Kinh nghiệm quý từ triển khai thực hiện Chương trình mới

GD&TĐ - Nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra sau một quá trình triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị

Ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết: UBND tỉnh Phú Thọ đã có báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, đánh giá kết quả bước đầu, tỉnh Phú Thọ đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện 2 nghị quyết của Quốc hội. Địa phương cũng làm tốt công tác truyền thông tạo được sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân. Tranh thủ, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, địa phương, các chương trình mục tiêu quốc gia và từ nguồn xã hội hóa để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, từng bước đáp ứng các yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.

Đến nay, cơ bản Phú Thọ đã hoàn thành việc kiên cố hóa trường, lớp học. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh đạt 90,06%. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước hợp lý về cơ cấu các bộ môn. Công tác biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, tổ chức lựa chọn sách giáo khoa... trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo chất lượng, phù hợp với đặc thù của tỉnh và đúng tiến độ theo quy định.

Việc triển khai Chương trình GDPT 2018 được thực hiện đúng lộ trình theo quy định, đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Công tác quản trị trường học, tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá được đổi mới hiệu quả theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Theo ghi nhận, chất lượng giáo dục các khối lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018 đạt kết quả tích cực. Chất lượng GDPT nói chung của tỉnh tiếp tục củng cố, nâng cao cả về mũi nhọn và đại trà, khẳng định vị trí top 10 các tỉnh/thành dẫn đầu cả nước.

Trong quá trình triển khai thực hiện, bài học đầu tiên được tỉnh Phú Thọ rút ra để triển khai hiệu quả đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT là cần huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Có sự phân công trách nhiệm rõ ràng và cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quá trình chuẩn bị các điều kiện cũng như triển khai thực hiện.

Cùng với đó, làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền, quán triệt về mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa tới toàn thể cán bộ, giáo viên trong ngành và với phụ huynh, xã hội. Tạo sự đồng thuận, ủng hộ của cha mẹ học sinh và xã hội. Kịp thời biểu dương những tấm gương tập thể, cá nhân có nhiều đổi mới, sáng tạo trong quá trình chuẩn bị cũng như triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Xây dựng, phát triển và phát huy vai trò của đội ngũ chuyên gia, cố vấn, giáo viên cốt cán các môn học, cấp học trong công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ. Thường xuyên nắm bắt tình hình, tư vấn hỗ trợ, giúp đỡ các nhà trường, giáo viên trong quá trình thực hiện.

Bài học quan trọng khác là tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường. Xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai thật cụ thể, linh hoạt, phù hợp với từng địa phương, cơ sở giáo dục. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về công tác chuẩn bị cũng như triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Ưu tiên nguồn ngân sách và huy động các nguồn lực

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đưa ra các bài học kinh nghiệm nhằm triển khai tốt hơn nội dung quan trọng này giai đoạn tiếp theo.

Trong đó, điều đầu tiên được nhấn mạnh là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc quán triệt, triển khai Chương trình GDPT 2018 theo kế hoạch, lộ trình; tiếp tục coi trọng và tăng cường công tác truyền thông.

Hai là, đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng cường quyền tự chủ của nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục. Đi đôi với đó là nâng cao năng lực quản trị nhà trường, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của đổi mới giáo dục. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Ba là, ưu tiên nguồn ngân sách và huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, hạ tầng CNTT đáp ứng yêu cầu đổi mới. Thực hiện kịp thời, hiệu quả việc rà soát, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, coi trọng việc tự học, tự bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; thực hiện tốt chế độ, chính sách gắn với công tác thi đua - khen thưởng.

Bốn là, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường, giáo viên triển khai dạy và học theo chương trình, sách giáo khoa mới. Chú trọng đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt chuyên môn, đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo tổ/nhóm, trường, cụm trường, tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề các cấp nhằm kịp thời chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, lan tỏa những kết quả đạt được.

Thực hiện đổi mới đánh giá học sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý kết quả giáo dục và học tập của học sinh để giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, dành nhiều thời gian cho giáo viên quan tâm đến học sinh và đổi mới phương pháp dạy học.

Năm là, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương để làm tốt hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ