xuất các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2021, giai đoạn 2021 – 2026, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.

“Trong năm 2021, TP cần rà soát điều chỉnh, ban hành các cơ chế, chính sách cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút mạnh các tập đoàn kinh tế lớn. Quyết liệt triển khai thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công. Đây là giải pháp quan trọng để chúng ta vượt qua khó khăn khi đầu tư xã hội bị ngưng trệ do ảnh hưởng dịch bệnh, thiên tai” – ông Quảng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Quảng, HĐND TP cần tập trung đề xuất và quyết định các giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý đất đai của các dự án tồn đọng, kéo dài, giúp khơi thông nguồn lực, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách và quan trọng hơn là khắc phục tình trạng để lãng phí nguồn lực cho nhà nước, xã hội và doanh nghiệp, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư chân chính, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Qua đó góp phần tạo những động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho hay, trong năm qua, khó khăn của thành phố trong phát triển kéo theo khó khăn trong việc thu ngân sách. Tuy nhiên, trong thu ngân sách có một điểm sáng đó là thu từ đất vượt 36% hoàn toàn không phải đấu giá các khu đất mới mà do tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tạo ra cơ chế để các nhà đầu tư cũ nộp tiền sử dụng đất. Đây là cũng là giải pháp các đại biểu cần suy nghĩ quan tâm để tạo ra sự thúc đẩy mới.

Kiện toàn chức danh Chủ tịch HĐND TP và UBND TP

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp lần này là HĐND TP xem xét miễn nhiệm và bầu các chức danh Chủ tịch HĐND TP, Chủ tịch, 1 Phó chủ tịch UBND TP và một số Ủy viên UBND TP.

“Ban Thường vụ Thành ủy tin tưởng, kỳ vọng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt HĐND TP và UBND TP được kiện toàn tại kỳ họp sẽ có tín nhiệm cao của các đại biểu HĐND TP, của cử tri và nhân dân TP, luôn đặt lợi ích của người dân và TP lên hàng đầu trong thực thi nhiệm vụ để xây dựng TP.Đà Nẵng như mục tiêu nghị quyết đại hội lần thứ 22 Đảng bộ TP đề ra”, ông Quảng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crossetto

Italia cảnh báo ông Zelensky

GD&TĐ - Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crossetto đã cảnh báo Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky chống lại cuộc phản công năm 2023.
Minh họa/INT

Ngộ độc từ bánh mì

GD&TĐ - Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện gửi các tỉnh, thành phố về việc triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.