Khuyến khích tư nhân tham gia chăm lo đời sống người cao tuổi

GD&TĐ - Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hóa dân số với gần 11,5 triệu người cao tuổi. Để bảo đảm an sinh xã hội, rất cần những chính sách thu hút các nguồn lực tham gia chăm lo đời sống người cao tuổi.

Cần thêm các chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư các cơ sở chăm sóc người cao tuổi.
Cần thêm các chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư các cơ sở chăm sóc người cao tuổi.

Theo Bộ LĐ-TB&XH năm 2019 cả nước có khoảng 11,41 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số, trong đó có 7.294.100 người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn, chiếm 64%.

Ngân sách Nhà nước đã dành hơn 17.517 tỷ đồng trợ giúp xã hội cho người cao tuổi bao gồm trợ cấp hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế, khoảng 10.000 người cao tuổi đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

Đồng thời, có khoảng 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp người có công; trên 3,1 triệu người người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Đến cuối năm 2019, cả nước có hơn 1,24 triệu người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, tổ chức đoàn thể; có địa phương có đến 70-80% người cao tuổi làm Bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng bản.

Các loại quỹ của người cao tuổi ở các cấp tiếp tục có sự tăng trưởng, góp phần tích cực chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi. Đến nay, cả nước có 62/63 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò người cao tuổi ở 9.453 xã, phường, thị trấn, đạt 84% So với tổng số xã, phường, thị trấn cả nước. Nhiều tỉnh triển khai tốt như Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Tây Ninh.

Đáng chú ý, hiện nay, một số tỉnh, thành phố nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội cao hơn mức chuẩn quy định như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh…

Trong quá trình thực hiện các chính sách cho người cao tuổi vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm thực hiện chính sách pháp luật đối với người cao tuổi. Đời sống người cao tuổi còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước; mức trợ cấp xã hội thấp.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp người cao tuổi hạn chế, công tác xã hội hóa gặp nhiều khó khăn. Công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu bất cập; khó khăn trong bố trí nguồn kinh phí khám chữa bệnh định kỳ tại cơ sở. Kinh phí hỗ trợ hoạt động các cấp Hội hạn chế. Nguồn nhân lực làm công tác người cao tuổi chưa hiệu quả; công tác thông tin chậm…

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong năm 2020, các bộ, ngành sẽ tập trung chuẩn bị văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Bộ luật Lao động có hiệu lực từ 1/1/2021, với những điểm mới đối với người lao động cao tuổi; đồng thời tiến tới triển khai cải cách bảo hiểm xã hội theo mô hình lưới đa tầng.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trên thực tế, số người cao tuổi không nơi nương tựa, rối loạn tâm thần… có xu hướng gia tăng nhưng các cơ sở công lập không đủ khả năng tiếp nhận. Bộ trưởng đề xuất, cần có các chính sách, cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư các cơ sở chăm sóc người cao tuổi như hỗ trợ miễn giảm thuế; ưu tiên cho thuê đất, cấp đất; ban hành khung giá dịch vụ.

Tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện công tác chăm sóc người cao tuổi, chỉ rõ những nơi làm chưa tốt, có biện pháp xử lý, nhắc nhở, thực hiện theo luật định. Nghiên cứu chính sách thu hút các nguồn lực xã hội vào hoạt động chăm sóc người cao tuổi, khuyến khích tham gia đầu tư các cơ sở chăm sóc và các hoạt động phát huy vai trò người cao tuổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ