Thầy Tô Chỉnh - giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) có nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, trực tiếp giảng dạy đã rút ra nhiều kinh nghiệm đạt hiệu quả trong huy động, duy trì sỹ số lớp học xóa mù chữ (XMC) cho bà con dân tộc thiểu số.
Tham mưu vận động bà con dân tộc thiểu số học xóa mù chữ
Nam Đông là huyện miền núi có tỷ lệ bà con là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Do đời sống kinh tế xã hội nói chung trên địa bàn còn khó khăn nên một giai đoạn dài người dân chỉ lo mưu sinh, việc học tập của bà con huyện Nam Đông nói chung và bà con người DTTS nói riêng không được đầy đủ. Nhiều bà con không được đến trường học đúng tuổi, học không đến nơi đến chốn, nên tỷ lệ mù chữ còn cao. Trong khi đó việc vận động bà con đến các lớp học xóa mù chữ cũng không dễ dàng.
Cụ thể, các hộ dân sống thưa thớt trải dài trên một địa hình, nên dẫn đến việc huy động học viên đến với các lớp XMC gặp khó khăn. Công tác XMC chưa được xã hội quan tâm đúng mức, nên chủ yếu hoạt động công tác XMC do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – GDTX đảm trách.
Học viên tuổi đời, trình độ chênh lệch, đại đa số là người dân tộc Cơ Tu ngôn ngữ phổ thông còn hạn chế, nên việc vận động đến lớp XMC gặp nhiều trở ngại. Quá trình tiếp thu bài ở các môn học chậm nói chung và đặc biệt là học viên XMC càng gặp khó khăn hơn.
Bên cạnh đó ở học viên là đối tượng lớn tuổi, DTTS nên cũng có nhiều mặt hạn chế nhất định như: sức khỏe không tốt khi đến lớp vào buổi tối; phát âm Tiếng Việt không chuẩn, tiếp thu chậm và mau quên. Tâm lý người dân đi học dễ nản nếu thấy khó, mắc cỡ khi có người lạ mặt, đông người hoặc dễ tự ái nếu bị nhận xét chưa tốt.
Hội thảo về công tác xóa mù chữ do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức. Ảnh: NVCC |
Là giáo viên trực tiếp làm công tác chủ nhiệm, giảng dạy các lớp xóa mù chữ, thầy Tô Chỉnh đã tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm, giải pháp vận động, huy động cũng như duy trì số lượng bà con đến lớp. Trong đó đầu tiên là công tác tham mưu cho Ban giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX về công tác huy động, vận động người mù chữ tham gia học tập
Cụ thể như tham mưu Ban giám đốc Trung tâm chỉ đạo phổ cập giáo dục huyện tổ chức hội thảo cấp huyện đầu năm học. Thành phần tham dự gồm có Phòng Giáo dục và đào tạo huyện; Trung tâm GDNN - GDTX và các Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục các xã, thị trấn. Qua đó quán triệt những vấn đề cần chung tay tháo gỡ và có trách nhiệm chung trong công tác vận động, huy động và duy trì các lớp XMC rộng khắp trên địa bàn huyện.
Mỗi dịp đầu năm học mới, giáo viên tham mưu cho Trung tâm gửi văn bản về các xã, bản để phối hợp điều tra số lượng người mù chữ, khảo sát địa điểm vận động và tập trung các lớp học. Cụ thể trong năm học 2023 – 2024, Trung tâm đã huy động mới 3 lớp XMC mức độ I với gần 70 học viên; 1 lớp XMC mức độ II có 12 học viên…
Đồng thời tham mưu cho việc tổ chức khai giảng năm học mới một cách bài bản, bố trí giáo viên giảng dạy; cấp phát tài liệu học đầy đủ cho các lớp… Qua đó giúp các lớp XMC đã đi vào dạy học nghiêm túc.
Thầy Tô Chỉnh cũng trực tiếp làm việc với Phó chủ tịch xã về công tác triển khai giáo dục, về tận thôn bản để vận động người mù chữ ra lớp. Tham mưu cho UBND xã đã có công văn gửi về từng thôn bản, khảo sát người còn mù chữ trong thôn.
Tiếng nói và vận động thuyết phục của già làng rất quan trọng đối với nhân dân trong thôn, nhờ vậy việc thuyết phục, vận động người mù chữ ra lớp hết sức thuận lợi và có hiệu quả.
“Sau khi nắm số lượng, tôi đã đăng ký với các thôn triển khai phiên họp toàn dân, qua đó tổ chức tuyên truyền vận động và nắm được danh sách cụ thể. Đưa danh sách người tham gia học lớp XMC báo cáo với Ban giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX có kế hoạch tổ chức lớp học. Về phía bản thân, tôi chủ động khảo sát địa điểm đặt lớp học, xin kinh phí lắp điện, vận chuyển bàn ghế và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cho lớp học”, thầy Tô Chỉnh cho hay.
Tăng cường vai trò chủ nhiệm lớp học xóa mù chữ
Đối với bà con dân tộc thiểu số, phần lớn đều lo mưu sinh vất vả, nên hầu như việc giao lưu sinh hoạt trong cuộc sống thường ngày rất ít. Vì thế khi học viên được tập trung cùng học các lớp XMC là cơ hội mà học được tiếp cận và gần gũi với nhau qua thời gian dài.
Nhận thấy thực tế này, thầy Tô Chỉnh đặc biệt chú trọng đến công tác chủ nhiệm làm sao tạo mối liên kết gắn bó từ ngay khi mở lớp xóa mù chữ, giữa thầy với trò, trò với trò và thầy trò với gia đình, thôn bản nơi học viên sinh sống.
Thầy giáo Tô Chỉnh tổ chức cho lớp học xóa mù chữ đi tham quan để tăng mối đoàn kết, gần gũi cho các học viên. Ảnh: NVCC |
Trong lớp, thầy đã phân công thành lập nhóm bao gồm cả học viên khá giỏi lẫn trung bình, yếu để hỗ trợ kèm cặp nhau trong học tập, thảo luận cũng như thi đua đạt kết quả tốt.
Cùng với đó, mỗi tháng tháng giáo viên tổ chức cho học viên được thăm một gia đình học viên. Qua đó, học viên còn được tham quan mô hình làm ăn như chăn nuôi, làm vườn, vệ sinh nơi ở, phòng học tập của nhau để chia sẻ kinh nghiệm.
Sau phần tham quan, thăm viếng học viên sẽ tổ chức một buổi liên hoan có sự tham gia của gia đình học viên, tạo tâm lý phấn khởi, tự tin và tự hào về được tham gia đi học của bản thân.
Vào dịp hè, thầy còn huy động các nguồn lực để tổ chức cho học viên đi tham quan như tại biển Lăng Cô - Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… tăng tình đoàn kết và hứng thú tham gia học tập vào năm tiếp theo.
Nhờ nhiều hình thức phong phú như vậy, học viên càng thân thiết và siêng năng trong học tập. Cũng trên cơ sở đó chồng (vợ) học viên càng tạo điều kiện cho người thân đến lớp. Nhờ đó thu hút thêm học viên vào các lớp học XMC cũng như duy trì sỹ số ổn định trong khóa học.
Nhờ nhiều giải pháp và sự quan tâm của giáo viên chủ nhiệm, học viên các lớp xóa mù chữ đi học chuyên cần, đầy đủ hơn. Ảnh: NVCC |
Bên cạnh đó, việc thiết lập được mối quan hệ hợp tác tích cực tốt đẹp giữa thầy và trò, mỗi tối đến lớp là khoảng thời gian vui vẻ được chờ đợi chứ không phải bắt buộc đi học là yếu tố quan trọng để học viên không nản chí. Giáo viên chú trọng vào mặt thành công của của HV bên cạnh đó hạn chế việc chê bai, phê bình dẫn đến tâm lý xấu hổ, tổn thương cho trò. Chính nhờ không khí thân thiện, tích cực đó mà lớp học XMC ngày càng có nề nếp, chất lượng mà vẫn nhẹ nhàng không bị áp lực, học viên càng chăm học.
Sau nhiều năm gắn bó với các lớp xóa mù chữ và áp dụng những giải pháp trên, thầy Tô Chỉnh đã chủ động và thoải mái hơn trong công tác chủ nhiệm, giúp mình tự tin trên bục giảng, nên việc sáng tạo trên lớp cũng sinh động, linh hoạt hơn. Phía học viên thì có tâm lý thoải mái xem lớp học “là ngôi nhà chung” gần gũi. Chất lượng các lớp học cũng tốt hơn và sỹ số lớp ngày càng được bổ sung đông đủ.
“Việc áp dụng các kinh nghiệm nêu trên nên trong thời gian qua bản thân tôi nhận thấy việc huy động, vận động người mù chữ không còn là “rào cản”, người mù chữ tự nguyện xin vào lớp học XMC ngày càng gia tăng, đang trở thành phong trào học tập rất tốt. Lãnh đạo các địa phương và quần chúng nhân dân rất ủng hộ và ghi nhận hoạt động của thầy trò”, thầy Tô Chỉnh chia sẻ.