Khi bồi dưỡng giáo viên thường ôn lại cấu trúc ngữ pháp, yêu cầu học sinh làm bài tập trong sách rồi chữa bài cho học sinh ... Như vậy, học sinh không biết nhiều các dạng bài, khó hệ thống kiến thức, không nắm được cách thức, phương pháp làm một dạng bài cụ thể dẫn đến chất lượng bài thi thấp, kết quả giải không cao.
Từ thực trạng này, thầy Đoàn Mạnh Hùng – giáo viên Trường THCS thị trấn Than Uyên (Lai Châu) – đã chia sẻ kinh nghiệm để khắc phục, bằng việc đưa ra các dạng bài thi cơ bản nhất, cách thức và phương pháp thực hiện giải một bài tập cụ thể; đồng thời, giúp giáo viên bồi dưỡng có sự khái quát, tổng quan về những chủ đề, chủ điểm ngữ pháp, những phương pháp tích cực trong dạy học và những chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi bậc THCS.
Cung cấp các dạng bài thường có trong đề thi
Việc cung cấp và giúp học sinh nhận biết các dạng bài thường gặp trong đề thi giúp học sinh có sự khái quát, tổng quan về các dạng bài tập. Qua đó, đỡ bỡ ngỡ và tự tin hơn trong quá trình làm bài thi.
Các dạng bài thường gặp trong đề thi đó là:
+ Give the correct tense of the verbs in brackets.
+ Give the correct form of the words in brackets/ Complete sentence or passage with one suitable word.
+ Write the complete sentences, using the words/ phrases given.
+ Rewrite the second sentence so that it has similar meaning to the first one
+ Complete sentence/ passage with one suitable preposition.
+ Put these words in order to complete sentences.
+ Correct the mistakes in each sentence.
+ Read the passage then answer the questions.
+ Writing letter/ essay.
Hướng dẫn học sinh cách thức, phương pháp làm từng dạng bài
Giáo viên hướng dẫn và yêu cầu học sinh khi gặp bất cứ dạng bài nào cần phải thực hiện trình tự các bước giải bài, không được làm tắt.
Dạng bài thứ nhất: Give the correct tense of the verbs in brackets.
Bước 1: Xác định thì của động từ dựa vào các dấu hiệu nhận biết của thì đó trong câu hoặc dựa vào nội dung, tình huống của câu.
Ví dụ: We usually (play)............... sports in the afternoon.
"Usually" là trạng từ chỉ tần suất, sự thường xuyên, lặp đi lặp lại của một hành động, sự việc .... do vậy ta xác định động từ trong ngoặc phải được chia ở thì Hiện tại đơn giản: We usually play sports in the afternoon.
Bước 2: Xác định dạng câu là khẳng định, phủ định hay câu hỏi.
Ví dụ: They (learn)............... for two years.
Trong câu trên không có từ "not" đứng trước động từ, cũng không có dấu "?" ở cuối câu, do vậy ta xác định câu trên cần phải chia động từ ở dạng câu khẳng định: They have learned/learnt for two years.
Bước 3: Xác định câu đó là câu thể chủ động (active) hay câu thể bị động (passive)
Ví dụ: He (kick)............... the ball into the goal.
Trong câu trên chủ ngữ "He" tự mình có thể thực hiện được hành động "kick the ball", do vậy ta xác định câu trên cần phải chia động từ ở câu thể chủ động (active): He kicked the ball into the goal.
Bước 4: Xác định động từ trong ngoặc có chia theo cấu trúc nào khác hay không
Ví dụ : He asked me (give)............... him some money.
Trong câu trên có sử dụng cấu trúc "Ask somebody to do something", do vậy động từ "give" phải được chia theo cấu trúc ở dạng nguyên thể "to infinitive": He asked me to give him some money.
Dạng bài thứ hai: Give the correct form of the words in brackets/ Complete sentence/ passage with one suitable word.
Bước 1: Xác định từ cần điền vào chỗ trống thuộc từ loại nào (danh từ, động từ, tính từ, trạng từ, mạo từ .v..v...) dựa vào các dấu hiệu nhận biết của những từ/ cụm từ đứng trước hoặc đứng sau chỗ trống hoặc dựa vào cấu trúc ngữ pháp trong câu.
Nếu từ cần điền là danh từ thì cần xem xét danh từ đó là số nhiều hay số ít, danh từ chỉ người hay chỉ vật.
Nếu từ cần điền là động từ thì cần xem xét động từ đó thuộc thể chủ động hay bị động và được chia ở thì nào.
Nếu từ cần điền là tính từ/ trạng từ thì cần xem xét tính từ/ trạng từ đó mang nghĩa tích cực hay mang nghĩa không tích cực.
Bước 2: Hướng dẫn học sinh nắm được cách thành lập từ (tính từ, trạng từ, danh từ...). Cung cấp cho học sinh các tiền tố (preffix), hậu tố (suffix) và các ví dụ, các từ được thành lập từ những từ phái sinh để học sinh học thuộc.
Bước 3: Lựa chọn từ phù hợp nhất để hoàn thiện câu hoặc đoạn văn.
Dạng bài thứ ba: Write the complete sentences, using the words/ phrases given
Đây là dạng bài tập sử dụng những từ/ cụm từ cho sẵn để viết thành câu hoàn chỉnh, trước khi hướng dẫn trình tự các bước thực hiện, giáo viên cần lưu ý học sinh một số điểm quan trọng để tránh nhầm lẫn với những dạng bài khác:
+ Thứ nhất: Không được thay đổi trật tự các từ cho sẵn trong câu.
+ Thứ hai: Chỉ được thêm từ, không được bớt từ.
+ Thứ ba: Chia động từ theo thì hoặc theo cấu trúc dựa vào các dấu hiệu nhận biết và các thành phần trong câu.
Bước 1: Đọc kỹ các từ/ cụm từ cho sẵn, xác định thì của động từ và các cấu trúc ngữ pháp sử dụng trong câu.
Bước 2: Xác định các từ, cụm từ cần phải thêm vào trong câu (thường là các mạo từ, giới từ, tính từ sở hữu hoặc liên từ ...)
Bước 3: Xác định dạng câu là khẳng định, phủ định hay câu hỏi.
Dạng bài thứ tư: Rewrite the second sentence so that it has similar meaning to the first one.
Đây là dạng bài đòi hỏi ta phải sử dụng một cấu trúc ngữ pháp khác thay thế cho cấu trúc được sử dụng trong câu đã cho để viết lại câu sao cho nghĩa không thay đổi.
Bước 1: Xác định cấu trúc ngữ pháp sử dụng trong câu đã cho, kết hợp với tìm hiểu nội dung của câu.
Bước 2: Dựa vào từ gợi ý cho sẵn trong câu thứ hai để xác định dạng câu và cấu trúc viết lại câu.
Dạng bài thứ năm: Complete sentence/ passage with one suitable preposition.
Bước 1: Hướng dẫn học sinh nắm được tính chất cơ bản nhất của giới từ.
Bước 2: Cung cấp cho học sinh một số giới từ đi sau các động từ hoặc các tính từ quen thuộc.
Bước 3: Hướng dẫn học sinh xác định và lựa chọn giới từ cần điền vào chỗ trống dựa vào các dấu hiệu nhận biết là các từ/ cụm từ (thường là các trạng từ chỉ thời gian, nơi chốn hoặc các động từ, tính từ) đứng trước hoặc đứng sau chỗ trống.
Dạng bài thứ sáu: Put these words in order to complete sentences.
Đây là dạng bài tập sắp xếp những từ/ cụm từ cho sẵn thành câu hoàn chỉnh, trước khi hướng dẫn trình tự các bước thực hiện dạng bài, giáo viên cần lưu học sinh một số điểm quan trọng để tránh nhầm lẫn với những dạng bài khác:
+ Thứ nhất: Không được thêm từ, không được bớt từ.
+ Thứ hai: Không được chia động từ theo thì hoặc theo cấu trúc (trừ
trường hợp đầu bài yêu cầu).
Bước 1: Đọc kỹ các từ, cụm từ cho sẵn để hiểu khái quát nội dung chính của câu và phát hiện ra các cấu trúc ngữ pháp được sử dụng trong câu. Đếm số lượng từ/ cụm từ trong câu mục đích để tránh bỏ sót từ hoặc cụm từ sau khi đã sắp xếp lại.
Bước 2: Hướng dẫn học sinh lựa chọn những từ có thể đi với nhau để ghép thành những cụm từ hoặc mệnh đề ngắn. Sử dụng những cụm từ hoặc mệnh đề ngắn để ghép thành những mệnh đề dài hơn, rồi từ những mệnh đề dài ghép thành câu hoàn chỉnh.
Bước 3: Rà soát lại để kiểm tra cấu trúc và nội dung câu. Đếm lại số lượng từ/ cụm từ trong câu xem có đủ so với số lượng từ/ cụm từ đã cho hay không.
Dạng bài thứ bảy: Correct the mistakes in each sentence.
Bước 1: Giúp học sinh tìm hiểu về những loại lỗi thường gặp trong câu hoặc trong đoạn văn.
Bước 2: Gạch chân các lỗi sai và chữa lại câu đúng.
Dạng bài thứ tám: Read the passage then answer the questions.
Bước 1: Đọc kỹ câu hỏi để xác định: Câu hỏi thuộc dạng câu hỏi gì? (câu hỏi nghi vấn hay câu hỏi có từ để hỏi). Thì của động từ trong câu thuộc thì nào? Nội dung câu hỏi muốn hỏi về điều gì? Câu hỏi cho chủ ngữ hay tân ngữ trong câu? Chủ ngữ /tân ngữ trong câu hỏi là về người hay vật? Câu hỏi thuộc thể chủ động hay bị động?
Bước 2: Đọc lần lượt từng câu hỏi và tìm thông tin trong bài đọc để trả lời.
Trong bước này, giáo viên hướng dẫn và yêu cầu học sinh không đọc toàn bộ bài đọc trước sau đó mới trả lời câu hỏi mà phải đọc kỹ lần lượt câu hỏi rồi đọc lướt thông tin trong bài đọc, nếu tìm thấy thông tin chỗ nào trong bài đọc có liên quan đến câu hỏi thì mới đọc kỹ phần đó để sử dụng trả lời cho câu hỏi.
Dạng bài thứ chín: Writing letter/ essay.
Với dạng Writing letter có các bước như sau:
Bước 1: Hướng dẫn và giúp học sinh nắm được cấu trúc chính của một bức thư, và thể loại thư.
Thông thường một bức thư gồm có 5 mục chính sau: Greeting, Opening, Body, Concluding, Closing.
Thư viết có 2 thể loại, đó là: Formal style và Informal style
Bước 2: Hướng dẫn và giúp học sinh phân biệt thể loại thư giữa formal style và informal style, đồng thời cung cấp cho học sinh những câu thường sử dụng trong mỗi thể loại thư cũng như tùy thuộc vào nội dung của mỗi bức thư.
Bước 3: Giới thiệu một số bài mẫu giúp học sinh có sự so sánh, đối chiếu.
Với dạng Writing essay có các bước sau:
Bước 1: Hướng dẫn và giúp học sinh nắm được cấu trúc chính của một bài viết
Bước 2: Hướng dẫn và giúp học sinh nắm được những thông tin, dữ liệu chính cần đưa ra trong mỗi đoạn văn của bài viết.
Cung cấp các bài tập, tài liệu, hướng dẫn học sinh làm bài tập theo từng dạng bài, từng chuyên đề
Sau khi giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu các dạng bài và các bước thực hiện đối với từng dạng bài thì giáo viên cần sưu tầm các bài tập, sách tham khảo, tài liệu bồi dưỡng ... để giúp học sinh thực hành giải các bài tập theo từng dạng bài và từng chuyên đề đã hướng dẫn.
Mỗi dạng bài, chuyên đề cần dành thời gian khoảng từ 10 đến 15 tiết để thực hành, luyện tập.
Thực hành giải một số đề thi học sinh giỏi các năm học trước
Giáo viên sưu tầm đề thi học sinh giỏi các cấp từ những năm học trước để tổ chức cho học sinh thi thử nhằm giúp các em cọ sát, rèn luyện và đánh giá chất lượng của học sinh giúp giáo viên có sự điều chỉnh cần thiết.