Cả trường và cơ quan chủ quản đều phải xem xét lại mình

GD&TĐ - TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) - Ủy viên Thường trực Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, trong sự việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU), cả nhà trường và cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đều cần tự đánh giá, tự xét lại mình. Bởi nếu 2 bên có quan điểm khác nhau thì mâu thuẫn là không tránh khỏi.

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tuy nhiên, ủng hộ tự chủ ĐH, TS Lê Viết Khuyến đánh giá khá cao thành quả nổi trội của Trường TDTU đạt được khi thực hiện tự chủ tài chính nhiều năm qua: Không nhận hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước nhưng sự phát triển nhà trường, chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất đều phát triển tốt; tổ chức quản lý rất nghiêm túc; có số lượng lớn bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế uy tín… Những kết quả đạt được của Trường TDTU chứng minh cho thành công của chủ trương rất lớn của Đảng, Nhà nước về tự chủ ĐH.

Cũng nhân câu chuyện này, TS Lê Viết Khuyến trao đổi rộng ra về vấn đề tự chủ ĐH. Ông nhắc đến 2 định chế trong quản trị các tổ chức Nhà nước, đó là: Định chế theo kiểu tập quyền và định chế theo cơ chế hội đồng.

Theo đó, định chế tập quyền là bất cứ tổ chức nào cũng đều có cơ quan chủ quản cấp trên; cơ quan cấp trên này chọn, bổ nhiệm một người đại diện cho mình để vận hành tổ chức, nhà trường theo chỉ thị của cơ quan chủ quản. Với định chế này, trường ĐH không có quyền tự chủ. Ngược lại, ở định chế theo cơ chế hội đồng, Nhà nước trao quyền quản trị trường ĐH cho một tập thể lãnh đạo; tập thể lãnh đạo đó là hội đồng do các bên liên quan đứng ra đề cử lên và được Nhà nước chấp nhận - đó là tổ chức quyền lực cao nhất của nhà trường.

Trong điều kiện cụ thể ở nước ta, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, một loạt các văn bản của Nhà nước, đặc biệt là từ năm 2005 khẳng định các trường ĐH công lập chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ. Mới đây nhất, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ ĐH. Mà theo cơ chế tự chủ thì không thể trao quyền hành cho 1 cá nhân; bởi một cá nhân dù tốt, tài năng, nhưng khi được độc quyền sẽ dễ trở thành độc tài. Do đó, phải trao cho một tập thể lãnh đạo, tập thể đó là Hội đồng trường.

“Muốn thực hiện tự chủ thực sự thì phải có Hội đồng trường thực mạnh, thực lực; có bộ máy lãnh đạo tốt, đoàn kết. Mà muốn Hội đồng trường là tổ chức quyền lực cao nhất trong nhà trường thì phải xóa cơ chế bộ chủ quản. Cơ chế bộ chủ quản là níu kéo, làm chậm triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước về tự chủ” – TS Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công cụ trí tuệ nhân tạo giải quyết nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên.

Singapore thận trọng sử dụng AI

GD&TĐ - Các trường đại học Singapore áp dụng cởi mở nhưng thận trọng với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy và thực hành.
Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

GD&TĐ - An ninh trật tự Haiti liên tục phải chịu những biến cố, từ vụ ám sát tổng thống đến động đất và tình trạng bạo lực từ các băng đảng.