Bí quyết ôn thi tốt nghiệp môn Toán theo đề thi tham khảo

GD&TĐ - Theo đánh giá của giáo viên, đề thi tham khảo môn Toán năm nay bám sát chương trình Toán THPT hiện hành, cấu trúc đề thi quen thuộc với học sinh.

Thí sinh làm bài trong phòng thi. Ảnh: LT.
Thí sinh làm bài trong phòng thi. Ảnh: LT.

Nắm chắc kiến thức cơ bản

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT năm 2023 với môn Toán, nhiều trường THPT tại Thanh Hóa đã cho học sinh (HS) tham khảo, thực hành.

Thầy Nguyễn Đình Thanh, giáo viên môn Toán, Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) đánh giá: Đề thi tham khảo môn Toán năm nay tương tự như đề thi chính thức, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Đề thi tham khảo gồm 50 câu, với thời gian làm bài 90 phút. Trong đó, 5 câu thuộc phạm vi kiến thức của chương trình lớp 11 và 45 câu thuộc phạm vi kiến thức của chương trình lớp 12. Có thể phân loại về mức độ nhận thức của đề tham khảo, gồm: 20 câu là mức độ Nhận biết; 15 câu ở mức độ Thông hiểu; 10 câu là mức độ Vận dụng và 5 câu còn lại là Vận dụng cao.

“Đề thi tham khảo năm nay bám sát chương trình Toán THPT hiện hành, cấu trúc đề thi quen thuộc đối với HS. Với đề thi này, HS chỉ cần với kiến thức, kỹ năng cơ bản là có thể đạt được điểm 7.

Thầy Lê Mạnh Hùng trong giờ dạy môn Toán, tại Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa). Ảnh: LT.

Thầy Lê Mạnh Hùng trong giờ dạy môn Toán, tại Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa). Ảnh: LT.

Những HS có lực học khá, siêng làm bài tập thì có thể đạt đến điểm 8. Ngoài ra, HS nếu nắm chắc kiến thức, kỹ năng và tư duy tốt có thể đạt được điểm 9”, thầy Thanh cho hay.

Cũng theo thầy Thanh, đề thi tham khảo năm nay có 5 câu khó gồm các câu: 42, 44, 47, 49 và 50. Nội dung câu hỏi nằm ở các mảng kiến thức khác nhau, đa dạng về hình thức nhằm phân loại HS ở phân khúc từ điểm 9 đến điểm 10.

Thầy Lê Mạnh Hùng - Tổ trưởng môn Toán, Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) cũng cho rằng, đề thi tham khảo môn Toán năm nay khá tương đồng với đề thi chính thức năm 2022. HS chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản, có thể tự tin đạt trên điểm 7.

Mặc dù, đề thi tham khảo môn Toán năm nay vẫn có sự phân hóa. Tuy nhiên, thầy Hùng cho rằng, mức độ phân hóa của đề thi tham khảo chưa thực sự rõ ràng. Cụ thể, từ câu 1 đến câu 39, chủ yếu là câu hỏi Nhận biết, Thông hiểu. Từ câu 40 bắt đầu có sự phân hóa, đặc biệt từ câu 46 đến 50 mức độ phân hóa tương đối cao dành cho HS giỏi.

“Bắt đầu từ câu 40 đến 45 nên phân hóa rõ hơn để phân loại tốt HS có học lực khá và trung bình khá. Vì đây là kỳ thi 2 trong 1, các trường đại học sẽ căn cứ vào kết quả kỳ thi để xét tuyển sinh”, thầy Hùng nói.

Luyện nhiều đề

Để đạt mức điểm cao ở kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Toán, thầy Thanh cho rằng, HS nên dành thời gian luyện nhiều đề tương tự. HS có thể luyện đề từ tủ đề của thầy cô hoặc chủ động lên mạng internet tìm kiếm.

“Trong quá trình làm bài thi, HS nên chú ý cẩn thận ở các câu hỏi mức độ dễ và trung bình. Thông thường thì hay nằm từ câu 1 đến câu 39 của đề thi. Ngoài ra, các em cũng không nên mất quá nhiều thời gian ở một câu nào đó. Tuyệt đối không học tủ vì thực tế những câu mức độ khó trong đề thi chính thức thường là câu hỏi mới”, thầy Thanh nói.

Học sinh Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) trong giờ thảo luận và làm bài tập môn Toán. Ảnh: LT.

Học sinh Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) trong giờ thảo luận và làm bài tập môn Toán. Ảnh: LT.

Thầy Lường Văn Hưng - Tổ trưởng môn Toán, Trường THPT Hoằng Hóa 4 (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho rằng, HS không nên dựa hoàn toàn vào đề tham khảo.

"Điều quan trọng là các em phải nắm vững kiến thức cơ bản, chăm chú cùng thầy, cô ôn tập trên lớp. Để đạt điểm cao ở những câu Vận dụng và Vận dụng cao, ngoài nắm kiến thức cơ bản, HS cần dành thời gian luyện thật nhiều đề", thầy Hưng chia sẻ.

Trong khi đó, thầy Đào Văn Phúc - giáo viên Toán, Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa) đánh giá: Đề thi tham khảo năm nay khá tương đồng với đề thi chính thức của năm 2022 về cấu trúc cũng như tỷ lệ các câu Nhận biết, Thông hiểu, Vận dụng thấp và Vận dụng cao.

Với đặc thù của nhà trường là HS khu vực miền núi cao, thầy Phúc tập trung cho HS ôn tập để có thể đạt điểm tối đa các câu mức độ Nhận biết, Thông hiểu.

“Chúng tôi chủ yếu cho HS ôn tập theo chuyên đề. Giáo viên sẽ tổng hợp các câu hỏi theo chủ đề rồi trình bày trên bảng để HS hiểu. Sau đó, HS sẽ thảo luận và tự hoàn thiện các câu hỏi ngay trên lớp.

Đặc biệt, với đặc thù HS khu vực miền núi cao, chúng tôi ưu tiên cho HS ôn tập tốt phần Nhận biết. Từ đó, hình thành kiến thức để giúp HS làm tốt phần Thông hiểu”, thầy Phúc chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.