GS.VS Đào Trọng Thi: Cuộc chất vấn có nhiều thuận lợi cho công việc của Bộ trưởng

GD&TĐ - Hầu hết các câu hỏi được đại biểu đặt ra với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sáng nay đều rất rộng. Đối với giáo dục, các vấn đề luôn vừa mang tính chất chuyên môn sâu, vừa mang tính chất dư luận xã hội bởi vậy làm sao đáp ứng được yêu cầu của cả hai là một thách thức cho ngành giáo dục khi phải tham gia vào hoạt động chất vấn như thế này.

GS.VS Đào Trọng Thi: Cuộc chất vấn có nhiều thuận lợi cho công việc của Bộ trưởng

GS.VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã đưa ra quan điểm như vậy sau phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Thưa GS.VS Đào Trọng Thi, ông đánh giá thế nào về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trong phiên chất vấn sáng nay?

- Tôi nghĩ về cơ bản Bộ trưởng trả lời tương đối thuyết phục, những người hiểu biết đủ sâu về ngành họ sẽ chấp nhận, những người chưa hiểu hết có thể sẽ còn có những ý kiến khác nhau.

Hầu hết các câu hỏi được đại biểu đặt ra đều rất rộng. Đối với giáo dục, các vấn đề luôn vừa mang tính chất chuyên môn sâu, vừa mang tính chất dư luận xã hội bởi vậy làm sao đáp ứng được yêu cầu của cả hai là một thách thức cho ngành giáo dục khi phải tham gia vào hoạt động chất vấn như thế này.

Có một số giải pháp đã được Bộ trưởng đưa ra tương đối hợp lý, có tính khả thi và đã được cân nhắc trong chiến lược phát triển dài hơi chứ không phải là sự phản ứng nhất thời cho một số câu hỏi.

Ví dụ đối với các câu hỏi của đại biểu về phương án của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, đặc biệt là về hình thức trắc nghiệm và các môn thi tổ hợp, trả lời của Bộ trưởng đã bám sát vào phương án.

Trước khi đưa ra phương án chính thức, Bộ đã trưng cầu ý kiến, dư luận được trao đổi, đã có sự tiếp thu, dư luận đã chấp nhận, các nhà trường từ băn khoăn đã chủ động chuẩn bị đáp ứng phương án thi mới, đây chính là thuận lợi cho trả lời hôm nay của Bộ trưởng về kỳ thi.

Đối với vấn đề sinh viên thất nghiệp, tôi nghĩ câu trả lời của Bộ trưởng đã đáp ứng được nhu cầu, đó là các giải pháp căn cơ như sắp xếp lại mạng lưới, cơ cấu lại cơ sở giáo dục, hoàn chỉnh công tác làm quy hoạch nguồn nhân lực, công tác dự báo thị trường lao động.

Tôi cũng đồng tình với ý kiến của một đại biểu cho biết thêm, để giải quyết vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi ra trường không chỉ liên quan đến ngành giáo dục. mà phải có sự phối hợp giữa các ngành và quan trọng hơn là phải phát triển kinh tế. Ở ngay các nước kinh tế phát triển, nếu kinh tế tăng trưởng chậm sẽ ảnh hưởng đến việc làm và tình trạng thất nghiệp tăng cao. Vì thế phải nhìn nhận rộng hơn và điều đó không chỉ nằm trong tầm tay của Bộ GD&ĐT.

Ngay lập tức khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đăng đàn đã có 59 đại biểu đăng ký đặt câu hỏi. Số lượng này có bất ngờ không thưa ông?

- Số lượng đại biểu tham gia đặt câu hỏi cho Bộ trưởng GD&ĐT nhiều như vậy không có gì bất ngờ cả. Từ trước tới nay giáo dục, đào tạo luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, bởi giáo dục ảnh hưởng đến từng gia đình, không có gia đình nào là không có con em đi học. Cử tri sẽ quan tâm đến vấn đề sát sườn của họ và các thành viên gia đình họ.

Các vấn đề của giáo dục như tôi đã nói ở trên, vừa có tính chất chuyên môn sâu vừa mang yếu tố xã hội, toàn xã hội có thể tham gia vào các vấn đề của giáo dục và trên nghị trường cũng vậy. Đối với giáo dục, dù có chuyên môn hay không có chuyên môn về ngành cũng có thể tham gia.

Không phải đến kỳ họp này mà kỳ họp nào, phiên chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT nào các vấn đề của giáo dục cũng được quan tâm, thể hiện thông qua số người tham gia thảo luận. Không chỉ giáo dục và y tế hay lao động việc làm cũng luôn dành được sự quan tâm nhiều như vậy trên nghị trường và ngoài xã hội.

Các vấn đề được đặt ra cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong phiên chất vấn tập trung vào một số nội dung như: Đề án Ngoại ngữ 2020; chất lượng đào tạo đại học, tình trạng sinh viên thất nghiệp; chính sách cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số; kỳ thi THPT Quốc gia 2017, hình thức thi trắc nghiệm; công tác phân luồng, hướng nghiệp; dạy thêm học thêm, bạo lực học đường. Theo ông liệu đây đã gói trọn hết các vấn đề đặt ra cho ngành giáo dục, đào tạo chưa?

- Theo tôi, các vấn đề được đặt ra rất đa dạng nhưng mới thiên về những vấn đề đang có tính chất bức xúc trong xã hội chứ có rất nhiều những vấn đề hết sức cơ bản của giáo dục chưa được đặt ra.

Tôi nghĩ điều đó cũng là đương nhiên, vì những vấn đề sâu sắc của giáo dục sẽ mang tính chất chuyên môn nhiều hơn và những người tham gia trao đổi phải là những người có kinh nghiệm và trình độ tương đối sâu sắc về giáo dục mới có thể tham gia được. Tôi chờ câu hỏi về những vấn đề lớn hơn như tự chủ đại học, kiểm định chất lượng đại học, chương trình sách giáo khoa, tích hợp kiến thức như thế nào, môn nào tích hợp môn nào không.

Cuộc chất vấn này phản ánh ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cử tri nên đó phải là những vấn đề đại chúng, vấn đề đông đảo mọi người quan tâm và hiểu được. Đây là phiên chất vấn chứ không phải phiên trao đổi về chiến lược phát triển giáo dục, thậm chí khi trao đổi về luật sẽ khác.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong các câu trả lời đã thể hiện rõ trách nhiệm và quyết tâm gửi tới cử tri. Cử tri cũng sẽ coi đây là lời hứa để sau này theo dõi kết quả thực hiện. Ông nghĩ sao về chặng đường tiếp theo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sau phiên chất vấn hôm nay?

- Tôi cho rằng, cuộc chất vấn này có rất nhiều thuận lợi cho công việc của Bộ trưởng. Sau khi nắm được những quan tâm của cử tri, của xã hội, trên cương vị Bộ trưởng sẽ có những công việc mang tính chất chiến lược, có những công việc mang tính chuyên môn sâu nhưng dù công việc nào cũng không quên bám sát đòi hỏi của nhân dân.

Việc được xếp trả lời chất vấn ngay vào phiên họp thứ hai và là kỳ chất vấn đầu tiên của Quốc hội là rất thuận lợi. Khi nắm bắt được sớm đòi hỏi của cử tri, của xã hội sẽ có những điều chỉnh kịp thời cho những kế hoạch sắp tới. Có nghĩa Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ có quỹ thời gian nhiều hơn, chuẩn bị tốt hơn cho toàn bộ nhiệm kỳ.

Không khí hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, hoạt động chất vấn và giám sát ngày càng sát sao, đi vào những yêu cầu thiết thực của công việc cũng như cuộc sống.

Vì vậy, những vấn đề được đặt ra hôm nay sẽ được đặt ra ở những kỳ họp tiếp theo. Kinh nghiệm cho thấy rằng, Bộ GD&ĐT được lựa chọn chất vấn nhiều lần nên tôi nghĩ đây không phải là lần đầu tiên mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ còn nhiều cơ hội để tiếp tục trả lời chất vấn.

Sau chất vấn không phải là xong mà người ta còn hỏi đi hỏi lại, thậm chí có đại biểu còn nhắc lại 5 năm trước, 4 năm trước tôi đã hỏi câu này, câu kia, bây giờ thế này, thế kia, đó là thách thức đối với các Bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Các Bộ trưởng sẽ phải luôn canh cánh bên lòng thực hiện những điều đại biểu yêu cầu, cử tri mong muốn.

Có rất nhiều vấn đề được đặt ra trong phiên chất vấn hôm nay không phải là vấn đề của một kỳ họp, không phải vấn đề của một khóa Quốc hội mà là vấn đề của nhiều khóa Quốc hội.

Ví dụ như dạy thêm học thêm sẽ không dừng lại ở kỳ họp này mà đã được hỏi ở rất nhiều khóa rồi, ngay cả vấn đề công ăn việc làm cho sinh viên cũng vậy. Có cả những vấn đề không bao giờ kết thúc, bởi vẫn là vấn đề đó nhưng đòi hỏi phải giải quyết với yêu cầu cao hơn.

Nhưng tất cả sẽ tạo động lực và là sự nhắc nhở cho Bộ trưởng trong hoạt động của mình. Và tôi nghĩ điều đó là hoàn toàn hợp lý, Bộ trưởng không phải chỉ nêu ra kế hoạch, chiến lược rồi thực hiện mà phải luôn gắn kết quả thực hiện ấy với nhu cầu của xã hội, với mong muốn của nhân dân.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.