Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên: Bi kịch của “cô gái thép”

GD&TĐ - Ở tuổi 25, Ánh Viên đáng ra phải trở thành ngôi sao châu Á. Nhưng căn bệnh thành tích và sai lầm về chiến lược đã khiến cho “Iron Girl – cô gái thép” chỉ dừng ở “ao làng” Đông Nam Á.

“Tiểu tiên cá” Ánh Viên tiếp tục gánh trọng trách giành nhiều HCV cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 2021.
“Tiểu tiên cá” Ánh Viên tiếp tục gánh trọng trách giành nhiều HCV cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 2021.

Nỗi đau đó vẫn luôn nhức nhối cho chính những người trong cuộc trước thềm mỗi giải đấu lớn, như Olympic Tokyo 2020.

Tài năng hiếm có

VĐV TDDC Đinh Phương Thành đã trở thành người thứ 6 của thể thao Việt Nam giành vé tham dự Olympic Tokyo 2020. Trước đó, ngành Thể thao đặt mục tiêu có 20 suất tham dự và có vận động viên giành huy chương ở Olympic 2020. Nhưng đến thời điểm hiện tại, thể thao Việt Nam chính thức thất bại trước chỉ tiêu “20 suất tham dự Olympic 2020”.

Ngay cả Ánh Viên vẫn chưa có suất đến Nhật Bản. Cô gái vàng của thể thao Việt Nam đang phải trông chờ vào giải bơi vô địch các nhóm tuổi Việt Nam 2021, tổ chức vào tháng 5 này tại TPHCM là giải có tính chuẩn Olympic 2020. Nhưng với diễn biến phức tạp của Covid-19, chưa chắc giải đấu sẽ diễn ra và nếu thế, Ánh Viên hết cơ hội đến Nhật Bản.

Kình ngư Ánh Viên là tài năng đặc biệt của thể thao Việt Nam. Sau thời gian tập huấn cùng đội tuyển, chỉ trong nửa năm cuối 2011, Ánh Viên liên tiếp lập những kỷ lục khiến cả làng bơi phải kinh ngạc: 10 HCV/10 nội dung tham dự tại giải các nhóm tuổi toàn quốc, trong đó có 7 kỷ lục quốc gia.

Đến Giải vô địch các nhóm tuổi Đông Nam Á sau đó, Viên cũng phá 2 kỷ lục khu vực và giành 6 HCV cùng danh hiệu VĐV xuất sắc nhất. Tại SEA Games 26 ở Indonesia, cô bé mới tuổi 15 của Việt Nam tiếp tục gây bất ngờ khi có riêng cho mình 2 HCB nội dung 400 m hỗn hợp và 400 m ngửa với những thông số đầy ấn tượng.

Đặc biệt, trên đường đua xanh giải Grand Prix Indianapolis, trước những tay bơi Mỹ có đẳng cấp hàng đầu thế giới, Ánh Viên gây sốc khi đạt chuẩn B nội dung 200m ngửa nữ.

Tháng 6/2012, tại giải vô địch bơi lội Đông Nam Á 2012 ở Singapore, ở nội dung 200m bơi ngửa sở trường, Ánh Viên không chỉ giành HCV mà còn vượt qua chuẩn B để tiếp cận dần tới chuẩn A Olympic (2 phút 10 giây 84).

Ngoài ra, kình ngư Việt Nam còn phá thêm chuẩn B Olympic nội dung 400m hỗn hợp cá nhân với thành tích 2 phút 17 giây 67.

Ánh Viên làm nên lịch sử khi giành vé đến Olympic London 2012, được thi đấu 2 nội dung (200m ngửa nữ và 400m hỗn hợp cá nhân nữ). Cô gái quê Cần Thơ cũng chính là VĐV nhỏ tuổi nhất của đoàn TTVN (Ánh Viên sinh tháng 11/1996) từng tham dự các kỳ Thế vận hội.

Ánh Viên được trao giải thưởng “Nữ VĐV xuất sắc nhất SEA Games 30”.

Ánh Viên được trao giải thưởng “Nữ VĐV xuất sắc nhất SEA Games 30”. 

Ánh Viên đã đi vào lịch sử bơi lội Việt Nam tại SEA Games 27 - 2013, khi trở thành nữ VĐV đầu tiên giành được tấm HCV môn bơi lội sau 54 năm (từ SEAP Games đầu tiên vào năm 1959).

Cũng trong năm 2013, thành tích cụ thể của Ánh Viên bao gồm: 11 HCV, hai HCB, phá 7 kỷ lục tại giải bơi vô địch các nhóm tuổi Đông Nam Á; 6 HCV tại Đại hội Thể thao Học sinh Đông Nam Á; 3 HCV, 1 HCB tại Đại hội Thể thao trẻ châu Á 2013 với những thông số tiệm cận châu lục.

Đặc biệt, việc giành tới 3 HCV và phá 2 kỷ lục SEA Games, đóng góp vào thành tích năm HCV cho đội tuyển bơi lội Việt Nam đã đưa cô gái trẻ lên ngôi “Nữ hoàng” đường đua xanh Đông Nam Á.

Kể từ đó đến nay, Viên luôn dẫn đầu về số lượng HCV đoạt được tại các kỳ SEA Games mà đỉnh cao nhất là tại SEA Games 2015 giành 8 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ và phá 8 kỷ lục của Đại hội.

Tại kỳ SEA Games 2 năm sau đó, dù phong độ không còn như trước nhưng Viên vẫn giành được 8 HCV và ở kỳ SEA Games 2019, tiểu tiên cá đã bật khóc vì chỉ giành 6 HCV. Tuy nhiên thành tích 6 HCV cũng đã đủ để cô bước lên bục vinh danh “VĐV xuất sắc nhất của SEA Games 30”.

Với đơn vị chủ quản, đoàn thể thao Quân đội, Ánh Viên với biệt danh “tiểu tiên cá” cứ xuống nước là có huy chương. Số HCV cô giành được từ hệ thống các giải quốc nội lên đến hàng trăm.

Chỉ riêng tại giải bơi vô địch quốc gia bể 25 m, diễn ra ở Thừa Thiên - Huế vào tháng 4 vừa qua, Ánh Viên giành tổng cộng 15 HCV, 1 HCB ở nội dung cá nhân, 2 HCV và 2 HCB ở nội dung tiếp sức, góp công lớn giúp đoàn Quân đội giành ngôi nhất toàn đoàn với 22 HCV, 11 HCB và 7 HCĐ.

Hay trước đó, giải bơi VĐQG 2020 khép lại với thắng lợi gần như tuyệt đối của đoàn Quân đội nói chung và Nguyễn Thị Ánh Viên nói riêng. Bởi trong lúc đoàn Quân đội (17 HCV) bỏ xa đoàn thứ 2 là TPHCM tới 10 HCV thì 14 HCV của riêng Ánh Viên đã bằng toàn bộ số HCV mà các đoàn nằm ngoài Top 3 đạt được.

Đừng trách “tiểu tiên cá”

Ánh Viên liên tiếp thất bại tại các sân chơi lớn như ASIAD 2018, giải vô địch bơi thế giới 2019.

Ánh Viên liên tiếp thất bại tại các sân chơi lớn như ASIAD 2018, giải vô địch bơi thế giới 2019.

Ánh Viên là VĐV được đầu tư lớn nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam. Ngành Thể thao đặt mục tiêu cô sẽ giành HCV Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) và tiếp cận thành tích thế giới.

Tổng cục TDTT và đơn vị chủ quản của Ánh Viên là Quân đội cùng cấp kinh phí cho thầy trò Ánh Viên đi tập huấn dài hạn ở Mỹ.

Giai đoạn đầu, kinh phí trung bình 4-5 tỉ đồng/năm. Những năm gần đây, số tiền đó có khi lên tới 7-8 tỉ đồng/năm (năm 2018 là 350.000 USD), đưa Ánh Viên trở thành VĐV được đầu tư lớn nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam.

Năm 2019, kinh phí Tổng cục TDTT cấp cho bộ môn bơi lội là 270.000 USD, nhưng tiền đầu tư riêng cho Ánh Viên đã vào khoảng 170.000-180.000 USD (chưa kể kinh phí của đoàn thể thao Quân đội). Để có sự so sánh rõ hơn, thì tất cả các VĐV khác của đội tuyển bơi lội Việt Nam năm 2019 hưởng phần còn lại khoảng 100.000 USD.

Bên cạnh bơi lội, điền kinh và bắn súng là hai môn được Tổng cục TDTT đầu tư trọng điểm cho các mục tiêu SEA Games, ASIAD, Olympic. Những năm qua, điền kinh và bắn súng được đầu tư trên dưới 200.000 USD/năm/bộ môn.

Việc Ánh Viên sa sút đã bắt đầu từ năm 2016 nhưng đến tận bây giờ vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu dẫn đến việc làng bơi Việt Nam trước nguy cơ lớn mất đi tài năng hiếm có này.  

Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, việc Tổng cục TDTT “dễ dãi” để cho Ánh Viên gần như chỉ tập luyện với HLV Đặng Anh Tuấn suốt 8 năm đã dẫn đến thất bại.

Quá trình tập luyện của Ánh Viên thường xuyên được báo cáo tốt, nhưng thành tích thi đấu của cô lại lao dốc. Tại ASIAD 2018, nơi Ánh Viên được kỳ vọng là ở đỉnh cao sự nghiệp có thể giành HCV, cô lại ra về tay trắng. Giải bơi vô địch thế giới 2019, Ánh Viên đã gây thất vọng khi thất bại ở cả ba nội dung sở trường là 200m hỗn hợp cá nhân nữ, 400m tự do, 400m hỗn hợp cá nhân.

Điều quan trọng nhất, Tổng cục TDTT không dám mạnh dạn bỏ mục tiêu SEA Games của Ánh Viên để tập trung cho ASIAD, hoặc những sân chơi lớn hơn bởi những tấm HCV khu vực của cô giành được có ý nghĩa vô cùng lớn với đoàn thể thao Việt Nam.

Nhưng tài năng của Ánh Viên không thể làm tốt hai việc cùng một lúc, bởi cô đã bị vắt sức ở SEA Games thì mục tiêu ASIAD, Olympic thất bại là điều thấy rõ. Khi còn đương chức Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, ông Vương Bích Thắng cho biết: “Nhiệm vụ của Ánh Viên hiện nay là tập trung giành thành tích ở SEA Games 30. Khả năng vươn lên tầm châu Á của Ánh Viên ở thời điểm này rất khó”.

Trong khi đó, ông Trần Đức Phấn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết: “Mục tiêu đầu tư cho Ánh Viên đúng là để giành HCV ASIAD và tham dự các giải tầm thế giới hoặc Olympic. Tuy nhiên, không phải cứ đầu tư cái gì là thành công cái đó.

Tôi cho rằng, đầu tư cho Ánh Viên như vậy cũng là phù hợp, dù mục tiêu mong muốn chưa đạt. Trong điều kiện nguồn lực của thể thao Việt Nam, chỉ đầu tư được như vậy và Ánh Viên vẫn phải thi đấu ở nhiều mặt trận. Nếu không đầu tư thì Ánh Viên cũng không có được những thành tích như vừa rồi”.

Khi đánh giá về phong độ sa sút của Ánh Viên tại giải bơi vô địch thế giới 2019, HLV Đặng Anh Tuấn chia sẻ, học trò của ông thi đấu chưa tốt bởi tập trung điều chỉnh điểm rơi phong độ tốt nhất cho SEA Games 30 tại Philippines. Quả thật, cứ đến SEA Games, Ánh Viên luôn phải gánh trọng trách HCV cho cả đoàn thể thao Việt Nam.

Với bản thân Ánh Viên, cô luôn chịu nhiều thiệt thòi, hy sinh và cả những áp lực vô cùng lớn về thành tích. Một số nhà chuyên môn cho rằng, cô gái quê Cần Thơ đã rơi vào tình cảnh chín ép, quá tải và nửa vời, gắn với căn bệnh thành tích cùng cách làm dàn trải của ngành thể thao.

Không có một kình ngư nào lại thi đấu đủ các loại giải như Ánh Viên. Trước khi đại dịch Covid-19 ập đến, trung bình một năm Viên đã phải tham dự gần 10 giải đấu, có rất nhiều giải không phù hợp với đẳng cấp của mình.

Thông số kỹ thuật của Ánh Viên giảm dần qua từng năm. Nhưng những người có trách nhiệm dường như không làm gì để cải thiện tình trạng đó, bởi Ánh Viên vẫn là “con gà đẻ trứng vàng ở SEA Games”, cho dù mục tiêu đầu tư cho cô là hướng đến ASIAD và Olympic.

Ánh Viên từng là hiện tượng, được đánh giá có thể vươn lên tầm thế giới. Nhưng đến giờ tài năng hiếm có của thể thao Việt Nam đã chạm trần và chỉ có thể đua tranh huy chương ở “vùng trũng” Đông Nam Á.

Sau 5 kỳ SEA Games, Ánh Viên sở hữu bộ huy chương khủng với 25 HCV, 9 HCB, 2 HCĐ cùng với việc thiết lập 11 kỷ lục. Sân chơi quan trọng nhất của Ánh Viên trong năm 2021 được xác định đương nhiên là SEA Games 31, Việt Nam là chủ nhà. “Tiểu tiên cá” tiếp tục được giao trọng trách giành 8 HCV như kỳ SEA Games 28 và 29.
Đầu năm 2020, Tổng cục TDTT đã quyết định đưa Ánh Viên về nước sau khi cô có khoảng 7 năm tập huấn dài hạn tại Mỹ, đồng thời cũng là lúc HLV Đặng Anh Tuấn xin nghỉ công việc ở đội tuyển.  
Tổng cục TDTT đã tính phương án thuê chuyên gia ngoại cho Ánh Viên và cô chủ yếu tập huấn tại Việt Nam bên cạnh tập huấn ngắn hạn ở nước ngoài. Tuy vậy, dịch Covid-19 khiến việc này chưa thể diễn ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.