Kinh nghiệm vàng từ trường ĐH tự chủ thành công

GD&TĐ - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM là 1 trong 26 trường ĐH thí điểm tự chủ. “Sau 3 năm tiến hành cuộc “đại phẫu”, đến nay trường tự chủ 100% và phát triển mạnh” – PGS.TS.NGƯT Đỗ Văn Dũng chia sẻ với GD&TĐ khi bàn đến chuyện bếp núc tự chủ của các trường ĐH tại Việt Nam.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cùng các SV trong chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh. Ảnh: FBNV
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cùng các SV trong chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh. Ảnh: FBNV

Áp lực nhất chính là yếu tố con người

* Nếu nhớ lại giai đoạn nhà trường “quá độ” từ bao cấp lên tự chủ, điều gì khiến ông cảm thấy áp lực nhất?

- Điều khiến tôi áp lực nhất chính là yếu tố con người. Tư duy một số người không theo kịp việc đổi mới. Họ vẫn nghĩ đây là trường công nên cái gì cũng được bao cấp, cái gì cũng đòi hỏi xin – cho mà không nghĩ rằng bây giờ trường tự chủ rồi, phải tự làm ra tiền thì mới được hưởng khoản đó. Sắp xếp bộ máy, tổ chức nhân sự thì đơn thư…

Điều khiến tôi thấy “sợ” nữa là cơ chế chính sách cùng các luật lệ không theo kịp thời đại. Tự chủ, nhà trường được thu học phí cao và phải có trách nhiệm đầu tư thật mạnh về thiết bị, phòng ốc… để SV được hưởng những gì cha mẹ đã dày công đóng góp lo cho các em ăn học. Nhưng do vướng Luật Đầu tư công và thủ tục xin phép bên nọ, bên kia nên không thể mua sắm nhanh chóng được, gây chậm trễ cho quá trình phát triển.

* Vậy nhà trường đã vượt qua khó khăn này như thế nào, thưa ông?

- Thực ra khó khăn nhất là ở năm đầu tiên, khi trường mất đi một nguồn kinh phí khá lớn, trong khi mức học phí chưa đủ để bù vào. Đến năm nay là năm thứ 3 tự chủ, nguồn thu đã tăng lên 25%. Rất mừng là thu nhập đầu người của cán bộ trong trường sau 2 năm tự chủ đã tăng gấp rưỡi, điều đó giúp cho giữ được cán bộ giỏi cống hiến cho nhà trường, theo đó nâng cao được chất lượng đào tạo.

Hiện điểm đầu vào của trường khá cao so với mặt bằng chung, học phí tăng gấp đôi và cao hơn gấp đôi so với các trường khác nhưng nhờ tự chủ, trường được đầu tư bài bản, chất lượng “đầu ra” tốt nên được nhiều HS lựa chọn. Dù trường đang trong sự cạnh tranh không lành mạnh khi một bên học phí 10 triệu, một bên học phí 20 triệu - nhưng đầu vào của trường vẫn dồi dào.

Điều này chứng tỏ phụ huynh coi trọng chất lượng đào tạo là trên hết, họ nghĩ đồng tiền bỏ ra là xứng đáng. Trường nào đào tạo tốt, tốt nghiệp xong có việc làm ngay, ra trường có thu nhập cao, các gia đình sẵn sàng bỏ tiền ra cho con em theo học chứ không nghĩ tự chủ là học phí cao nữa.

Hiệu trưởng “yếu”, trường đi vào vòng luẩn quẩn

* Từ 1/7, các trường ĐH triển khai tự chủ. Từ kinh nghiệm của nhà trường trong 3 năm qua, ông có lời khuyên gì cho các đồng nghiệp để tự chủ nhà trường ĐH thành công?

Kinh nghiệm vàng từ trường ĐH tự chủ thành công ảnh 1
“Hội đồng trường ĐH trước nay chưa có được quyền lực đúng như quy định tại Luật GD ĐH. Tuy nhiên, từ 1/7/2019, vai trò của Hội đồng trường sẽ khác theo hướng tốt hơn. Lâu nay ở các trường quyền lực thường tập trung vào ông Hiệu trưởng. Giờ Hội đồng trường có thể sa thải Hiệu trưởng. Cá nhân tôi không lo lắng về việc này, bởi đây là áp lực để Hiệu trưởng phải làm việc tốt hơn nữa”. PGS.TS.NGƯT  Đỗ Văn Dũng

- Khi tự chủ, trường phải tính toán từ vấn đề tuyển sinh cho đến việc tổ chức lại bộ máy sao cho hiệu quả, không tuyển người nhiều; tuyển giảng viên, không tuyển cán bộ; trao quyền tự chủ về cho các khoa…

Để tự chủ thành công, người đứng đầu phải có tâm, có tầm và phải làm hết mình vì đội ngũ, vì ngôi trường của mình. Hiệu trưởng nào mà “yếu” là trường đi vào chỗ “chết” ngay lập tức. Bởi việc đầu tiên của tự chủ là về tài chính.

Toàn bộ nguồn thu của nhà trường 90% dựa vào học phí, Nhà nước không cấp nữa. Thế nên trường ĐH tự chủ mà không có HS vào thì đồng nghĩa với tự sát, sau 1 - 2 năm thì không đủ tiền nuôi “quân”, “quân” không thể lo cuộc sống được thì họ bỏ đi. Cuối cùng tạo thành vòng luẩn quẩn là mất đội ngũ giỏi, chất lượng đào tạo kém, không có tiền để trang trải, đầu tư thiết bị, không tuyển sinh được, và cuối cùng là… sập. Thậm chí một số trường 1 - 2 năm gần đây tuyển sinh chỉ được 40 - 50% chỉ tiêu là không có tiền để… cắt cỏ trong trường luôn!

Hai sản phẩm của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM là Robot hỗ trợ việc bón thức ăn cho người già và bệnh nhân Parkinson và Hệ thống không cho người say lái xe được triển lãm tại Youth Innovation Showcase & Awards 2019. Đây là 2 sản phẩm duy nhất đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi do chính phủ Singapore tổ chức dành cho SV và HS khu vực châu Á. Ảnh: FBNV
Hai sản phẩm của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM là Robot hỗ trợ việc bón thức ăn cho người già và bệnh nhân Parkinson và Hệ thống không cho người say lái xe được triển lãm tại Youth Innovation Showcase & Awards 2019. Đây là 2 sản phẩm duy nhất đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi do chính phủ Singapore tổ chức dành cho SV và HS khu vực châu Á. Ảnh: FBNV

Bởi vậy, tự chủ ĐH, người đứng đầu nhà trường phải nỗ lực, làm ngày làm đêm, đặt ra chiến lược để nâng cao chất lượng đào tạo, tuyển sinh cho tốt, tổ chức bộ máy sao cho hiệu quả, tiết kiệm chi tiêu trong những năm đầu.

Tôi cho rằng tiết kiệm chi tiêu rất quan trọng. Từ lúc tự chủ, chúng tôi không mua báo phát cho các phòng/ban như trước, điện nước phải siết lại, quy định 9 giờ mới bật máy lạnh, tự động tắt lúc 4 giờ 30 phút chiều; đặc biệt là tận dụng các mối quan hệ với doanh nghiệp. Như việc dù có đau chân nhưng tôi vẫn cố gắng tham gia Ngày hội Cựu sinh Australia được tổ chức mới đây chính một phần để phục vụ cho việc tự chủ của nhà trường, gặp gỡ bạn bè, kết giao quan hệ, tìm cơ hội thu hút nguồn đầu tư vào trường.

* Được biết ông là một cựu sinh học Quản lý GD tại ĐH Sydney (Australia). Xin hỏi các kiến thức học hỏi được tại Australia có giúp ích gì cho ông trong việc triển khai tự chủ ĐH trong thời gian vừa qua?

- Xin khẳng định là việc mở mang kiến thức giúp ích cho tôi rất nhiều! Suốt một thời gian dài, các trường ĐH ở Australia cũng theo mô hình bao cấp như Việt Nam, sau chính phủ cắt dần tài trợ. Sau khi nhận được tự chủ, đặc biệt là các trường tư ở Australia vươn lên mạnh mẽ.

Tôi cho rằng, Australia là một địa chỉ chúng ta có thể học tập được nhiều kinh nghiệm trong vấn đề tự chủ ĐH. Tôi được biết vừa qua có một đoàn của Bộ GD&ĐT đã sang công tác tại Australia học hỏi về mô hình quản trị, tự chủ ĐH.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ