Chủ tịch Powell nhấn mạnh vào cách tiếp cận thận trọng cho đến khi lạm phát đạt được mục tiêu 2% của FED theo "một cách bền vững", đồng thời cần phải xem xét rủi ro vỡ nợ cho vay bất động sản thương mại cũng như khả năng phá sản của các ngân hàng vừa và nhỏ.
Chính sách này trái ngược với đánh giá thấp trước đây của FED về áp lực lạm phát, giờ đây có nguy cơ gây "hạ cánh cứng" cho nền kinh tế Mỹ bởi miễn cưỡng điều chỉnh lãi suất để ứng phó với các chỉ số thay đổi và bất ổn tài chính quốc tế.
Trong hai năm qua, FED đã tiến hành một cuộc chiến quyết liệt chống lại sự gia tăng lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ là 9,1%, ghi nhận trong tháng 6 năm 2022.
FED không chỉ tăng lãi suất thêm 5,25 điểm phần trăm với tốc độ nhanh nhất trong bất kỳ thời kỳ nào, họ còn thu hẹp nguồn cung tiền lần đầu tiên kể từ năm 1959, khi FED bắt đầu công bố dữ liệu rộng rãi.
Để đối phó với chính sách thắt chặt tiền tệ này, trong năm qua tốc độ lạm phát đã giảm tốc ấn tượng. Được đo bằng chỉ số giá Chi tiêu tiêu dùng cá nhân - thước đo lạm phát ưa thích của FED, chỉ số lạm phát đã chậm lại khoảng 2,5%.
Điều này đã đưa lạm phát xuống gần mức mục tiêu 2% của FED. Chỉ số giá tiêu dùng giảm cũng có tác động làm tăng đáng kể lãi suất đã điều chỉnh theo lạm phát mà các công ty và hộ gia đình hiện đang vay.
Khi lạm phát giảm, rủi ro cả trong và ngoài nước đối với sự phục hồi kinh tế đều tăng lên. Điều đó dường như đã làm thay đổi cán cân rủi ro giữa việc đạt được mục tiêu lạm phát của FED và tránh một cuộc suy thoái.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - ông Jerome Powell. |
Tuy nhiên ông Powell vẫn theo đuổi chính sách lãi suất cao để đưa lạm phát xuống một mức nữa. Chủ tịch FED làm vậy ngay cả khi chính sách lãi suất cao của ông có nguy cơ làm trầm trọng thêm căng thẳng trong hệ thống tài chính, do làm tăng nguy cơ xảy ra làn sóng vỡ nợ cho vay bất động sản thương mại.
Việc ông Powell dường như không lo lắng về khả năng tái diễn một cuộc khủng hoảng ngân hàng càng đáng ngạc nhiên hơn khi rủi ro này đang được báo cáo ổn định tài chính của FED cũng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa ra.
Cũng thật đáng ngạc nhiên khi các thị trường hiện đang chú ý đến thực tế là giá bất động sản thương mại lao dốc mạnh do tỷ lệ văn phòng trống cao và khoảng 930 tỷ USD nợ sẽ đáo hạn trong 12 tháng tới với lãi suất cao hơn đáng kể so với các năm trước.
Ông Powell có thể rất sai lầm khi tỏ ra xem nhẹ những rủi ro nghiêm trọng của hệ thống tài chính, căn cứ vào đánh giá gần đây của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia. Theo đó, khoảng 385 ngân hàng vừa và nhỏ tại Mỹ có thể phá sản do tiếp xúc quá nhiều với các khoản cho vay bất động sản thương mại.
Lý do nữa để các chuyên gia phản biện nghĩ rằng ông Powell có thể nhầm lẫn giữa lãi suất cao với chính sách dài hạn là triển vọng kinh tế thế giới đang trở nên tồi tệ. Cả Nhật Bản và Anh đều đang suy thoái còn Đức bên bờ vực.
Trong khi đó, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang ở trong tình trạng ảm đạm đối với thị trường nhà ở và tín dụng - điều có thể dẫn đến một thập kỷ kinh tế u ám kiểu Nhật Bản cho quốc gia này.
Sự chậm lại đối với phần còn lại của nền kinh tế thế giới có thể giúp FED thực hiện nhiệm vụ chống lạm phát bằng cách gây áp lực giảm giá lương thực và dầu, từ đó dẫn đến giá nhập khẩu của Mỹ giảm.
Vào năm 2021, FED có quan điểm sai lầm khi không đánh giá được tác động lạm phát từ kế hoạch giải cứu nền kinh tế Mỹ của Tổng thống Biden. Điều này khiến họ phải giữ lãi suất ở mức quá thấp trong thời gian quá dài, từ đó góp phần gây ra lạm phát lớn nhất trong nhiều thập kỷ.
Nhưng FED ngày nay dường như đang mắc phải sai lầm ngược lại.
Do không quan tâm đúng mức đến cuộc khủng hoảng bất động sản thương mại và nền kinh tế thế giới đang ngày càng tồi tệ, họ có nguy cơ khiến kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng do cắt giảm lãi suất rất chậm.
Kinh tế Mỹ sẽ tiến gần tới mục tiêu lạm phát 2% theo mục tiêu của FED vào cuối năm 2024. |