Cao Bằng thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững

GD&TĐ - Nhờ xây dựng chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù góp phần giúp đỡ người nghèo ở các huyện trên địa bàn, đến nay đời sống người dân Cao Bằng về cơ bản đã phát triển ổn định, tạo động lực mới trong công tác giảm nghèo thực hiện công bằng xã hội...

Phụ nữ dân tộc Lô Lô, xóm Khuổi Chủ, xã Hà Thượng, huyện Bảo Lạc vay tín dụng từ Ngân hàng chính sách
Phụ nữ dân tộc Lô Lô, xóm Khuổi Chủ, xã Hà Thượng, huyện Bảo Lạc vay tín dụng từ Ngân hàng chính sách

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2010 – 2020, ngân sách Trung ương hỗ trợ cho Cao Bằng là 2.605,92 tỷ đồng. Nguồn ngân sách của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước với số tiền là 37,892 tỷ đồng.

Từ nguồn kinh phí đã hỗ trợ đó, đã xây dựng được 4 trường học, 1 nhà văn hóa, 1 trạm y tế, 38 đường giao thông nông thôn, 27 nhà ở cho hộ nghèo. Cấp học bổng cho học sinh các huyện miền núi, tập huấn kỹ thuật trồng cây thuốc lá, hỗ trợ xây dựng lò sấy, kỹ thuật phát triển trồng cây thuốc và chuyển đổi các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Ngoài ra, Cao Bằng đã vận động nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp, cộng đồng và các đoàn thể địa phương 90,958 tỷ đồng để trợ giúp cho 5 huyện nghèo xây dựng 11 điểm trường gồm 98 phòng học, 147 phòng ký túc xá, nhà bếp, 1 trạm y tế, 2 xe cứu thương, 1 nhà văn hóa công cộng.

Xây dựng nhà ở, công trình cấp nước sinh hoạt, công trình nhà vệ sinh đạt chuẩn, tặng bò cho 150 gia đình, hỗ trợ 612 họ nghèo làm nhà, mua vật nuôi, phân bón, giống cây trồng…

Theo thống kê mới nhất của tỉnh Cao Bằng, đến nay thông qua chính sách hỗ trợ khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng số diện tích rừng giao cho người dân là 56.094,8 ha. Trong đó, đã có 5/5 huyện tiến hành quy hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

Đồng thời, giúp đỡ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, hỗ trợ vắc xin phòng, chống dịch bệnh động vật cho 05 huyện nghèo thực hiện tiêm phòng hoàn thành 100% kế hoạch năm (gồm Vắc xin lở mồm long móng, Vắc xin Tụ huyết trùng trâu bò, Vắc xin dịch tả lợn, vắc xin Nhiệt thán).

Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019 Cao Bằng đã thực hiện được 15 đề án khuyến công. Trong đó, tiến hành đào tạo nghề, bồi dưỡng kiến thức vận hành sử dụng điện, sử dụng sửa chữa máy nông cụ và mô hình trình diễn máy cắt lúa…Duy trì và thực hiện tốt cung cấp thông tin, văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành thuộc lĩnh vực công thương. Nhân rộng mô hình giảm nghèo triển khai 29 mô hình đến 2.293 hộ dân.

Về chính sách giáo dục, đào tạo nâng cao dân trí triển khai thực hiện quy định miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, từ năm học 2010 đến năm 2015, tỉnh đã thực hiện miễn giảm học phí cho 84.340 lượt học sinh. Tổ chức 66 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho trên 6.522 lượt cán bộ, tổ chức đào tạo nghề cho 6.011 lượt lao động.

Ngoài ra, thực hiện chính sách tăng cường, thu hút cán bộ, trí thức trẻ đối với các huyện nghèo, dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã tại 62 huyện nghèo, tỉnh Cao Bằng đã tuyển chọn được 44 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch của 41 xã, 3 thị trấn thuộc 5 huyện.

Đến nay, việc thực hiện chương trình giảm nghèo ở Cao Bằng đã đạt được nhiều kết quả nhất định, từ các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm đã từng bước giúp người dân tại các huyện nghèo có điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình. Phát huy được hiệu quả nguồn vốn tạo việc làm tăng thu nhập cho gia đình, nhiều hộ từ hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ khá giả.

Các công trình cơ sở hạ tầng cũng đã từng bước đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của người dân như: đường giao thông, điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế đạt chuẩn...tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thông thương hàng hóa thuận lợi, đời sống của nhân dân tại các huyện nghèo đã dần được cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định cần khắc phục như công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục, nguồn vốn hỗ trợ còn thấp, một bộ phận người nghèo còn trông chờ, ỷ lại, thiếu quyết tâm vươn lên thoát nghèo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ