Đặc biệt, ĐH Thái Nguyên đang xây dựng khoảng 11 quy trình khác nhau để thực hiện công tác đảm bảo chất lượng giáo dục. Xung quanh vấn đề đảm bảo chất lượng ĐH, PV Báo GD&TĐ có cuộc trao đổi với TS Phạm Văn Hùng -Trưởng Ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐH Thái Nguyên.
Thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH
* Thầy đánh giá như thế nào về việc đảm bảo chất lượng gắn với tự chủ đại học?
- Tự chủ đại học bao giờ cũng gắn liền với đảm bảo chất lượng. Một đơn vị đảm bảo chất lượng đồng nghĩa với cơ sở GD-ĐT phải công khai với xã hội về chất lượng giáo dục thực tế đang có, các điều kiện bảo đảm cũng như các cam kết với xã hội. Vì vậy, chúng ta làm tốt đảm bảo chất lượng giáo dục cũng đồng nghĩa với việc tiến gần đến với việc tự chủ.
* Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm định và đảm bảo chất lượng ở trường ĐH, theo thầy, công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng ĐH hiện nay đang gặp khó khăn gì?
- Khó khăn của chúng ta là hiện nay, số lượng trường ĐH đang vượt quá quy mô, cùng đó, số lượng chương trình của mỗi nhà trường lại rất nhiều, gây khó khăn về mặt đội ngũ làm nhiệm vụ kiểm định chất lượng. Hiện nay mới có 5 trung tâm kiểm định độc lập. Sắp tới sẽ có các trung tâm kiểm định độc lập khác. ĐH Thái Nguyên cũng đã đăng ký thành lập Trung tâm Kiểm định. Theo quy định, ĐH Thái Nguyên có đầy đủ tất cả các điều kiện về phần cứng để thành lập một trung tâm kiểm định giúp cho Bộ GD&ĐT và Chính phủ thực hiện công tác này.
Rào cản trong thực hiện kiểm định chất lượng
* Được biết thầy và các đồng nghiệp đang tiến hành xây dựng một bộ đánh giá tiêu chuẩn Kiểm định và bảo đảm chất lượng cho ĐH Thái Nguyên. Thầy có thể nói rõ hơn quá trình xây dựng bộ tiêu chuẩn này?
- Tôi cùng một số đồng nghiệp ở ĐH Thái Nguyên vừa tham dự khóa học ngắn hạn trong khuôn khổ Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills) về Đảm bảo chất lượng ĐH. Khi đi học ở Úc, chúng tôi nhận thấy các trường đại học Việt Nam đều có các bước để thực hiện xây dựng chương trình, cách điều hành, các mục tiêu và các chuẩn… Tuy nhiên, ở các trường ĐH Úc, họ tuân thủ đầy đủ tất cả các bước và giám sát việc thực hiện đó. Bài học lớn nhất chúng tôi học được từ các chuyên gia Úc chính là việc cam kết của lãnh đạo các cấp cũng như ý thức của từng giảng viên, chuyên viên ở trong nhà trường tuân thủ và thực hiện các bước nhằm đảm bảo chất lượng trường ĐH.
Từ các kiến thức và kinh nghiệm học tập từ các chuyên gia Úc, ĐH Thái Nguyên chúng tôi đưa ra các chính sách, quy trình cũng như các công cụ để làm sao bảo đảm được chất lượng cho các chương trình đào tạo: Rà soát xây dựng mục tiêu, chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo, thiết kế chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra; xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng được chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá để có thể đạt được với chuẩn đầu ra; thiết kế các công tác, dịch vụ hỗ trợ cho người học tiếp cận và thực hiện tốt chuẩn đầu ra, xây dựng các cơ sở vật chất và các thiết bị bảo đảm các quy trình, rà soát để đánh giá cơ sở vật chất; xây dựng các cơ chế để cải tiến chất lượng…
Chúng tôi xây dựng khoảng 11 quy trình khác nhau để thực hiện công tác đảm bảo chất lượng giáo dục. 11 quy trình này gắn liền với 11 tiêu chuẩn của Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của ASEAN (AUN-QA) về đảm bảo chất lượng đào tạo.
* Nhiều chuyên gia cho rằng khi siết chặt việc kiểm định chất lượng đồng nghĩa sẽ có va chạm về lợi ích, về nhân sự… Vậy ĐH Thái Nguyên sẽ giải bài toán này như thế nào, thưa thầy?
- Có lẽ đó là việc khó nhất trong triển khai, thực hiện đánh giá, kiểm định nâng cao chất lượng giáo dục. Trước nay chúng ta thường theo thói quen - đào tạo cái nhà trường đang có chứ không đào tạo theo cái xã hội cần. Bây giờ chuyển sang giai đoạn mới chắc chắn sẽ có sự va chạm về mặt lợi ích, quyền lợi của từng cá nhân cho từng nhóm hoặc cho từng chương trình. Nhưng để một nhà trường ĐH tồn tại, phát triển được, cái tối thượng chính là đáp ứng được nhu cầu của xã hội, của người học.
Lời giải quan trọng nhất chính là nâng cao nhận thức của các cán bộ, giảng viên. Và trước khi xây dựng, thực hiện các quy định, các thầy cô phải được bàn bạc, trao đổi và đi đến thống nhất. Bên cạnh đó, thiết kế của chương trình phải mềm dẻo và tích hợp các môn học. Trước đây, chúng ta thường để các modul rời rạc một cách cơ học. Hiện nay việc thiết kế các môn học trong nhà trường phải được thiết kế kết hợp với nhau một cách hữu cơ, có như vậy mới phát triển được.
Theo tôi thực hiện đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục ĐH không hề dễ dàng nhưng không phải không làm được nếu chúng ta muốn nhà trường ĐH phát triển.
* Được biết thời gian này chuyên gia Úc đang ở Việt Nam tư vấn cho ĐH Thái Nguyên gỡ khó trong việc thực hiện Kiểm định chất lượng. Xin hỏi thầy đã nhờ chuyên gia Úc những việc gì?
- Có những vấn đề bản thân chúng tôi nói với nhau trong nội bộ là khó nhưng người ngoài đến lại dễ dàng chia sẻ hơn. Thế nên chúng tôi đặt hàng với chuyên gia Úc thông qua một hội thảo trao đổi với đông đảo cán bộ, giảng viên ĐH Thái Nguyên về tất cả các vấn đề liên quan đến: Các khái niệm cơ bản, các công cụ, chính sách cũng như các giải pháp để làm sao có thể thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục ĐH một cách tốt nhất.
* Xin cảm ơn thầy!