Kinh nghiệm quý triển khai NCKH cho học sinh phổ thông

GD&TĐ - Nghiên cứu khoa học (NCKH) dành cho học sinh (HS) tại trường THPT là hoạt động góp phần tích cực vào đổi mới giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của HS.

NGƯT Nguyễn Thị Thúy hướng dẫn học sinh thực hiện dự án tham gia thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh phổ thông.
NGƯT Nguyễn Thị Thúy hướng dẫn học sinh thực hiện dự án tham gia thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh phổ thông.

Trong những năm qua, hoạt động này đã là môi trường để HS nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo, khơi dậy sự nhiệt tình, tính chủ động say mê nghiên cứu khoa học; giúp học sinh phát huy được tính sáng tạo, phát triển năng lực nghiên cứu, phong cách làm việc khoa học, sự tìm tòi, ý thức mong muốn cải tiến và đổi mới trong chính mỗi sản phẩm nghiên cứu của mình.

Là giáo viên nhiều năm hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi khoa học kĩ thuật đạt giải thưởng cao, NGƯT. ThS Nguyễn Thị Thúy - Trường THPT Nguyễn Du (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong triển khai hoạt động này.

Những yếu tố chi phối hoạt động NCKH của học sinh phổ thông

Theo NGƯT Nguyễn Thị Thúy, hoạt động NCKH dành cho HS tại trường THPT có nhiều yếu tố chi phối và ảnh hưởng tới kết quả cũng như chất lượng của các sản phẩm của dự án.

Theo đó, ý tưởng phải xuất phát từ chính bản thân HS trong quá trình học tập và nhu cầu vận dụng kiến thức, kỹ năng đã biết vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn đời sống. HS hiện thực hóa ý tưởng một cách tự nguyện, đam mê và nghiêm túc kiên trì thực hiện.

Mỗi giáo viên, kể cả các giáo viên không trực tiếp tham gia hướng dẫn cũng cần nhận thức về vai trò của NCKH đối với đổi mới giáo dục theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất HS. Ngoài ra còn có sự tận tâm, sự đam mê nghiên cứu khoa học, trách nhiệm và khả năng tìm kiếm vận dụng các kiến thức chuyên ngành liên quan trong lĩnh vực nghiên cứu.

Nhắc đến quỹ thời gian dành cho NCKH, cô Nguyễn Thị Thúy cho biết: Theo dự thảo của chương trình giáo dục phổ thông mới, NCKH là môn học tự chọn tùy ý (CT1) từ lớp 8 cho đến hết THPT. Như vậy, quỹ thời gian thực hiện hoạt động NCKH dành cho HS tại nhà trường đã được quy định cụ thể - đây nhiệm vụ phát triển và ươm mầm các “hạt giống tốt” dành cho hoạt động NCKH sau này trong tương lai của HS.

Để thực hiện hoạt động NCKH tại nhà trường thì giáo viên tham gia hướng dẫn (GVHD) sẽ là nguồn giáo viên đang trực tiếp giảng dạy. Vậy trong hiện tại, mỗi giáo viên cần chủ động làm quen và đổi mới phương pháp dạy học theo hướng nghiên cứu và phát triển để giải quyết các vấn đề thực tiễn từ chính trong mỗi bài dạy/chủ đề dạy học.

“Ngoài ra, sự hỗ trợ từ lãnh đạo nhà trường, phụ huynh, ủng hộ từ xã hội; nguồn ngân sách, hỗ trợ của gia đình, vận động sự ủng hộ từ các nguồn khác… cũng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động NCKH của học sinh phổ thông” – cô Nguyễn Thị Thúy cho hay.

Định hướng cho HS phát triển và thực hiện ý tưởng

Khẳng định GVHD giữ vai trò quan trọng quyết định sự thành công trong mỗi dự án, cô Thúy nêu ví dụ:

Trong nội dung: “Bảo quản, chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản” - Công nghệ 10, giáo viên định hướng HS đưa ra các ý tưởng từ câu hỏi: Bằng cách nào/phương tiện gì để nâng cao giá trị, chất lượng trong bảo quản nông sản?

Từ câu hỏi này HS sẽ đưa ra nhiều giả thuyết, nhiều ý tưởng và có những ý tưởng có giá trị, phát hiện ra được các học sinh thực sự đam mê, thực sự mong muốn thực hiện ý tưởng.

Ý tưởng được hình thành bắt nguồn từ vấn đề thực tiễn và nhu cầu cần đáp ứng cho nhu cầu thực tiễn qua việc lồng ghép vào các bài dạy thích hợp trong chương trình học chính khóa, qua đó giáo viên sẽ phát hiện ra những HS đặc biệt, sự đam mê NCKH, những ý tưởng hay.

Từ kinh nghiệm thực tế, cô Thúy chia sẻ kinh nghiệm trong việc tham gia định hướng cho HS phát triển ý tưởng và thực hiện ý tưởng.

Cụ thể, giáo viên xác định lại tính khả thi của ý tưởng trong thực tiễn bằng cách hướng đến sản phẩm đầu ra của dự án, hướng đến đối tượng sẽ dùng sản phẩm này, từ đây thì HS cần quan sát mọi hoạt động của đối tượng sẽ sử dụng sản phẩm trong tương lai, phỏng vấn và thảo luận với họ về nhu cầu, mong muốn được đáp ứng.

Xây dựng kế hoạch nghiên cứu, kiểm soát và thúc đẩy các nhiệm vụ và nội dung nghiên cứu theo các mốc thời gian đã định ra cho HS.

Thảo luận tháo gỡ các khó khăn cùng HS thông qua các câu hỏi xuyên suốt như là: Tại sao lại làm như thế mà không chọn cách khác? Có cách làm nào khác không? Cơ sở của vấn đề này là gì?...

Tìm kiếm chuyên gia hỗ trợ cho việc thực hiện dự án: Dự án xuất phát từ chính ý tưởng của HS, cách thực hiện sản phẩm là do HS đưa ra và chọn lựa, liên quan nhiều đến kiến thức chuyên ngành – đây chính là khó khăn lớn nhất của GVHD. Cũng chính vì điều này, GVHD lại là người chủ động tìm và thuyết phục các chuyên gia hỗ trợ cho các em. Qua việc học và tham khảo từ các chuyên gia HS không chỉ được bù đắp các kiến thức đang thiếu hụt cho dự án mà các em cũng đồng thời ảnh hưởng từ họ tác phong, tính kiên nhẫn, tư duy của người làm công tác NCKH.

“Để hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo của HS, công việc quan trọng đầu tiên là GVHD và HS cần hòa làm một thể thống nhất. Điều này giúp GVHD thấy được những khó khăn, những vấn đề phát sinh từ dự án khi thử đặt mình vào các em, hoạt động cùng các em để từ đó tìm ra các cách giải quyết phù hợp trong việc hướng dẫn HS của mình” – cô Thúy chia sẻ thêm.

3 trụ cột: Gia đình – nhà trường – chuyên gia

Cô Nguyễn Thị Thúy cho rằng, HS và phụ huynh cần được định hướng đúng đắn ý nghĩa của hoạt động NCKH ngay từ trước khi thực hiện dự án nghiên cứu.

NCKH khi còn học tại trường THPT không phải vì mục đích là đi thi và thi đậu trong kỳ thi quốc gia hay trong kỳ thi quốc tế để được tuyển thẳng vào đại học hay tìm kiếm cơ hội du học ở nước ngoài.

Việc thành công hay thất bại khi thực hiện dự án đều mang lại một giá trị nhất định cho chính HS.

Do đó, làm rõ mục đích của NCKH tại nhà trường là hoạt động ươm mầm cho tương lai, hình thành và phát triển cho học sinh tố chất và năng lực của người làm công tác nghiên cứu sau này và những lợi ích mà chỉ trải qua thực hiện dự án khoa học thì các em mới có cơ hội được tiếp cận, được rèn luyện trong thực tiễn, được trải nghiệm trong nhiều cung bậc khó khăn khác nhau.

Đây là môi trường để các em cọ sát các em sẽ trưởng thành hơn, vững vàng hơn trong tương lai.

Từ nhận định trên, cô Nguyễn Thị Thúy nhấn mạnh mối quan hệ thường xuyên và chặt chẽ giữa GVHD và gia đình HS, nhà trường và chuyên gia – đây là cầu nối quan trọng để hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo của HS.

Trên cơ sở từ việc chọn ý tưởng, xác định tính khả thi của ý tưởng, kế hoạch nghiên cứu nhà trường mới xây dựng kế hoạch đưa nội dung của vấn đề NCKH mà HS đang tiến hành lồng ghép vào hoạt động sinh hoạt tổ chuyên môn của các bộ môn liên quan hay là tổ chức cho các tổ bộ môn tham gia thảo luận hay phản biện cho nhóm nghiên cứu.

Cô Thúy chia sẻ: Gia đình là nguồn động viên tinh thần cổ vũ cho hoạt động nghiên cứu của con em mình. Việc thực hiện dự án của HS có thuận lợi hay không cũng nhờ sự hỗ trợ và ủng hộ từ chính gia đình của các em.

Trong thực tế, chính mỗi học sinh và gia đình HS chịu áp lực rất lớn trong việc phân chia quỹ thời gia cho việc học chương trình chính khóa, học thêm tại nhà trường, học thêm ngoài nhà trường, áp lực của thi cử, các em đang cận kề với những chuỗi ngày ôn luyện thi đại học, cao đẳng.

Do đó, các em đôi khi có phần e ngại khi phải chia sẻ quỹ thời gian của mình cho một hoạt động khác mặc dù rất hấp dẫn nhưng cũng chứa nhiều rủi ro, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi mà quy chế thi đại học, cao đẳng đang có những sự thay đổi mới trong khi đó tâm lí của các em chưa vững chắc để có thể đối diện và cân bằng giữa hoạt động học tập và hoạt động NCKH.

Đây là lý do mà GVHD và gia đình cần có mối liên hệ thường xuyên để tạo niềm tin và tìm kiếm sự đồng tình, chia sẻ và ủng hộ cho việc thực hiện dự án của các em.

Bên cạnh đó, NCKH tại nhà trường đứng trước rào cản đó là trình độ chuyên môn sâu phục vụ cho việc hiện thực hóa ý tưởng của HS, bản thân GVHD đôi khi chưa đủ trình độ chuyên môn về một hay nhiều lĩnh vực cũng như những kiến thức phổ thông có phần hạn chế của các em gây cản trở đến việc tìm hiểu, xây dựng và hoàn thiện những ý tưởng.

Chính vì lẽ đó, ngoài sự hỗ trợ của GVHD thì còn phải tìm kiếm những sự giúp đỡ từ những người có trình độ chuyên môn để giảng dạy cho các em những kiến thức mà chương trình phổ thông không hề đề cập đến, để từ nền tảng kiến thức được học đó, các em có thể vận dụng sáng tạo cho công việc nghiên cứu của mình.

GVHD là người chủ động tìm kiếm chuyên gia phù hợp để hỗ trợ học sinh. Việc định hướng, kế hoạch nghiên cứu, nội dung cần được hỗ trợ,… sẽ thông qua GVHD để chuyên gia thuận tiện trong việc hỗ trợ các em. Không chỉ HS học các kiến thức chuyên ngành từ chuyên gia, mà qua mỗi dự án thì chính GVHD cũng đồng hành tìm kiếm và bù đắp kiến thức như các em.

“Tuy nhiên, trên thực tế đây là một chuyện không hề dễ dàng” – cô Nguyễn Thị Thúy cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ