Kinh tế - xã hội phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng

GD&TĐ -  Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Kinh tế nhiều "điểm sáng"

Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, bối cảnh, tình hình thế giới năm nay có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường. Xung đột Nga - Ukraine; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; tình hình dịch bệnh, thiên tai trên thế giới diễn biến phức tạp... đã làm chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Giá dầu thô, lương thực, thực phẩm và nhiều vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Lạm phát tăng cao đột biến, trong khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc, thậm chí đối mặt nguy cơ suy thoái tại nhiều nền kinh tế, đối tác lớn.

Trong nước, việc ban hành kịp thời và triển khai bước đầu có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội. Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết chuyên đề khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng với Nghị quyết số 11-NQ/CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đã giúp kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng.

GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022, nhất là quý III tăng 13,67%. Đà phục hồi tăng trưởng được ghi nhận ở cả 3 khu vực của nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 10,69%...

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI 9 tháng tăng 2,73%. Lạm phát cơ bản tăng 1,88%. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, đồng Việt Nam được đánh giá là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực. Công tác đối ngoại chủ động, tích cực, toàn diện, đạt nhiều kết quả quan trọng. Việc trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng hạng tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Ước tính, cả năm có 14/15 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu. Trong đó, tăng trưởng GDP cả năm ước khoảng 8%, vượt mức chỉ tiêu phấn đấu và đạt chỉ tiêu của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Vấn đề cần quan tâm

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, đánh giá sâu, kỹ hơn một số vấn đề sau đây:

Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, mặc dù Chính phủ đã quyết liệt triển khai song kết quả còn khiêm tốn. Đến cuối tháng 8, vẫn còn 2 trên tổng số 17 văn bản để cụ thể hóa chính sách theo yêu cầu của Nghị quyết 11/NQ-CP chưa được ban hành. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ vẫn còn một số điều kiện bất cập, dẫn tới doanh nghiệp khó tiếp cận và thụ hưởng. Các thủ tục hành chính còn phức tạp, các điều kiện để được hưởng chính sách chưa rõ ràng, làm giảm hiệu quả của chính sách.

Tỷ lệ giải ngân các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn khá thấp. Tính đến ngày 28/9 mới đạt 20% tổng số vốn của Chương trình. Giải ngân gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, điều hòa vốn dành cho các dự án thuộc Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn triển khai chậm. Gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp (tính đến hết tháng 8 mớiđạt khoảng 13,5 tỷ đồng/ gần 16.035 tỷ đồng phân bổ cho năm 2022 trong tổng số 40 nghìn tỷ đồng gói hỗ trợ lãi suất), cần phải được báo cáo rõ nguyên nhân.

Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu, đề nghị làm rõ nguyên nhân tốc độ tăng năng suất lao động xã hội. Một trong các chỉ tiêu rất quan trọng phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đạt thấp hơn so với mục tiêu (ước tăng 4,7-5,2%, mục tiêu là 5,5%). Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế dự kiến vượt khoảng 2% so với kế hoạch và GDP bình quân đầu người cũng dự kiến vượt kế hoạch. Điều đó cho thấy chất lượng nền kinh tế còn hạn chế, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn và lao động. Đồng thời, cần đánh giá kỹ và chính xác hơn việc ước thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế năm 2022 đạt 92% (đến hết tháng 8 mới đạt 88%).

Xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước không sát thực tế, còn quá thận trọng. Điều đó có thể đã làm giảm không gian của chính sách tài khóa, thu ngân sách 9 tháng đã đạt 94%, ước cả năm vượt dự toán hơn 14%. Vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương (NSTW) theo quy định của Hiến pháp và Luật Ngân sách nhà nước chưa được bảo đảm.

Về chi ngân sách nhà nước, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm. Đây vẫn là điểm nghẽn chưa được giải quyết hiệu quả, ước giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/9 là 253.148,12 tỷ đồng. Mức này mới đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (47,38%). Riêng vốn ODA mới chỉ giải ngân được khoảng 15%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.