Cần tạo môi trường việc làm và sinh kế cho người cao tuổi

GD&TĐ - Hiện, nhiều người đến tuổi hưu nhưng vẫn khỏe và minh mẫn, có thể tiếp tục làm việc. Bên cạnh đó, một bộ phận người cao tuổi không có lương hưu muốn đi làm để có tiền trang trải cuộc sống.

Số đông người cao tuổi mong muốn có việc làm để bảo đảm thu nhập và tránh lệ thuộc vào con cháu.
Số đông người cao tuổi mong muốn có việc làm để bảo đảm thu nhập và tránh lệ thuộc vào con cháu.

Hơn 70% người cao tuổi không có lương hưu và trợ cấp

Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam hiện có gần 13 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 13,6% tổng dân số. Trong đó, số người trên 65 tuổi trở lên là hơn 8,4 triệu người, chiếm tỷ lệ 8,9%. Số trên 80 tuổi xấp xỉ là 2 triệu, chiếm 17,6% tổng số người cao tuổi. Có 3,1 triệu người đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội…

Tuổi thọ trung bình của Việt Nam cũng tăng từ 68,6 tuổi (năm 1999) lên tới 73,2 tuổi (năm 2014). Dự báo sẽ tăng lên tới 78 tuổi (2030) và 80,4 tuổi vào năm 2050. Đến năm 2050, tỷ lệ người cao tuổi ở nước ta sẽ tăng lên khoảng 27 triệu người, chiếm 1/4 tổng dân số cả nước.

Nguồn sống của người cao tuổi Việt Nam khá đa dạng. Từ lao động của chính bản thân người cao tuổi, lương hưu trợ cấp và của cải tích lũy từ khi còn trẻ và do con cháu chu cấp. Tại khu vực thành thị, lương hưu hoặc trợ cấp là nguồn sống chính của 35,6% người cao tuổi. Chỉ 21,9% người cao tuổi ở nông thôn được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp. 35,2% người cao tuổi ở nông thôn phải tự lao động để kiếm sống. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 17,5%.

Người cao tuổi thành thị có lương hưu/trợ cấp và tích lũy cao hơn 1,5 lần so với nông thôn. Ngược lại nguồn sống của người cao tuổi nông thôn từ lao động của chính mình cao hơn gấp 2 lần người cao tuổi thành thị. Nhiều người cao tuổi phải sống dựa vào nguồn tài chính do con cháu trợ cấp. Người cao tuổi càng cao thì sự lệ thuộc vào chu cấp của con cháu càng lớn.

Người cao tuổi tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó khoảng 70% người cao tuổi Việt Nam sống ở nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp. Trên 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất. Chưa đầy 30% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội.

Tạo môi trường việc làm cho người cao tuổi

TS Nguyễn Hải Hữu là Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam. Ông cho biết, những lao động cao tuổi tiếp tục làm việc xuất phát từ nhu cầu tăng thêm thu nhập phục vụ cho cuộc sống. Bên cạnh đó, khi tham gia vào thị trường lao động, người cao tuổi có một vị trí đặc biệt.

Họ là những người có kinh nghiệm và các kỹ năng để làm việc tốt nhất đã được tích lũy qua thời gian. Bên cạnh đó là ý thức chấp hành, sự am hiểu pháp luật tốt hơn, ít bị tai nạn lao động hơn... Khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số, việc sử dụng người lao động cao tuổi rất cần thiết.

Có nhiều công việc phù hợp với người cao tuổi mà không ảnh hưởng tới nguồn cung việc làm của người trẻ. Họ có thể tham gia làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp từ cổng vào như bảo vệ đến những công việc hành chính, phục vụ, kho, quản lý… Thậm chí, trong nhiều nhà máy của các doanh nghiệp, những dây chuyền sản xuất cũng có sự tham gia của người lao động cao tuổi. Dù chỉ làm những công việc giản đơn, nhưng họ làm rất tỉ mỉ. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp cho biết, trong tương lai, nhu cầu sử dụng lao động cao tuổi còn có thể nhiều hơn.

Theo TS Trần Ngọc Diễn – Tổng Biên tập Tạp chí Lao động Xã hội, để người cao tuổi tìm được công việc phù hợp lại không phải dễ dàng. Các quy định về lao động lớn tuổi khá hạn chế. Thị trường lao động dành riêng cho đối tượng này chưa được hình thành.

Đa số người cao tuổi có nhu cầu không biết tìm việc làm ở đâu. Cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với sức khỏe không nhiều. Trên các website tuyển dụng hiện nay, giới hạn tuổi mà nhà tuyển dụng yêu cầu thường từ 18 - 35 tuổi. Người lao động trong nhóm từ 45 tuổi trở lên có rất ít lựa chọn việc làm. Nhóm từ 60 tuổi trở lên hầu như không có việc làm qua các kênh tuyển dụng chính thức.

Vừa qua, tác động của đại dịch Covid-19 khiến cuộc sống người cao tuổi thêm khó khăn. Nhiều người cao tuổi bị mất sinh kế, thu nhập giảm sút nghiêm trọng.

Chính vì vậy, việc phát huy sinh kế và khởi nghiệp cho người cao tuổi, trong bối cảnh hiện nay được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách. Nó bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi. Nó cũng giúp tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội của đất nước. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ