Đại biểu Quốc hội: Cân nhắc quy định về xác định tính mới của sáng chế

GD&TĐ - Thảo luận về Luật sở hữu trí tuệ, nhiều đại biểu cho rằng, cần đánh giá sự cần thiết của quy định về hoàn trả phí, lệ phí. Bên cạnh đó, cân nhắc quy định về xác định tính mới của sáng chế.

Ông Vương Quốc Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam)
Ông Vương Quốc Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam)

Đánh giá quy định về hoàn trả phí, lệ phí

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh 

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh cơ bản tán thành với dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ trình tại kỳ họp lần này và Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh có ba ý kiến để cơ quan chủ trì có cân nhắc và hoàn chỉnh.

Thứ nhất là về Điều 96, tại khoản 1 Điểm a, trong các trường hợp văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực, có trường hợp là người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu. Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định liệt kê các hành vi như thế nào là dụng ý xấu được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chi tiết để phù hợp với các quan hệ xã hội cần điều chỉnh trong từng giai đoạn và điều ước quốc tế có liên quan. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cơ bản thống nhất với ý kiến này.

Tuy nhiên, tại Điều 96 cần quy định bổ sung giao cho cơ quan nào sẽ có trách nhiệm quy định chi tiết các hành vi này, là Chính phủ hay Bộ Khoa học và Công nghệ thì cũng đề nghị cần quy định tại Điều 96 để xác định cơ quan chịu trách nhiệm quy định chi tiết, hướng dẫn các hành vi.

Thứ hai là Điều 112a về phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, tại kỳ họp trước có một số ý kiến đề nghị phải có quy định về việc hoàn phí, lệ phí trong trường hợp việc phản đối này là có cơ sở phải được cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ chấp nhận.

Tuy nhiên, trong Báo cáo tiếp thu, giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên như dự thảo với lý do là việc hoàn phí không do Luật Sở hữu trí tuệ điều chỉnh vì Khoản 1, Điều 5 của Luật phí, lệ phí quy định trường hợp luật khác quy định về phí, lệ phí thì các nội dung về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí thực hiện theo quy định của luật này.

Lưu ý đến thời gian nộp đơn đăng ký sáng chế

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa nêu quan điểm, dự thảo Luật được đề xuất quy định theo hướng coi sáng chế bị mất tính mới nếu bộc lộ trong đơn đăng ký sáng chế khác có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố vào ngày sau ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế đó.

Theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, nguyên tắc nộp đơn đầu tiên đã được quy định rõ tại Điều 60 dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ rồi trường hợp đơn đăng ký sáng chế có ngày nộp đơn ngành ưu tiên sớm hơn bị rút sau khi công bố thì không thể cấp văn bằng bảo hộ cho đơn đăng ký sáng chế của ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên muộn hơn được vì đã bị mất tính mới.

Đại biểu cho rằng, nếu vẫn giữ như mục 32 sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 60 của Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, theo nguyên tắc chung thì số phận của đơn nộp sau chưa thể được định đoạt nếu số phận của đơn nộp trước chưa được chốt.

Vì trong trường hợp cả đơn nộp trước và đơn nộp sau đều đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ nhưng nếu đơn nộp trước bị từ bỏ, rút bỏ thì đơn nộp sau phải được cấp văn bằng bảo hộ. Do đó, đại biểu đề nghị đánh giá kỹ lại quy định này để đảm bảo tính khả thi của dự thảo Luật.

Về phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bổ sung Điều 112A vào sau Điều 112, đại biểu cho rằng, việc đưa ra thời hạn cho việc nộp đơn phản đối là hợp lý nhằm hạn chế thực trạng trì hoãn, kéo dài thời gian xử lý đơn. Tuy nhiên đại biểu cũng cho rằng việc quy định thời hạn 5 tháng để phản đối là quá ngắn vì sẽ ảnh hưởng đến quyền của người thứ ba nếu có dự định phản đối, đặc biệt là các chủ thể mà họ có quyền nhưng họ lại ở nước ngoài. Trong trường hợp đơn sửa đổi và được công bố lại thì mốc nào sẽ được sử dụng để tính thời hạn phản đối.

Để đảm bảo thời gian cần thiết cho bên có liên quan trong việc thu thập tài liệu trữ bằng chứng, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề xuất khoảng thời gian hợp lý hơn đối với việc phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu tại điểm c, khoản 1 Điều 112A thì sửa thành 8 tháng thay cho 5 tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố.

Quy định chi tiết về giới hạn quyền tác giả

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) nêu rõ, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung, bảo đảm thi hành các cam kết quốc tế cũng như vận dụng linh hoạt các quyết định mang tính nguyên tắc tại Điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ và đáp ứng được thực tiễn đặt ra.

Về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả quy định trong dự thảo Luật, đại biểu Vương Quốc Thắng cho biết, quy định ngoại lệ nhằm tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu khoa học, giáo viên, học sinh, sinh viên, các đối tượng khác có nhu cầu nghiên cứu, học tập, trau dồi kiến thức được tiếp cận đến các tác phẩm, các sản phẩm có giá trị để tiếp tục khuyến khích sự đổi mới sáng tạo.

Việc sửa đổi, bổ sung các quy định này trên cơ sở dự thảo Luật vẫn quy định bảo đảm nguyên tắc phép thử ba bước ghi nhận tại nhiều điều ước cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo đó, việc sử dụng tác phẩm không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, để thuận lợi cho áp dụng quy định nêu trên trong thực tiễn, đại biểu đề nghị giao Chính phủ có quy định chi tiết với phạm vi phù hợp về các nội dung như thiết bị sao chép công cộng, tự sao chép, sao chép hợp lý một phần tác phẩm và hoạt động công vụ.

Về giới hạn quyền tác giả, đại biểu Vương Quốc Thắng cho biết, về cơ bản nội dung này không sửa đổi, bổ sung nhiều so với luật hiện hành mà chỉ chỉnh lý và quy định rõ và nhất quán hơn.

Thực tế hiện nay, do đặc thù của các tác phẩm, sản phẩm sáng tạo là duy nhất mang giá trị tinh thần văn hóa nên rất khó xác định giá trị. Nhiều trường hợp các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn hay các đơn vị sử dụng tác phẩm, sản phẩm sáng tạo mà có ý trì hoãn, lẩn tránh thỏa thuận việc trả tiền bản quyền cho tác giả, chủ sở hữu.

Để bảo đảm tính khả thi của luật được thực thi trên thực tế, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị bổ sung tại dự thảo Luật hoặc văn bản quy định chi tiết nội dung quy định trường hợp các bên không thỏa thuận được tiền bản quyền trong một thời hạn nhất định thì bên sử dụng phải chấm dứt ngay việc sử dụng tác phẩm, sản phẩm sáng tạo và thanh toán tiền bản quyền theo quy định của Chính phủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.