Nhận diện khó khăn khi thực hiện chương trình mới

GD&TĐ - Các địa phương đang tìm giải pháp tháo gỡ khi triển khai Chương trình mới bởi bên cạnh thuận lợi còn vẫn còn những khó khăn đặc thù.

Học sinh Trường THCS Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) trong giờ học Tin học. Ảnh: Q. Ngữ.
Học sinh Trường THCS Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) trong giờ học Tin học. Ảnh: Q. Ngữ.

Quan tâm giáo dục vùng khó

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, thực hiện Nghị quyết số 88/2014 và Nghị quyết số 51/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan.

Điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, địa phương có đông đồng bào dân tộc nên quá trình triển khai Chương trình mới cũng có những khó khăn đặc thù. Theo bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: Đối với SGK Chương trình mới, đa số gia đình có con em đi học vẫn mua được đủ sách. Tuy nhiên, tỉnh Sóc Trăng cũng còn nhiều khó khăn, người dân cần có chính sách hỗ trợ về SGK cho con em, nhất là đối với những gia đình đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc.

Đối với Tài liệu giáo dục địa phương, hiện Bộ GD&ĐT đã phê duyệt lớp 1, 2, 3, 6, 7, 8, 9,10 để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Sau khi Bộ phê duyệt Tài liệu giáo dục địa phương, Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho giáo viên và hướng dẫn triển khai giảng dạy nội dung giáo dục địa phương ở các cơ sở giáo dục. Triển khai Tài liệu giáo dục địa phương lớp 1 từ năm học 2020 - 2021; lớp 2, lớp 6 từ năm 2021 - 2022; lớp 3, lớp 7, lớp 10 từ năm học 2022 - 2023. Tuy nhiên, đến nay thì Tài liệu giáo dục địa phương lớp 2, 3, 7, 10 vẫn chưa được in. Các cơ sở giáo dục đang sử dụng bản mềm để giảng dạy.

Về đội ngũ, tỉnh vẫn còn thừa - thiếu giáo viên cục bộ, trong đó cấp tiểu học thiếu 481 giáo viên Anh văn, Tin học, giáo viên chủ nhiệm; thừa 44 giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục. Cấp THCS thiếu 81 giáo viên Địa lý, Kỹ thuật công nghiệp, Thể dục, Khmer; thừa 88 giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục. Cấp THPT thiếu 99 giáo viên Tiếng Anh, Địa lý, Sinh học, Giáo dục công dân, Lịch sử, Ngữ văn; thừa 63 giáo viên Toán, Vật lý, Ngữ văn.

Thiết bị dạy học tối thiểu cấp phổ thông toàn tỉnh có 65.173 bộ. Tỷ lệ đáp ứng nhu cầu tối thiểu các cấp học là 62,6%. Để đáp ứng Chương trình GDPT 2018, toàn tỉnh có nhu cầu bổ sung 45.399 bộ thiết bị dạy học tối thiểu.

Về cơ sở vật chất, toàn tỉnh có 350 trường phổ thông, 5.978 phòng học (trong đó có 4.668 phòng kiên cố, tỉ lệ 78,1%), 1.097 phòng học bộ môn, 362 thư viện, 228 phòng thiết bị giáo dục, 49 phòng tư vấn học đường, 294 phòng y tế trường học, 1.774 khu vệ sinh, 641 khu sân chơi, thể dục thể thao. Tỷ lệ phòng học/lớp chung toàn tỉnh đạt 0,9 phòng/lớp (5.978/6.641). Với tỷ lệ trên, tỉnh chưa đáp ứng số phòng học để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Sóc Trăng, tỉnh tiếp tục rà soát sắp xếp lại trường, lớp; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp những cơ sở giáo dục đang xuống cấp, đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học nhằm từng bước đáp ứng việc thực hiện Chương trình GDPT 2018. Rà soát điều kiện cơ sở vật chất các điểm trường, kết hợp thực hiện Đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới của tỉnh trong việc xây dựng cơ sở vật chất trường học...

Học sinh vùng dân tộc xã Hàm Giang (huyện Trà Cú, Trà Vinh). Ảnh: Q. Ngữ.

Học sinh vùng dân tộc xã Hàm Giang (huyện Trà Cú, Trà Vinh). Ảnh: Q. Ngữ.

Cần chính sách đặc thù cho vùng khó

Thực hiện Nghị quyết số 88/2014 và Nghị quyết số 51/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại tỉnh Trà Vinh cũng có những khó khăn đặc thù.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh, còn nhiều cơ sở giáo dục chưa đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất theo quy định, thiếu các phòng chức năng: phòng Tin học, phòng Ngoại ngữ, phòng Nghệ thuật; phòng Khoa học - công nghệ…). Việc phân công giáo viên giảng dạy ở các môn học tích hợp, môn học mới còn hạn chế do giáo viên chỉ được đào tạo một môn hoặc không đủ giáo viên để giảng dạy.

Tỉnh chưa bố trí đủ giáo viên dạy môn tiếng Anh, môn Tin học, Nghệ thuật. Quỹ đất hạn chế nên tiến độ xây mới và mở rộng trường học tại một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu về số học sinh/lớp học; chưa đảm bảo diện tích sân chơi cho học sinh… Giá SGK chỉ phù hợp với mức thu nhập của một bộ phận người dân có điều kiện kinh tế khá ở địa phương. Còn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo thì giá sách vẫn còn khá cao, do đó gây khó khăn cho gia đình của học sinh.

Việc tuyển dụng giáo viên chưa đạt chỉ tiêu do thiếu nguồn tuyển dụng, nhất là các cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo ngành Giáo dục thực hiện việc sáp nhập trường lớp, xóa một số điểm lẻ, tổ chức sắp xếp lại đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp học hiện nay. Số giáo viên chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019 là 1.587/11.962 giáo viên (chiếm 13,19%).

Ngành Giáo dục tỉnh Trà Vinh kiến nghị các cấp, ngành sớm xem xét và ban hành Luật Nhà giáo để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Xem xét, bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi Quốc hội sửa đổi Luật Giá.

Chính phủ tiếp tục quan tâm hỗ trợ nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia. Quan tâm nghiên cứu từng bước xây dựng đổi mới mô hình cung cấp SGK miễn phí cho học sinh ở các cấp học. Tiếp tục nghiên cứu có chính sách tuyển dụng đội ngũ giáo viên, tâm huyết với nghề; thu hút đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

 Mbappe được HLV Ancelotti lên tiếng bênh vực.

HLV Ancelotti bênh vực Mbappe

GD&TĐ - HLV Carlo Ancelotti của Real Madrid đã lên tiếng bảo vệ Kylian Mbappe trước những tin đồn bất lợi.