Kinh nghiệm giáo dục học sinh khuyết tật hòa nhập của trường miền núi

GD&TĐ - Giáo dục học sinh khuyết tật học hòa nhập là một nhiệm vụ quan trọng trong nhà trường tiểu học. Quán triệt tinh thần này, Trường Tiểu học Kháng Nhật (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) luôn chú trọng công tác giáo dục học sinh khuyết tật hòa nhập.

Em Bùi Chí Phương - học sinh lớp 1C, điểm trường Ba Khe bị liệt 2 chân phải ngồi xe lăn trong lớp học
Em Bùi Chí Phương - học sinh lớp 1C, điểm trường Ba Khe bị liệt 2 chân phải ngồi xe lăn trong lớp học

Để các em học sinh khuyết tật được học hòa nhập tốt, ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm nắm đặc điểm tình hình từng em, theo dõi tâm sinh lý, khả năng mức độ nhận thức của từng em; đồng thời phối hợp chặt chẽ với gia đình trong công tác giáo dục ở trường và ở nhà.

Trong các năm học, nhà trường đều có trẻ khuyết tập, chủ yếu khuyết tập về vận động, trí tuệ  phát triển chậm: khó khăn về ngôn ngữ, giao tiếp. Năm học 2018 – 2019, trường có 14 lớp, 282 học sinh, trong đó có 6 học sinh khuyết tật học hòa nhập ở 5 lớp.

Mỗi em một hoàn cảnh. Tại điểm trường Ba Khe có học sinh lớp 1 Bùi Chí Phương, bị liệt cả 2 chân từ lúc 2 tuổi. Hàng ngày bố mẹ em ở thôn Đèo Mon phải đưa đón đến lớp bằng xe lăn. Còn em Tống Gia Bảo ở lớp 3B Trung tâm thỉnh thoảng không tự chủ trong vệ sinh…    

Với tinh thần trách nhiệm, tình thương yêu và lòng kiên trì, nhẫn nại, các thầy cô giáo luôn quan tâm giúp đỡ các học sinh đặc biệt mọi lúc mọi nơi, trong mọi hoạt động. Thầy cô thường xuyên trò chuyện với các em, hướng dẫn em kỹ năng sinh hoạt, đọc bài…ôn lại những kiến thức em vừa học, đặc biệt là luyện dần kỹ năng ghi nhớ vì các em rất hay quên.

Bên cạnh đó, nhà trường giáo dục các học sinh trong lớp, trong trường thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ các bạn thiệt thòi, tạo điều kiện để các học sinh khuyết tật tham gia hoạt động tập thể.

Đánh giá kết quả giáo dục hoà nhập được nhà trường thực hiện  căn cứ vào mục tiêu, nội dung giáo dục đã điều chỉnh theo kế hoạch cá nhân. Phù hợp điều kiện hoàn cảnh của từng học sinh, sát với từng dạng khuyết tật cụ thể và luôn ghi nhận sự tiến bộ cố gắng của từng em.

Công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật ở Trường Tiểu học Kháng Nhật đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và thực hiện ngày càng có hiệu quả sự bình đẳng, công bằng trong giáo dục, đảm bảo quyền của trẻ em. Nhà trường, gia đình cùng các tổ chức đoàn thể đã cùng chung tay góp sức để tạo nên một môi trường học tập lành mạnh, thân thiện cho các em học sinh bị thiệt thòi có những điều kiện tốt nhất trong học tập và rèn luyện.          

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ