Sẽ không còn cơ quan chủ quản
Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ về mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và trường ĐH. Theo đại biểu, chúng ta hướng tới, các trường ĐH sẽ không cần đến cơ quan chủ quản. Hiện nay, Thủ tướng đang xem xét cho một số trường thí điểm cơ chế không có cơ quan chủ quản. Nói như thế để thấy định hướng chung, tư tưởng chung là tách bạch giữa can thiệp của Nhà nước với quản trị vận hành của cơ sở GDĐH.
- Đại biểu Hoàng Văn Cường trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại bên hành lang Quốc hội
Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, câu chuyện giữa TDTU và TLĐLĐ Việt Nam là tình huống thực tiễn, điều đó chứng tỏ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đã thành công. Tới đây, quyền của cơ quan quản lý Nhà nước sẽ được quy định minh bạch hơn. Và nếu như có xảy ra mâu thuẫn về mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản, với cơ sở GDĐH nào đó trong giai đoạn này thì chứng tỏ cơ quan chủ quản rất e ngại khi quyền lực của mình sẽ phải thay đổi và không thể áp đặt. Điều đó chứng tỏ rằng, Luật của chúng ta rất tốt.
Liên quan đến câu chuyện tài chính, tài sản đất đai, đại biểu Hoàng Văn Cường trao đổi: Về nguyên tắc, quản lý thu chi tài chính của trường phải tuân thủ 3 quy chế bắt buộc và phải được hội đồng trường thông qua. Thứ nhất: Quy chế tổ chức hoạt động để phân định quyền hạn, trách nhiệm giữa hội đồng trường đến hiệu trưởng. Thứ hai: Quy chế thu chi nội bộ hay còn gọi là quy chế tài chính. Nếu như trong quy chế tài chính đó mà quy định rằng, tiền này phải trả cho ai, phân phối như thế nào thì phải tuân thủ. Quy chế tài chính này cũng là do trường là đơn vị quyết định, chứ không có cơ quan nào áp đặt được.
Tạo cơ chế để các cơ sở GDĐH tự chủ cao
Nhấn mạnh tự chủ ĐH quy định rất rõ trong Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết: Luật này có hiệu lực chính thức từ ngày 1/7. Trong tự chủ có mấy điểm nổi lên như sau: Đầu tiên là tự chủ về tổ chức hoạt động, gồm: Nội dung chuyên môn, chương trình đào tạo… Tiếp theo là tự chủ về tổ chức bộ máy. Trong tổ chức bộ máy, Luật quy định rất rộng cho các trường. Theo đó, Hội đồng trường sẽ là người quyết định đến Ban giám hiệu, hiệu trưởng, hiệu phó. Cơ quan chủ quản chỉ công nhận quyết định hiệu trưởng, chứ không quyết định các vấn đề liên quan đã nêu.
- Đại biểu Phạm Tất Thắng
Chỉ có một người duy nhất mà cơ quan chủ quản quyết định là Chủ tịch Hội đồng trường. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm nhân sự phải tuân thủ theo quy chế tổ chức hoạt động của nhà trường và do hội đồng trường tổ chức lấy ý kiến, giới thiệu lên. Do vậy, tôi cho rằng, việc tổ chức nhân sự đã được Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH quy định cho các trường và giao quyền cho các cơ sở GD rất cao.
Liên quan đến tự chủ đại học, đại biểu Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trao đổi: Chúng ta muốn các trường được tự chủ trong tổ chức hoạt động của mình thì cần tháo bỏ những quy định cứng, những rào cản về mặt hành chính, để các cơ sở GD phát huy được nguồn lực của mình và phát triển.
Chúng ta sẽ tăng dần thẩm quyền cho các nhà trường theo hướng: Các cơ sở có đủ điều kiện, năng lực tự chủ cao thì sẽ được giao quyền tự chủ cao. Qua việc giao quyền tự chủ đó, sẽ giảm dần vai trò quản lý, điều hành cụ thể của các cơ quan chủ quản. Khi tăng quyền tự chủ, giảm dần vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước thì phụ thuộc vào khả năng tự chủ của các trường và giảm dần đầu tư của Nhà nước, của cơ quan chủ quản.
Đại biểu Phạm Tất Thắng nhấn mạnh: Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phải thay đổi thói quen. Các bộ ngành, địa phương phải tạo cơ chế để các cơ sở GDĐH phát triển.