Kinh tế xã hội khởi sắc trên nhiều lĩnh vực

GD&TĐ -Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH những tháng đầu năm 2022.

Đại biểu Trần Tuấn Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước)
Đại biểu Trần Tuấn Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước)

Cần có giải pháp khơi thông các dòng vốn 

Đại biểu Trần Tuấn Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước)
Đại biểu Trần Tuấn Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước)

Đại biểu Trần Tuấn Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) bày tỏ đồng tình cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022.

Về vấn đề cụ thể, đại biểu bày tỏ quan tâm tới vấn đề đầu tư công. Theo đó, thời gian qua, đầu tư công luôn tồn tại nghịch lý. Đó là có vốn nhưng chậm phân bổ, chậm triển khai và kéo theo chậm giải ngân. Chậm giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành căn bệnh nhức nhối không chỉ gây bức xúc mà còn cản trở sự phát triển của đất nước.

Theo đại biểu Trần Tuấn Anh, nguyên nhân chính dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm là do các Bộ, ngành, địa phương cố đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công. Khi được phân bổ từ Trung ương mới bắt đầu phân bổ cụ thể nên gặp vướng mắc dẫn đến chậm trong phân bổ vốn cho dự án; công tác giải phóng mặt bằng chậm, không lường trước những khó khăn và việc lựa chọn nhà thầu không có đủ năng lực. 

Nhấn mạnh hiện nay có nhiều chiêu thức để chủ đầu tư gây khó khăn cho nhà thầu chân chính nhằm tạo điều kiện cho các nhà thầu quen biết, đại biểu Trần Tuấn Anh đề nghị phải minh bạch trong lựa chọn nhà thầu để xử lý dứt điểm tình trạng này. Đồng thời kiến nghị, đối với các dự án đầu tư công cần linh hoạt cho phép chỉ định thầu, rút ngắn thời gian, lựa chọn nhà thầu có năng lực, có uy tín theo từng dự án. 

Đối với quy định trong Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Quốc hội cần xem xét, sửa hoặc ban hành Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc điều chuyển vốn đầu tư công năm 2002 của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương chậm triển khai cho các đơn vị, dự án khác có khả năng hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế xã hội của đất nước.

Đại biểu Trần Tuấn Anh cũng đề nghị Chính phủ cần có giải pháp khơi thông các dòng vốn cho sản xuất kinh doanh, quyết liệt hơn nữa trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng để tạo động lực cho nền kinh tế phát triển bền vững. Có đủ chế tài đối với tổ chức, cá nhân thực hiện chậm giải ngân vốn đầu tư công để không còn điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Quyết liệt hơn trong triển khai các thủ tục hành chính

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai tán thành với các nhóm giải pháp, nhiệm vụ rất toàn diện được nêu trong Báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu ra.

Đại biểu cho rằng, Chính phủ cần khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tài khóa, tiền tệ trong Nghị quyết 43 và các Nghị quyết 55 của Quốc hội có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chương trình phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, đến thời điểm này Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách, chủ trương lớn được triển khai rất chậm. Công tác giải ngân, hỗ trợ cho các đối tượng bị tác động của đại dịch Covid-19 chưa được thực hiện hiệu quả.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong triển khai các thủ tục hành chính, bỏ những thủ tục rườm rà, nội dung nào đúng thẩm quyền quyết định ngay, tránh tình trạng xin ý kiến lòng vòng giữa các cơ quan, các bộ, ngành và dồn mọi việc lên cho Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, tiếp tục phân cấp mạnh hơn nữa, đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong công tác giải ngân và triển khai các chính sách đã được Quốc hội quyết định.

Đại biểu Trịnh Xuân An cũng đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

Đại biểu cho rằng, những vụ việc vừa qua cho thấy thị trường vốn rất mong manh và dễ bị thao túng, tác động can thiệp. Cần phải theo dõi, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi thao túng giá, làm làm giá, thực hiện sai nghĩa vụ công bố thông tin, xử lý sai phạm nhưng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, doanh nghiệp càng lớn thì trách nhiệm đối với xã hội và nền kinh tế càng phải cao.

Bên cạnh đó, rà soát chính sách quản lý đối với các loại thị trường quan trọng này để tránh tình trạng lúc quá mở, lúc lại bóp nghẹt làm ảnh hưởng đến kênh dẫn vốn của nền kinh tế để không xảy ra những quả bom về trái phiếu doanh nghiệp dẫn đến hiệu ứng domino trong thị trường vốn.

Tình hình kinh tế xã hội tiếp tục khởi sắc trên nhiều lĩnh vực

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng)
Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng)

Thống nhất cao với các nội dung trong Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) khẳng định, tình hình kinh tế xã hội của nước ta tiếp tục khởi sắc trên nhiều lĩnh vực.

Việc triển khai thực hiện các chính sách của Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế đã có những tín hiệu vui đáng chú ý. Đặc biệt, chính sách mở cửa du lịch sau ngày 15 tháng 3 đã tác động rõ nét đến hoạt động kinh tế xã hội của đất nước.

Bên cạnh những mặt tích cực của nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Tạo cũng chỉ ra những khó khăn nhất định như giá vật tư đầu vào phân bón tăng ở mức cao so với bình quân hằng năm do những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, giá xăng dầu, chuỗi giá trị nông sản còn bị hạn chế, chưa thực sự bền vững, tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn…

Do vậy, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị Chính phủ cần có những chính sách can thiệp kịp thời để bình ổn giá cả vật tư đầu vào như giá phân bón, giá vật tư nông nghiệp, giá xăng dầu…

Đồng thời có những giải pháp đấu tranh quyết liệt về gian lận thương mại, nhất là đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chú trọng việc giải quyết cơ chế, thủ tục cải cách hành chính để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là ba Chương trình mục tiêu quốc gia (gồm Chương trình nông thôn mới, Chương trình xóa đói giảm nghèo và Chương trình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ