Ngành học mới đang “khát” nhân lực
KTTT ở nhiều quốc gia không chỉ tạo công ăn việc làm cho nhiều người, mà nó còn là cỗ máy kiếm tiền thật sự khi tạo ra lợi nhuận và đóng góp khoản thuế đáng kể cho ngân sách quốc gia. Ở Mỹ theo thống kê lĩnh vực KTTT chiếm tỉ trọng đóng góp tới hơn 2,5 GDP hàng năm.
TS Nguyễn Thị Hiền Thanh – Phó viện trưởng Trung tâm đào tạo ngắn hạn, Trưởng Ban dự án mở ngành Kinh tế Thể thao của Trường ĐH Hoa Sen cho biết: KTTT bao gồm các hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến hoạt động TDTT.
Ngành học KTTT sẽ trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng quản lý kinh doanh dịch vụ thể thao; Quản lý, vận hành kinh doanh câu lạc bộ thể thao; Chuyên viên tư vấn tài chính và khai thác thị trường thể thao; Quản lý truyền thông, tổ chức sự kiện thể thao...
Theo số liệu của Vụ Đào tạo – Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, đến năm 2025, nhân lực toàn ngành Thể thao trên cả nước cần được bổ sung 3.658 người trong đó: Nhân lực được đào tạo ngành Quản lý thể thao là 563 người gồm: Tiến sĩ 4 người; Thạc sĩ 63 người; Cử nhân 486 người; Các ngành khác 10 người.
Đến năm 2030 nhân lực toàn ngành Thể thao trên cả nước cần được bổ sung 4.342 người trong đó: Nhân lực được đào tạo ngành Quản lý thể thao là 682 người gồm: Tiến sĩ 14 người; Thạc sĩ 89 người; Cử nhân 545 người; Các ngành khác 34 người.
“Chúng ta đang rất thiếu đội ngũ chuyên gia kinh tế thể thao. Giống như với nghệ thuật, phần đa các “bầu sô" không phải là nghệ sĩ được đào tạo qua trường lớp thì với TDTT cũng phần nào như vậy. Cho dù các trường đại học của ngành TDTT đều có Khoa Quản lý TDTT nhưng về cơ bản mới chỉ cung cấp được các kiến thức về quản lý chuyên ngành chứ chưa thực sự là về kinh tế mang tính đặc thù của TDTT.
Để có một đội ngũ chuyên nghiệp ngoài công tác đào tạo cần phải có chiến lược phát triển mang tính đồng bộ. Đó là điều không dễ và nếu nói ở tầm vĩ mô thì lãnh đạo ngành TDTT cũng phải có tư duy về kinh tế cho các bài toán này, nhất là với những sự kiện TDTT quốc tế do Việt Nam đăng cai.
Hiện nay, thiếu các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh thể thao, nên chưa nhận thấy thể thao là mũi nhọn để khai thác khía cạnh kinh tế” – TS Thanh nhấn mạnh.
Ngành Kinh tế thể thao học gì?
Hiện nay nguồn nhân lực thể dục thể thao trên toàn quốc vẫn còn nhiều mặt hạn chế, thực tế cho thấy những người được đào tạo chuyên môn sâu ở một lĩnh vực nhất định thì khi ra công tác vẫn chưa hoặc tỉ lệ rất ít làm đúng theo chuyên môn được đào tạo.
Bên cạnh đó một số cán bộ, huấn luyện viên được trưởng thành từ vận động viên, từ thực tế huấn luyện nên cần được đào tạo bồi dưỡng một cách quy mô và cơ bản trong thời gian ngắn nhằm đáp ứng nhu cầu công việc.
TS Nguyễn Thị Hiền Thanh đánh giá ngành KTTT ở Việt Nam có nhu cầu và triển vọng rất lớn về sự phát triển cũng như bài toán tìm kiếm nhân lực. Tuy vậy, hiện chưa có nhiều trường nào đào tạo nhân lực chuyên sâu về ngành này.
Ngành KTTT tại ĐH Hoa Sen (tuyển sinh năm 2021) là ngành đầu tiên và duy nhất được trường ĐH Hoa Sen mở và tuyển sinh đào tạo bậc cử nhân trong thời gian 3,5 năm. Nhà trường chú trọng 3 hướng ngành KTTT trong Chương trình đào tạo, bao gồm: Quản lý loại hình kinh doanh thể thao, quản lý chăm sóc sức khoẻ và quản trị truyền thông, Marketing thể thao.
Tương tự, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng có chuyên ngành Kinh doanh thể thao và tổ chức sự kiện trong ngành Quản lý thể thao. Tuy không chuyên sâu và tách biệt theo hướng kinh tế thể thao nhưng cũng đào tạo nhiều khía cạnh về kinh doanh, tổ chức thể thao.
Thực tế, trong các hoạt động thể dục thể thao ở Việt Nam, bài toán kinh tế luôn là một đòi hỏi hết sức cấp thiết. Ngoài các vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài, nhà quản lý thể dục thể thao... thì rất cần một lực lượng nhân sự không nhỏ, đó là các chuyên gia kinh tế thể thao.
Chương trình đào tạo ngành KTTT cung cấp những kiến thức và phát triển các kỹ năng về quản lý và kinh doanh trong lĩnh vực thể thao hiện đại đồng thời rèn luyện thái độ nghề nghiệp để người học làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến kinh tế thể thao.
“Sinh viên sẽ được đào tạo đủ kiến thức, kỹ năng và năng lực chuyên môn để hiểu về cơ cấu tổ chức và hoạt động của các loại hình thể thao hiện đại; biết về cách thức vận hành và quản lý trong lĩnh vực kinh tế thể thao; vận dụng kỹ năng liên quan đến quản trị, tiếp thị, tài chính và kinh tế trong các lĩnh vực kinh doanh thể thao; phân tích nhu cầu của các bên liên quan bao gồm: Khách hàng, đối tác, nhà tài trợ, nhà cung cấp,…; đánh giá cơ hội và hiệu quả kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế thể thao; lập kế hoạch kinh doanh, quản lý các mô hình hoạt động kinh tế thể thao.
Sinh viên theo học ngành này sẽ có cơ hội mở ra những con đường lập nghiệp thực sự cho sinh viên tốt nghiệp và định hướng nghề rõ ràng như: Kinh doanh các sản phẩm thể thao, quản lý kinh doanh công trình thể thao, phát triển kinh doanh mô hình CLB, tổ chức giải đấu thể thao nghiệp dư và chuyên nghiệp;
Tổ chức các sự kiện doanh nghiệp, sự kiện cá nhân, lễ hội…; phát triển kinh doanh du lịch thể thao, thể thao giải trí; quản lý CLB thể thao ở trường quốc tế và trường đại học, giám đốc kinh doanh thể thao, chuyên viên tổ chức hoạt động thể dục thể thao tại các cơ sở, câu lạc bộ cấp quận huyện trên cả nước.”- TS Hiền Thanh cho biết.